Cô gái... cà chua!

Sinh ra và lớn lên tại một trong những khu vực trồng rau lớn nhất phía Nam (Đà Lạt, Lâm Đồng), gia đình lại làm nghề trồng rau, Nguyễn Thị Trang Nhã chọn học ngành công nghệ sinh học để đeo đuổi ước mơ làm khoa học cho nhà nông, giúp bố mẹ đỡ nặng gánh. Cô luôn khát khao bình dân hóa khoa học để tất cả nông dân đều làm được.

Tuổi 20 và tham vọng

Thi đậu bộ môn Công nghệ sinh học Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM năm 2005 là một bước ngoặt với Nhã. Năm học thứ hai, trong một lần làm thuyết trình, Nhã đã báo cáo đề tài cây khoai tây-cà chua. Lúc đó, cô tình cờ đọc được tài liệu của GS Nguyễn Lân Dũng có nội dung: “Sử dụng kỹ thuật dung hợp tế bào có thể tạo ra một tế bào lai, thông qua kỹ thuật nuôi cấy mô có thể tạo ra một cây lai khác loài. Ví dụ cây khoai-cà: trên mặt đất cho quả cà chua, dưới mặt đất cho củ khoai tây”. Đưa câu này vào báo cáo, Nhã nghĩ mình có thể làm được điều đó.

Những ngày sau đó, Nhã mày mò trong phòng thí nghiệm. Khi một người bạn ở Đơn Dương (Lâm Đồng) mách nước rằng ở quê bà con thường ghép cà chua với nhau, Nhã tự hỏi sao mình không ghép cà chua với khoai tây. “Khi tổng hợp tài liệu, tôi thấy khoai tây với cà chua cùng một họ, chỉ khác nhau là cây này cho củ, cây kia cho quả. Tôi nghĩ đó là hướng đi, mình không cần dùng đến phòng thí nghiệm, không cần dung hợp tế bào trần nữa” - Nhã nói.

Từ ý tưởng trên, Nhã mua 20 gốc cà chua và 20 gốc khoai tây, mang đất xuống thành phố ghép rồi mang về Đà Lạt trồng. Cuộc thí nghiệm đầu tay chỉ có… ba cây còn sống và cuối cùng chỉ một cây “trụ hạng”. Nhã chăm chút cây còn lại như với một đứa trẻ. Điều an ủi là cái cây duy nhất lại đậu trái, ra củ ngon lành. Quá hạnh phúc, cô vội vã ôm thành quả về trường khoe với thầy cô, bạn bè đồng thời xin làm đề tài nghiên cứu.

Cô gái... cà chua! ảnh 1

Công sức, tiền lương làm được Nhã đều đổ vào dự án của mình. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Sau thành công nhỏ ban đầu, Nhã mày mò lên mạng tìm tài liệu về ghép cây ở nước ngoài nhưng không ra. Một hôm, gõ “pomato” (từ chỉ cây ghép khoai tây-cà chua), kết quả Nhã có được là năm 1978 có hai nhà khoa học trên thế giới đã làm điều này. Những tài liệu tiếng Anh cô tìm được cho biết nhiều người đã làm công việc ghép cây như thế nhưng phần lớn không thành công. Mừng vì người ta từng làm và từ bỏ, mình có thêm cơ hội để không thất vọng, Nhã quyết định làm tiếp.

Cô lập kế hoạch mang cà chua, khoai tây và đất từ Đà Lạt xuống thành phố để làm, sau đó đưa trở lại Đà Lạt trồng. Từ cuối năm hai làm đến cuối năm ba, Nhã cảm thấy mất tự tin vì chỉ có vài cây sống dù cô đã đổ vào đó rất nhiều thời gian.

Ngưng một thời gian để bình tâm, Nhã tiếp tục đề tài này theo yêu cầu của giảng viên hướng dẫn. Xin bố 500 m2 đất, Nhã ghép 600 gốc khoai tây-cà chua rồi mang về nhờ bố mẹ trồng, chăm sóc. “Mình trồng xong lỗ nhiều quá vì bà con xin về… trồng thử. Tuy nhiên, cái quan trọng nhất là mình tích lũy được nhiều kinh nghiệm” - Nhã bộc bạch.

Trồng một được hai

Tuy tiền giống, tiền phân tốn kém hơn nhưng Nhã thu được cả hai loại củ, quả từ cây ghép của mình bởi lượng cà chua Nhã thu hoạch từ tương đương đến hơn mức thông thường. Ngoài ít nhất 7 kg cà chua từ mỗi cây, Nhã còn được hưởng thêm phần dôi ra là 700 gr khoai tây. Không chỉ vậy, Nhã chỉ phải phun thuốc một lần cho cả hai cây. Cùng một diện tích, trồng được hai loại cây, chỉ tốn công chăm sóc một lần…, xem ra Nhã đã tiết kiệm được một nửa.

Trái cà chua của Nhã không khác trái cà chua bình thường về màu sắc, kích thước nhưng chắc hơn và khoai tây cũng vậy. Đặc biệt, kết quả phân tích tại Viện Pasteur và tại trường cho thấy củ khoai tây Nhã trồng có hàm lượng vitamin A, C cao hơn củ khoai tây bình thường và lượng tinh bột thấp hơn.

Tuy nhiên, Nhã cũng thừa nhận nhược điểm: cà chua của nông dân trồng thường có tuổi thọ chừng năm tháng; nếu được chăm sóc, bón phân thêm sẽ thu được nhiều đợt trái nữa. Còn cây của Nhã chỉ kéo dài 3,5-4 tháng vì lúc đó Nhã buộc phải thu khoai tây nên không tận dụng được các đợt trái cuối. Nhã chỉ sợ rằng do mình “cưng” cây quá nên mới thu được thành quả như vậy. Sau này nếu chuyển giao, nông dân không chăm sóc được như mình thì kết quả sẽ ra sao?...

Không đi du học để ở nhà trải nghiệm

Nguyễn Thị Trang Nhã

- Sinh viên khoa Công nghệ sinh học Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM khóa 2005-2009.

- Thủ khoa bộ môn Công nghệ sinh học.

- Giải Nhì giải thưởng Eureka do Thành đoàn TP.HCM tổ chức năm 2009.

- Giải Ba sinh viên nghiên cứu khoa học toàn quốc do Bộ GD&ĐT tổ chức.

Khi Nhã tốt nghiệp (năm 2010), nhiều công ty ở TP.HCM ngỏ lời mời cô về làm việc nhưng Nhã chọn một công ty cây giống gần nhà để nuôi ước mơ. Tuy nhiên, sau hai năm trải nghiệm, nhận thấy một mình không thể làm được gì và chỉ riêng tri thức cũng không thể thành công, Nhã đã nghỉ việc để dành trọn thời gian trau dồi thêm kiến thức. Có lúc Nhã dự định lên đường du học tại Mỹ và Úc - hai nơi Nhã nhận được học bổng du học trước đó. Tiếp đó, một thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã đề nghị Nhã ra Hà Nội nghiên cứu và cấp cho cô 2 ha đất để thử nghiệm sản phẩm. Thế nhưng một lần nữa, Nhã quyết định ở lại Đà Lạt, tiếp tục dự án “khoai tây-cà chua”. “Tôi chỉ mới có trí tuệ nhưng chưa thông, một chút kiến thức nhưng chưa đủ và bản lĩnh của một cô gái. Tôi còn thiếu nhiều lắm để có thể thành công...” - Nhã tâm sự.

“Do đó, khi Công ty Liên Minh ngỏ ý giúp đỡ, tôi đã đồng ý và trở thành thành viên hội đồng quản trị công ty này. Hiện tôi đang tìm những người tài giỏi yêu thích nghiên cứu để đồng hành. Giờ đây, tôi đã hoạch định được chiến lược đưa sản phẩm khoai tây-cà chua ra thị trường (cả giống và sản phẩm). Tuy chậm mà chắc...” - Nhã chia sẻ.

Hiện Nhã có khoảng hai công đất để tiếp tục dự án khoai tây-cà chua với sự giúp sức của bố mẹ và bà con. Sản phẩm làm ra một phần bán, một phần ăn, một phần… biếu. Nhã đã hoàn thiện khâu cấy ghép, trồng trọt. Cái thiếu của Nhã bây giờ là tài chính để có thể áp dụng công nghệ cao với chi phí thấp nhằm chuyển giao cho nông dân để mọi nông dân đều có thể là chủ của những cây khoai tây-cà chua như cô.

DUY TÍNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm