Trong dự thảo Luật Giá sửa đổi, cơ quan soạn thảo bổ sung thêm “sữa dành cho người cao tuổi” vào danh mục hàng hóa bình ổn giá nhưng chưa lấy ý kiến rộng rãi của các doanh nghiệp (DN, đối tượng chịu tác động). Về vấn đề này, các hiệp hội, chuyên gia đề nghị cần có đánh giá cụ thể để xác định có cần chính sách can thiệp thị trường bởi Nhà nước hay không.
Bình ổn giá sữa cho người già nhiều bất cập
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TP.HCM, cho biết việc bổ sung thêm mặt hàng sữa dành cho người cao tuổi vào danh mục bình ổn giá khi chưa lấy ý kiến của các DN chịu tác động là rất bất hợp lý.
10 nhóm mặt hàng được đưa vào danh mục bình ổn giá trong dự thảo gồm: Xăng dầu thành phẩm; khí dầu mỏ hóa lỏng; sữa dành cho trẻ em dưới sáu tuổi, sữa dành cho người cao tuổi; thóc tẻ, gạo tẻ; thịt heo; phân đạm, phân DAP, phân NPK; thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản; vaccine phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; thuốc bảo vệ thực vật; thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Bên cạnh đó, sữa chỉ là một phần trong chế độ ăn đa dạng của người lớn và là một phần rất nhỏ trong chế độ ăn của người Việt. Hầu như sữa đều sử dụng được cho mọi lứa tuổi, từ trẻ đến già như sữa tươi, sữa chua… Do đó, chính sách quản lý phù hợp là cần tập trung hướng đến những mục tiêu lớn có thể có tác động rộng rãi lên lợi ích cộng đồng thay vì những sản phẩm nhỏ, thứ yếu.
Lãnh đạo Hiệp hội Sữa Việt Nam cũng phân tích trên thế giới chưa có tổ chức hay quốc gia nào phân loại sữa dành cho người cao tuổi. Mặt khác, hiện nay chưa có văn bản pháp lý quy định sữa là mặt hàng thiết yếu.
Vì vậy, đưa sữa nói chung và sữa cho người cao tuổi vào danh mục hàng hóa bình ổn giá là không phù hợp, thiếu cơ sở. Hơn nữa, nếu đưa mặt hàng sữa dành cho người cao tuổi vào bình ổn giá sẽ rất khó khăn trong thực thi do sữa và sản phẩm sữa rất phong phú và đa dạng.
Đại diện EuroCham bày tỏ nếu đưa sữa cho người cao tuổi vào danh mục bình ổn sẽ ảnh hưởng xấu đến sản xuất, kinh doanh và môi trường đầu tư, nhất là trong lúc kinh tế khó khăn hiện nay. Các biện pháp bình ổn giá như đăng ký giá, kê khai giá gây nhiêu khê, tốn kém thời gian của DN cũng như tạo tâm lý lo ngại cho các nhà đầu tư.
“Thêm vào đó, các nhà sản xuất sẽ ngần ngại đầu tư nghiên cứu khoa học các công thức mới hoặc cải thiện chất lượng cho những mặt hàng bị kiểm soát giá. Hậu quả là người tiêu dùng sẽ mất đi cơ hội được tiếp cận với những sản phẩm tiên tiến” - đại diện EuroCham nhận định thêm.
Cần có đánh giá và khảo sát
TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), cho rằng để đưa mặt hàng sữa cho người già vào bình ổn giá cần phải có những đánh giá và khảo sát thực chứng cả bên cung lẫn bên cầu. Từ đó, mới có thể xác định được liệu có cần chính sách can thiệp thị trường bởi Nhà nước hay không.
Tuy nhiên, TS Việt cho biết hiện nay các loại sữa dành cho người cao tuổi có nhiều dạng biến tướng đa cấp, thường đánh theo tâm lý marketing, rỉ tai ở nhóm sinh hoạt của người cao tuổi hoặc theo hệ thống các bệnh viện chăm sóc sức khỏe. Việc này trước tiên phải là trách nhiệm của cơ quan quản lý thị trường.
Nhiều ý kiến cho rằng cần có đánh giá cụ thể trước khi đưa sữa dành cho người cao tuổi vào danh mục bình ổn giá. Ảnh: T.UYÊN |
Bên cạnh đó, nếu có những biểu hiện tạo độc quyền, thống lĩnh thị trường ở một mặt hàng sữa nào đó, cơ quan quản lý phải có giải pháp ngăn chặn. “Nếu cơ quan quản lý không khắc phục, lại tìm cách xử lý “ngọn” là khống chế giá cả chung thị trường thì xét về thuần túy kinh tế học là không có lợi” - TS Việt nói.
Theo TS Việt, cần siết chặt kỷ cương thị trường, đặc biệt với mặt hàng nhạy cảm, liên quan đến sức khỏe của người cao tuổi. Tuy nhiên, không nên tùy tiện sử dụng các công cụ phi thị trường thay vì khắc phục các yếu kém trong công tác quản lý của liên ngành. “Vì vậy, cần có những nghiên cứu độc lập, đánh giá thị trường sữa cho người già để có những chính sách và cả cách thức quản lý phù hợp” - TS Việt nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng nguyên tắc khi đưa mặt hàng nào vào bình ổn giá là cần xem nó có tác động lớn tới đời sống của dân sinh hay không.
Do đó, phải chọn những mặt hàng nào trong tính toán của CPI (chỉ số tiêu dùng), có tác động lớn chứ không phải mặt hàng nào cũng đưa vào bình ổn giá. Như vậy, ngân sách nhà nước không đủ khả năng, đồng thời làm mất tính chất tự do hóa của thị trường.
Theo TS Long, không phải 100% người già đều có nhu cầu dùng sữa. Do đó, không nên đưa sữa người cao tuổi vào bình ổn giá. “Có ý kiến cho rằng nếu bình ổn giá sữa cho người già thì người tiêu dùng được lợi. Tuy nhiên, liệu biện pháp cơ quan nhà nước dùng có đúng không, có vi phạm trong quản lý giá đối với DN hay không, ngân sách nhà nước đủ hay không” - ông Long nói.
Sữa dành cho người già chưa phải là sản phẩm thiết yếu
Tại kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa XV vào chiều 23-5, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cho biết dự thảo Luật Giá sửa đổi đưa thêm mặt hàng sữa cho người cao tuổi vào danh mục hàng hóa bình ổn nhưng mặt hàng này chưa phải là thiết yếu để đưa vào.
“Do đó nên tập trung vào những mặt hàng thiết yếu để bình ổn thật sự có ý nghĩa hơn là lâu lâu chúng ta nhớ ra một mặt hàng rồi đưa vào mà không có cơ sở gì. Điều này gây nhiều ảnh hưởng cho DN sản xuất và phân phối, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Đôi khi vì muốn tốt chúng ta bình ổn nhưng gây rối loạn cung cầu” - bà Lan nói.
Trong khi đó, đại biểu Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp) cho rằng giá cả ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân, DN. Việc bình ổn giúp DN có chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp, không tăng giá bất thường gây xáo trộn thị trường ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Vì vậy, 10 mặt hàng bình ổn cần đưa vào Luật Giá để tạo tính công khai, minh bạch.