Ngày 9-6, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.
Hầu hết các ý kiến đều tán thành với tờ trình của Chính phủ ra Quốc hội về dự thảo Nghị quyết này và nhấn mạnh sự cần thiết phải có cơ chế tài khóa đặc thù cho Thủ đô để tháo gỡ các vướng mắc và phát triển xứng tầm hơn.
ĐB Nguyễn Phi Thường - Ảnh T.PHÚ
ĐB Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) dẫn việc Luật Thủ đô năm 2012 phải qua 2 lần mới được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên khi luật được thông qua có nhiều chính sách đột phá đã “bị vo tròn thành cái chung, hoặc không còn hiện hữu trong luật”.
“Sau này tổng kết, đánh giá lại thì tác dụng của Luật Thủ đô để giúp cho Thủ đô phát triển cũng rất hạn hẹp… Ý tôi muốn nói cơ chế chính sách để Thủ đô phát triển cần phải có đôi cánh.
Cánh thứ nhất là chính quyền đô thị. Lẽ ra cần phải có thêm một chiếc cánh nữa là cơ chế đặc thù, chính sách tài khoá để Hà Nội phát triển thì đến kỳ họp này chúng ta mới đề nghị” – ĐB Thường nói.
Ông cho hay, thực tế trước Hà Nội, TP HCM đã được Quốc hội ban hành một Nghị quyết riêng (Nghị quyết số 54) về cơ chế chính sách tài khóa đặc thù cho TP HCM. Tuy nhiên, những cơ chế chính sách tài chính – ngân sách đặc thù mà Hà Nội đề xuất lần này, so với cơ chế đặc thù mà TP HCM đã có tại Nghị quyết 54 là không mới, thậm chí còn bó gọn hơn, không toàn diện bằng.
“Những chính sách này chỉ đáp ứng nhu cầu phát triển trước mắt, không phải cho Thủ đô mà chỉ cho một thành phố 10 triệu dân đang rất cần giải quyết các vấn đề bức bối về môi trường, ùn tắc, chất lượng cuộc sống người dân”.
ĐB Thường dẫn số liệu năm 2008 tỷ lệ đường trung bình của Hà Nội là 2,38 km/1 km2, và đến nay con số này mới đạt 3km/1km2, tức chỉ đạt thêm 0,62 km/1 km2 sau 10 năm phát triển. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực là 6km/1 km2 và các nước phát triển là 10-12 km/ 1km2.
“Phải mất 50 năm nữa Hà Nội mới được như các nước trong khu vực. Phải mất 100 năm nữa thì chúng ta mới có hạ tầng đủ đảm bảo cho cho thành phố 10 triệu dân được đi lại thuận lợi như các nước phát triển” – ông nói.
Tại phiên thảo luận tổ, ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cho rằng Hà Nội là Thủ đô của cả nước, là bộ mặt của quốc gia, là cửa ngõ giao lưu của Việt Nam với quốc tế nên cần được đầu tư để phát triển xứng tầm.
Theo ông, thực tế giai đoạn vừa qua, nguồn thu ngân sách của Hà Nội đóng góp khoảng 17% vào nguồn thu chung của ngân sách cả nước. Năm 2019, Hà Nội thu khoảng 263.000 tỷ đồng, chi khoảng 100.000 tỷ đồng, tỷ lệ thu được điều tiết để lại cho Hà Nội là 35%.
Đặc biệt, GRDP của Hà Nội cũng rất lớn nhưng thu nhập bình quân đầu người mới xếp thứ 8 cả nước. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng của thành phố có sự quá tải. Do đó cần có cơ chế để Hà Nội đầu tư mạnh hơn về kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông.
“Đối chiếu với Luật Thủ đô năm 2012, Luật Ngân sách nhà nước 2015 hay các cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 54 của Quốc hội dành cho TP HCM thì các cơ chế chính sách đặc thù về tài chính – ngân sách dành cho Hà Nội mà Chính phủ trình Quốc hội lần này là hoàn toàn có thể thực hiện được” – ĐB Ngân nói.
Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) phân tích, từ khi Luật Thủ đô có hiệu lực năm 2012 đến nay đã tác động tích cực đến sự phát triển của Hà Nội, song thực tế triển khai luật này cũng còn rất nhiều vướng mắc cần phải có điều chỉnh, sửa đổi. Vì thế, lần này Chính phủ trình Quốc hội một số cơ chế tài khóa đặc thù cho Hà Nội là cần thiết.
Tuy nhiên ĐB Tâm cho rằng, những chính sách đặc thù về tài chính – ngân sách cho Hà Nội mà Chính phủ trình lần này không có gì mới so với chính sách đặc thù mà Quốc hội đã dành cho TP HCM. Điều cần lưu ý, thực tiễn triển khai Nghị quyết 54 của Quốc hội ở TP HCM đó là tính khả thi của một số cơ chế đặc thù. Từ đó, vị ĐBQH đoàn TP HCM đề xuất việc đầu tư đối với Thủ đô Hà Nội không phải chỉ là sử dụng nguồn lực ngân sách của thành phố mà còn cần được đầu tư từ ngân sách trung ương, sự phối hợp đầu tư của các bộ ngành để cùng phát triển Thủ đô Hà Nội xứng tầm.
“Là một người dân ở địa phương khác nhìn về Thủ đô, nhìn về Hà Nội trái tim của cả nước với một sự tin yêu, kính trọng, tôi mong muốn Hà Nội phát triển toàn diện. Hà Nội cần được đầu tư tương xứng để nâng tầm và nâng cao đời sống của người dân cả về đời sống vật chất lẫn văn hóa, tinh thần, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, có tính tiêu biểu” – ĐB Tâm nói.
Theo dự thảo Nghị quyết, Hà Nội đề nghị một số cơ chế đặc thù về tài chính, ngân sách như sau: Về thu ngân sách, TP đề nghị được thu phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí, đồng thời tăng mức hoặc tỷ lệ thu phí không quá 1,5 lần đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí (không kể các loại phí thuộc nguồn thu của ngân sách sách trung ương hưởng 100%); được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất; được hưởng toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phần hóa DNNN, thoái vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp do UBND Thành phố làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước. Về chi ngân sách, Hà Nội đề HĐND TP được quyết định dự toán, phân bổ ngân sách thành phố bảo đảm phù hợp với các định hướng cơ cấu lại ngân sách, phát triển KTXH và các lĩnh vực quan trọng theo quy định của Quốc hội và Chính phủ; được sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; được sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên của ngân sách địa phương để đầu tư nâng cấp, cải tạo, mở rộng, đầu tư xây dựng mới các hạng mục công trình thiết yếu. Cùng đó là được sử dụng ngân sách cấp TP hỗ trợ các địa phương khác (trong nước), cho phép các quận sử dụng ngân sách của cấp quận để hỗ trợ các huyện khó khăn của thành phố Hà Nội phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Về vay, Hà Nội đề nghị mức dư nợ vay của ngân sách thành phố không vượt quá 90% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp; được tạm ứng Quỹ dự trữ tài chính với thời gian không quá 36 tháng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư quan trọng đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn… |