Đại dịch COVID-19 kéo dài khiến các hoạt động du lịch trên cả nước thời gian qua gần như tê liệt. Với tinh thần du lịch an toàn và người Việt Nam đi du lịch Việt Nam nhằm kích cầu du lịch nội địa, nhiều tỉnh thành đã và đang chạy nước rút để hút khách du lịch bằng nhiều hình thức tùy vào thế mạnh của từng vùng miền, địa phương.
Quảng Bình có lợi thế nhiều danh thắng gắn với rừng, biển và nhiều năm nay lượng khách đến đây khá nhộn nhịp. Trong đó, lượng khách quốc tế theo các tour thám hiểm, khám phá hệ thống hang động tại địa phương này khá cao. Địa phương này cũng được du khách trong nước và quốc tế biết với các địa danh như hang Sơn Đòng, động Phong Nha, động Thiên Đường…
Ông Đặng Đông Hà, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình, cho biết tại thời điểm vàng để người Việt Nam đi du lịch Việt Nam, địa phương đang thực hiện ba nhóm giải pháp.
Theo đó, tỉnh đang triển khai chương trình giảm phí tham quan các điểm đến từ 30-50% trong thời gian một năm. Đồng thời, vận động doanh nghiệp du lịch thực hiện các gói ưu đãi, tăng chất lượng dịch vụ nhưng không tăng giá. Cùng đó, tỉnh cũng đang tiến hành đàm phán với các hãng hàng không, đường sắt giảm giá vé để kích thích người dân đi nhiều hơn.
Các tour du lịch khám phá, mạo hiểm ngày càng thu hút khách tham gia. Ảnh: Oxalis.
Ngoài ra, để tăng thêm tính cộng hưởng, tỉnh cũng đang liên kết với các tỉnh lân cận mở rộng, đa dạng các sản phẩm du lịch, lễ hội, văn hóa để khách có nhiều lựa chọn tạo liên kết vùng, không làm nhỏ lẻ, mạnh ai nấy làm.
Không chỉ triển khai tại địa phương, Quảng Bình còn xúc tiến giới thiệu các sản phẩm du lịch mới tại các tỉnh thành có lượng khách du lịch lớn của cả nước như Hà Nội, TP.HCM. Đồng thời, tổ chức khảo sát các điểm đến hấp dẫn du khách để quảng bá rộng rãi. Ngoài ra, tỉnh cũng đưa vào khai thác các khu vui chơi, các tuyến phố đi bộ, chợ đêm và các hoạt động du lịch trên sông.
Tại Phú Yên, những năm gần đây, lượng khách du lịch đến Phú Yên tăng lên đáng kể nhờ có thắng cảnh và bờ biển đẹp. Theo đó, các hoạt động đầu tư, dịch vụ có những chuyển động đáng kể.
Trao đổi với phóng viên PLO, ông Phạm Đại Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết hiện tỉnh đang triển khai nhiều hoạt động đẩy mạnh phát triển kinh tế. Trong đó, xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.
Theo ông Dương, hiện tỉnh đã giao ngành du lịch, văn hóa rà soát các công ty du lịch, các cơ sở dịch vụ để chấn chỉnh hoạt động theo hướng nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút khách nội địa.
“Trước mắt ngành du lịch tại địa phương phải đảm nhiệm công việc này và thực hiện tốt chất lượng dịch vụ là ưu tiên hàng đầu. Hiện địa phương đã lên hết chương trình các tour kích cầu nội địa, đồng thời sẵn sàng mở lại các tour quốc tế khi điều kiện cho phép hoạt động trở lại” - ông Dương cho biết.
Để tạo mảng du lịch vùng phát triển mạnh mẽ, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên thông tin thêm, tỉnh đang phối hợp với Hiệp hội Du lịch, liên kết du lịch giữa các tỉnh lân cận như Bình Định, Gia Lai, Đăk Lăk, Khánh Hòa để kích cầu liên vùng.
Các danh thắng, bờ biển đẹp là lợi thế cuốn hút khách đến các địa phương du lịch. Ảnh: P. ĐIỀN
Đối với tỉnh Lâm Đồng, nơi thu hút khách du lịch nội địa và quốc tế với điểm đến là thành phố ngàn hoa Đà Lạt, do dịch bệnh kéo dài nên trong thời gian dài các hoạt động du lịch tại địa phương này gần như tê liệt.
Ông Phan Văn Đa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết các kế hoạch kích cầu du lịch trong trạng thái hoạt động mới tỉnh đã giao Sở VH-TT&DL triển khai chi tiết đến các cơ sở lưu trú điểm vui chơi, tham quan...mục đích để thu hút khách du lịch đến tham quan trở lại.
Theo ghi nhận, sau thời gian cách ly, lượng khách đổ về thành phố Đà Lạt dịp lễ 30-4, đông đúc trở lại. Thời điểm này nhiều cơ sở lưu trú thông báo hết chỗ, nhiều tuyến đường bị ùn tắc do lượng phương tiện cá nhân đổ về quá nhiều. Theo thống kê của địa phương đã có khoảng 60.000 khách đến Đà Lạt dịp cao điểm lễ 30-4.