Mới đây, hộ gần nhà tôi có người mất và thay vì chôn cất người mất ở nghĩa trang thì người nhà lại chôn ngay sân vườn của họ.
Dù tôi rất thông cảm và chia sẻ cho nỗi đau mất người thân nhưng tôi thấy việc chôn người chết gần khu dân cư như vậy làm ô nhiễm môi trường. Cho tôi hỏi, việc chôn người chết tại khu dân cư có vi phạm pháp luật không và luật quy định ra sao?
Bạn đọc có địa chỉ mail thanhnha…@yahoo.com.vn
Luật sư Nguyễn Đức Chánh, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Theo quy định tại Điều 84 Luật Bảo vệ môi trường thì khu mai táng, hỏa táng phải phù hợp với quy hoạch; có vị trí, khoảng cách đáp ứng yêu cầu về vệ sinh môi trường, cảnh quan khu dân cư; không gây ô nhiễm nguồn nước và môi trường xung quanh.
Tại khoản 4 Điều 3 Nghị định 23/2016 về xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng thì: “Việc táng được thực hiện trong các nghĩa trang, trường hợp táng trong các khuôn viên nhà thờ, nhà chùa, thánh thất tôn giáo phải bảo đảm vệ sinh môi trường và được sự chấp thuận của UBND các cấp theo phân cấp của UBND cấp tỉnh”.
Như vậy, việc chôn người chết ngay tại sân vườn thuộc khu dân cư mà không phải ở nghĩa trang, nghĩa địa có thể gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến môi trường sống của các hộ dân lân cận. Việc chôn cất này là trái với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay thì pháp luật chưa có quy định chế tài cụ thể.
Theo tôi, các hộ gia đình đã chôn cất người thân tại nhà nên phối hợp với cơ quan địa phương di chuyển các phần mộ riêng lẻ này đến các nghĩa trang hoặc các khuôn viên nhà thờ, nhà chùa, thánh thất tôn giáo được UBND cấp tỉnh chấp thuận để đảm bảo môi trường cho các hộ dân xung quanh.