Tại đây, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam cho biết, do COVID-19 những tháng qua tất cả các doanh nghiệp (DN) du lịch dường như ngừng hoạt động, hàng triệu lao động bị mất việc làm hoặc giảm thu nhập. Hiện nay Việt Nam đã trở thành điểm sáng trên toàn cầu chống dịch COVID-19.
Khôi phục được du lịch có ý nghĩa to lớn đối với nền kinh tế. Nhận thức được trách nhiệm đó, trong lúc khó khăn nhất những người có trách nhiệm trong ngành đã bàn tìm các giải pháp tích cực để giữ gìn lực lượng nòng cốt của ngành.
Đó là các DN-đội ngũ lao động có tay nghề cao để chuẩn bị các kế hoạch, giải pháp khôi phục nhanh nhất khi dịch COVID-19 suy giảm. Và giải pháp quan trọng, hiệu quả nhất là chương trình kích cầu du lịch.
Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam phát hiểu tại lễ công bố kích cầu du lịch nội địa TP.HCM 2020
Theo ông Bình, trước đây kích cầu du lịch chỉ triển khai từng vùng một, những nơi bị ảnh hưởng nghiêm trọng còn COVID-19 ảnh hưởng đến toàn ngành. Do đó, chương trình kích cầu phải triển khai rộng cả nước để thu hút mọi nguồn lực, khôi phục nhanh hoạt động du lịch.
Trong bối cảnh người dân còn lo lắng khi ra khỏi nhà, ngành du lịch nhanh chóng tạo ra các luồng khách đến với điểm du lịch, cơ sở du lịch...cùng với việc truyền thông tạo ra hiệu ứng mạnh mẽ để ngành du lịch sớm khôi phục.
"Cốt lõi của các hoạt động du lịch là giá, chỉ giảm giá mới hấp dẫn khách. Dù khó khăn nhưng DN phải giảm giá các dịch vụ, cho nên nhiều DN không có doanh thu, không có nguồn nào để đảm bảo cho sự tồn tại của mình, chỉ có những DN mạnh, quyết liệt dám hy sinh mới tồn tại qua giai đoạn khó khăn này", ông Bình nói.
Giảm chi phí tour du lịch vẫn quan trọng nhất. Hiệp hội rất vui mừng khi dịch vụ vận chuyển đồng hành cùng du lịch, có những hãng hàng không giảm 60-80% giá vé. Các khách sạn cũng đi đầu trong kích cầu đưa ra giá phù hợp. Hai dịch vụ quan trọng nhất là vận chuyển, lưu trú đã tạo ra sự hấp dẫn cao nhất cho các tour kích cầu.
"Chúng tôi kêu gọi các dịch vụ khác đồng hành để tạo ra sản phẩm hấp dẫn lôi kéo khách đến. Điều này có ý nghĩa quan trọng vì nhiều đơn vị cùng hưởng ứng hoạt động du lịch mới bùng phát trở lại được”, ông Bình chia sẻ.
Du khách tham quan TP.HCM với chương trình free walking tour của Công ty Vietravel trước khi dịch xảy ra
Tuy nhiên, theo ông Bình, Nhà nước phải đồng hành cùng DN để chia sẻ khó khăn, hỗ trợ DN trong triển khai chương trình kích cầu. Vừa qua Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho DN nhưng những chính sách này chưa thể đến ngay với DN và có nhiều cơ quan chịu trách nhiệm chưa thực sự thông cảm, đồng hành cùng DN.
"Vừa rồi Hiệp hội phản ảnh với Chính phủ có nhiều cơ quan nhà nước còn vô cảm với sự hy sinh, khó khăn của DN du lịch. Có DN đã bỏ ra những đồng tiền cuối cùng, "nhịn" thêm những chi phí khác để kích cầu thu hút khách nhưng có cơ quan nhà nước vô cảm", ông Bình nói.
Ông Bình cũng đề nghị các địa phương miễn hoặc giảm vé tham quan dù chỉ 50 ngàn hay bao nhiêu cũng được để thể hiện sự đồng hành với những hy sinh của DN đang triển khai kích cầu.
"Các ngành không nên ích kỷ vì quyền lợi của mình, việc giảm giá thu hút khách không chỉ là nhiệm vụ của ngành du lịch mà cả nền kinh tế", ông Bình tha thiết đề nghị.