Có cần quy định rõ các loại giao dịch phải công chứng?

(PLO)- Một số ý kiến tán thành không quy định, số khác lại đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật quy định về các loại giao dịch phải công chứng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 25-10, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), đồng thời, thảo luận về dự luật này.

Nâng cao tiêu chí bổ nhiệm công chứng viên

Ông Hoàng Thanh Tùng trình bày: Có ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính (TTHC) không cần thiết làm gia tăng chi phí, gây khó khăn cho các tổ chức hành nghề công chứng (TCHNCC), cá nhân tham gia hành nghề công chứng.

Tiếp thu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xin ý kiến ĐBQH và bỏ quy định “Sở Tư pháp có văn bản đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp miễn nhiệm công chứng viên (CCV) khi CCV đã quá 70 tuổi mà không đề nghị được miễn nhiệm”. Đồng thời quy định đây là trường hợp đương nhiên được miễn nhiệm, Sở Tư pháp chỉ thực hiện thống kê danh sách CCV đương nhiên được miễn nhiệm để báo cáo Bộ Tư pháp.

Quy định “người không đạt yêu cầu trong 3 lần tham dự kiểm tra thì phải tập sự lại trước khi đăng ký tham dự lần kiểm tra tiếp theo” cũng được bãi bỏ để tránh gia tăng chi phí tuân thủ pháp luật, cá nhân có nhu cầu hành nghề công chứng sẽ tự có trách nhiệm rèn luyện kỹ năng nghề để có thể hoàn thành kỳ kiểm tra tập sự.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát, thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng có liên quan đến hoạt động công chứng của dự thảo Luật, đặc biệt là các nội dung liên quan đến việc chuyển đổi số; rà soát dự thảo Luật nhằm bảo đảm tính thống nhất với một số luật khác, nhất là Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai.

qh-hoang-thanh-tung.jpg
Ông Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu dự luật Công chứng (sửa đổi). Ảnh: QH

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu ý kiến này và bổ sung các quy định kiểm soát chặt chẽ và nâng cao tiêu chí bổ nhiệm CCV, song song với việc tăng cường cải cách TTHC; quy định chặt chẽ về việc đăng ký thành lập và hoạt động của Văn phòng công chứng (VPCC), việc hợp danh trong VPCC để hạn chế tình trạng hợp danh hình thức, gây sự mất ổn định trong hoạt động hành nghề công chứng; tăng cường tính minh bạch, khả thi trong thủ tục công chứng, bảo đảm thống nhất với BLDS và quy định khác của pháp luật có liên quan…

“Đồng thời, các nội dung của dự thảo Luật đã được rà soát để tiếp thu, chỉnh lý, bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật, nhất là các luật có liên quan trực tiếp như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản”, ông Hoàng Thanh Tùng trình bày.

Các loại giao dịch phải công chứng

Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, một số ý kiến tán thành không quy định về các loại giao dịch phải công chứng trong dự thảo Luật. Một số ý kiến đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật quy định về các loại giao dịch phải công chứng.

Cụ thể, đó là các giao dịch về bất động sản trừ những giao dịch mà Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản quy định do người yêu cầu công chứng tự nguyện yêu cầu; giao dịch đối với tài sản có đăng ký; giao dịch liên quan đến doanh nghiệp; các giao dịch khác mà pháp luật quy định bắt buộc phải được công chứng.

Theo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, như các nước, pháp luật nước ta cũng quy định công chứng bắt buộc đối với một số giao dịch quan trọng liên quan đến quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, một số loại tài sản khác phải đăng ký quyền sở hữu, sử dụng... Quy định như vậy là cần thiết nhằm bảo đảm an toàn pháp lý cho các giao dịch quan trọng trong đời sống dân sự, kinh tế.

qh-hoang-thanh-tung-canh.jpg
Quốc hội nghe ông Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo. Ảnh: QH

Luật Công chứng hiện hành và dự thảo Luật đang tập trung điều chỉnh các vấn đề về CCV, TCHNCC, việc hành nghề công chứng, thủ tục công chứng và quản lý nhà nước về công chứng mà không quy định về các giao dịch phải công chứng; vấn đề này hiện được quy định trong các luật có liên quan như BLDS, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và một số văn bản dưới luật…

Dự thảo Luật do Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ 7 kế thừa quy định của Luật Công chứng hiện hành, không quy định về các loại giao dịch phải công chứng.

Quá trình thảo luận, tiếp thu chỉnh lý nội dung này còn có hai loại ý kiến. Một là tán thành với phương án của Chính phủ, hai là đề nghị quy định cụ thể danh mục các giao dịch phải công chứng trong Luật nhằm bảo đảm minh bạch, thuận lợi trong áp dụng pháp luật của người dân, doanh nghiệp.

Ủy ban Thường vụ cho rằng hai loại ý kiến trên đều có ưu điểm và hạn chế. Tích hợp ưu điểm của cả hai phương án, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật (khoản 2 Điều 1) quy định về tiêu chí xác định các giao dịch phải công chứng.

Cụ thể, giao dịch phải công chứng là giao dịch quan trọng, đòi hỏi mức độ an toàn pháp lý cao và được luật quy định phải công chứng. Đồng thời, giao Chính phủ chỉ đạo rà soát các giao dịch phải công chứng đang được quy định trong các luật, nghị định, thông tư hiện hành để sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền và kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung trong thời hạn một năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, bảo đảm phù hợp với tiêu chí quy định tại Luật Công chứng (khoản 12 Điều 78).

Được xóa án tích cũng không được bổ nhiệm CCV

Theo ông Hoàng Thanh Tùng, có ý kiến cho rằng, quy định trường hợp được xóa án tích không được bổ nhiệm CCV là chưa phù hợp, bởi vì Điều 69 của BLHS quy định người được xóa án tích thì coi như chưa bị kết án.

Tuy nhiên cũng có ý kiến đề nghị bổ sung trường hợp không được bổ nhiệm CCV như: đối tượng đang cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng, cai nghiện ở các cơ sở y tế bằng hình thức thuốc thay thế khác.

Theo giải trình, tiếp thu, quy định người đã bị kết án về tội phạm do cố ý, kể cả trường hợp đã được xóa án tích thì không được bổ nhiệm CCV như dự thảo Luật là phù hợp với vị trí, vai trò của CCV, cũng không mâu thuẫn với quy định của BLHS về vấn đề xóa án tích mà thể hiện yêu cầu cao của Nhà nước đối với người muốn hành nghề công chứng.

Theo đó, công chứng là một nghề bổ trợ tư pháp mang tính chất đặc thù, CCV là người đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện chặt chẽ, được Nhà nước bổ nhiệm, miễn nhiệm và có chức năng xã hội là cung cấp dịch vụ công do Nhà nước ủy nhiệm, từ đó đặt ra yêu cầu CCV phải là người tuyệt đối tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt.

“Do vậy, người đã bị kết án về tội phạm do cố ý thì không xứng đáng được bổ nhiệm CCV, kể cả trường hợp đã được xóa án tích”, ông Hoàng Thanh Tùng trình bày.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm