Theo ông Trịnh Đức Chinh, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, loại xe lôi Trung Quốc về bản chất là xe môtô ba bánh có gắn thùng chở khoảng 300 kg hàng ở đằng sau. Tất cả các lô xe này nhập khẩu hợp pháp vào VN trước tháng 7-2007 (khi Chính phủ chưa ban hành Nghị quyết 32) đều được Cục Đăng kiểm kiểm tra về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trước khi hoàn tất thủ tục nhập khẩu.
Xe lôi không được vào nội thị
Sau khi có Nghị quyết 32 về cấm lưu thông các loại xe ba bánh gắn máy, việc nhập khẩu, đăng kiểm và đăng ký cấp biển số cho loại xe này tạm ngừng lại. Tháng 12-2007, Chính phủ có Công văn 1992, cho phép nhập các loại xe môtô ba bánh, xe gắn máy ba bánh và phải được kiểm định thì thị trường xe lôi Trung Quốc sôi động trở lại. Cũng theo ông Chinh, các loại xe lôi ở Trung Quốc nhằm phục vụ cho vận chuyển nông, lâm sản ở các vùng sâu, vùng xa, bị cấm chạy trong nội đô, vùng đông dân cư. Nhưng khi nhập về Việt Nam thì loại xe này chạy khắp mọi nơi. “Hiện nước ta chưa có quy định về việc kiểm tra định kỳ cho xe môtô, xe gắn máy ba bánh. Cho nên các loại xe lôi Trung Quốc chỉ đăng kiểm và được cấp chứng nhận kiểm định một lần khi làm thủ tục nhập khẩu, sau đó là đi đăng ký, cấp biển số” - ông nói.
Theo Nghị định 32 và Công văn 1992, xe môtô ba bánh, xe gắn máy không được đăng ký, lưu hành trong nội thành, nội thị. Thượng tá Phạm Văn Thịnh, Trưởng Phòng CSGT đường bộ, Công an TP.HCM, cho biết theo tinh thần trên, ngoài việc không cho đăng ký các xe ba bánh của người dân ở tại TP.HCM thì các xe lôi, xe ba bánh ở các địa phương khác không được lưu thông trên các tuyến đường ở TP.HCM.
Tại thành phố Biên Hòa hiện có hàng trăm xe lôi Trung Quốc hàng ngày cùng lưu thông chở hàng hóa. Theo ông Trần Văn Quan, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, tỉnh đã quán triệt Nghị quyết 32 đến các đơn vị, còn việc thực hiện hay không, để cho xe lôi, xe ba bánh hoạt động là trách nhiệm của các đơn vị chức năng. “Theo tôi nên trả xe lôi về đúng địa bàn mà nhà sản xuất đã tính toán, thiết kế xe!” - ông Quan nói. Còn một sĩ quan Phòng CSGT tỉnh Đồng Nai cho biết hiện thành phố Biên Hòa đang lúng túng trong việc xử lý các loại xe lôi, kéo, đẩy như ở TP.HCM.
Bao giờ có xe thay thế?
Tháng 12-2007, UBND TP giao cho Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco) lập đề án lắp ráp các loại xe bốn bánh để cung cấp, thay thế cho các xe ba, bốn bánh tự chế trước thời hạn cấm lưu hành là hết tháng 6-2008.
Theo ông Trịnh Đức Chinh, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, muốn cho ra đời loại xe mới, Samco phải qua các bước trình phác họa mẫu xe, sản phẩm mẫu phải được kiểm định đạt yêu cầu về an toàn giao thông và bảo đảm môi trường, sau đó mới bước vào sản xuất hàng loạt... Ông Chinh cho biết qua trao đổi kỹ thuật, Samco mới đưa ra phác họa hai mẫu xe. Theo bà Tăng Thị Thu Lý, Giám đốc marketing Samco, muốn bước vào sản xuất chính thức loại xe thay thế, Samco phải khảo sát kỹ nhu cầu sử dụng từng loại xe vào mục đích gì (chở rau, củ, quả từ các chợ đầu mối vào nội đô, vật liệu xây dựng hay rác...), xác định sử dụng loại máy, kiểu khung, thùng xe nào và số lượng từng loại xe...
Hàng loạt xe lôi Trung Quốc được trưng bày dưới mái một quán lẩu mắm trên quốc lộ 1A. |
Theo giới kinh doanh xe tải nhỏ, giá xe tải nhỏ bốn bánh đưa ra phải thấp hơn các loại xe nhập hiện có trên thị trường thì mới có khách hàng, vốn là những người nghèo lái xe ba gác, xích lô máy, xe lam chở rác... Hiện giá các loại xe tải nhỏ như Asia, Kia, Daewoo, Vinasuki... cũng nằm trong khoảng 90-100 triệu đồng/chiếc. Đây là cả khoản tiền nằm trong mơ của người nghèo. Chỉ khi Samco được hỗ trợ khoản tiền chính sách xã hội để kéo giá các loại xe trên xuống dưới một nửa hoặc TP.HCM có chương trình hỗ trợ chuyển đổi xe, nghề cho người nghèo thì chương trình thay thế xe tự chế mới có thể thành công.
Xe xích lô vẫn được chạy du lịch
Tại cuộc làm việc với UBND TP.HCM ngày 24-1-2008, Sở GTCC đề xuất:
Loại xe ba bánh thô sơ (ba gác đạp và xích lô đạp) giữ lại, cải tạo thiết kế, đầu tư một số xe xích lô theo thiết kế mới để tổ chức vận chuyển khách du lịch theo tuyến đường quy định. Các đối tượng sử dụng xe xích lô đạp, ba gác đạp, kể cả xe ba gác đạp thu gom rác sẽ được tiếp tục hoạt động sau ngày 1-7-2008 với phạm vi ngoài khu vực nội ô.
Loại xe ba, bốn bánh tự chế không có biển số đăng ký, bán hàng rong gồm xe ba gác máy, xe ba gác đạp đang hoạt động vận chuyển rác, chất thải vệ sinh môi trường cần được chuyển đổi sang loại xe đẩy tay có thiết kế đạt tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và được đăng ký biển số mới. Với xe xích lô, xe ba gác đạp không đăng ký cấp biển số sẽ loại bỏ sau ngày 29-2-2008 và đưa vào đối tượng chuyển đổi nếu có nhu cầu. Xe ba, bốn bánh tự chế đẩy tay bán hàng rong sẽ lưu hành đến 29-2-2008, sau đó không cho tiếp tục phát triển. Loại xe này đưa vào diện sắp xếp lại nơi buôn bán ổn định và có quy định thời gian buôn bán.
Xe người khuyết tật phải đăng ký Theo Sở GTCC, loại xe đẩy tay, xe lăn của người khuyết tật do cơ sở sản xuất Kiến Tường và một số cơ sở khác sản xuất theo thiết kế và kiểu dáng đã được đăng ký nhãn hiệu hợp pháp vẫn cho phép người khuyết tật sử dụng. Không cần kiểm định định kỳ vì không thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị quyết 32. Loại xe hai bánh đã được đăng ký cấp biển số, sau đó người khuyết tật tự cải tạo thành xe ba bánh cho phép lưu hành đến 30-6-2008. Sau ngày trên, loại xe này phải đăng ký lại, quản lý và lưu hành theo các quy định hiện hành. Các loại xe này cũng phải đăng kiểm an toàn kỹ thuật và môi trường theo quy định. Người lái xe dùng cho người khuyết tật phải có giấy phép lái xe phù hợp (có bằng lái hạng A3). |
LƯU ĐỨC - HOÀNG TUYÊN