Có nên cải tiến chữ Quốc ngữ?

Hội thảo diễn ra sáng 21-12 do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM phối hợp với Hội Ngôn ngữ học TP.HCM tổ chức.

“Tôi không ưng cải tiến chữ Quốc ngữ

Phát biểu tại hội thảo, GS-TS Đinh Văn Đức, một chuyên gia chuyên ngành ngôn ngữ học, ĐH Quốc gia Hà Nội, khẳng định “Tôi thuộc hạng người không ưng cải tiến chữ Quốc ngữ”.

Trước khi đi vào nội dung liên quan, GS Đinh Văn Đức đã kể lại hai sự kiện nhỏ về chữ Quốc ngữ của gia đình ông.

“Cha tôi sinh năm Giáp Thìn, trong một gia đình nhà nho nghèo. Ông nội tôi học chữ Hán, đi thi Tam trường nên cũng muốn trưởng nam theo nghiệp đèn sách. Cha tôi cũng học chữ Hán từ nhỏ và quyết tâm đi thi Hương.

Hội thảo "100 năm chữ Quốc ngữ" thu hút nhiều nhà ngôn ngữ học tham gia. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Năm 1919 có khoa thi Kỷ Mùi là khóa cuối cùng. Nhưng lệnh vua ban ra, từ nay không mở kỳ thi chữ Hán nữa. Ông nội tôi theo Nho học nhưng không bảo thủ, lập tức bảo cha tôi “bỏ bút lông, cầm bút chì”, theo học chữ Quốc ngữ và thi vào Trường Tiểu học Pháp Việt.

Năm ấy ông 16 tuổi, mới học vỡ lòng. Nhưng quyết định đó đã làm thay đổi cả gia đình lớn của tôi trong 100 năm qua theo hướng tân học.

Sự kiện thứ hai, đầu thập kỷ 60, tôi vào đại học. Một hôm cha tôi thấy tôi cầm cuốn sách “Vấn đề cải tiến chữ Quốc ngữ”. Cha tôi nói một cách ngạc nhiên: “Chữ viết là cái ghi lại tiếng nói. Nó bền lắm. Các tiếng Anh, Pháp, Đức mấy trăm năm nay có ai tu sửa gì chữ viết đâu. Ta mới truyền bá chữ Quốc ngữ vài mươi năm nay, xóa mù chữ mươi năm nay, lâu la gì đâu làm sao mà phải vội cải tiến chữ. Đụng đến văn hóa là phiền lắm đấy” - GS Đinh Văn Đức nhớ lại.

Ông Đức nói: “Tôi thuộc hạng người không ưng cải tiến chữ Quốc ngữ. Không phải mình tôi, nhiều người không ưng sửa chữ Quốc ngữ. Không nên có can thiệp nào để sửa chữ Quốc ngữ lúc này. Chuẩn chính tả thì cần”.

Lý giải vấn đề trên, ông Đức nói có hai lý do. Về mặt ngôn ngữ học, chữ Quốc ngữ là văn tự có nguồn gốc chữ Roman. “An-pha-be” là thứ chữ ghi âm theo lối phân suất âm vị học các ngôn ngữ biến tố.

Thế kỷ XVII, khi làm chữ Quốc ngữ, các giáo sĩ tuy không phải nhà ngôn ngữ học nhưng đã rất giỏi trong hai việc: Dùng nhóm chữ cái để ghi rời từng âm tiết (cốt lõi của ngôn ngữ đơn lập); ghi các thanh diệu (trên nguyên âm của mỗi âm tiết).

"Mong muốn hoàn thiện chữ Quốc ngữ cũng là thiện ý. Nhưng xin đừng nhầm phát âm với văn tự.

Với người Việt, phát âm thành từng âm tiết rời là điều tự nhiên nhất. Không phải ngẫu nhiên mà có chữ khối vuông như chữ Hán và chữ Nôm. Việc chữ Quốc ngữ ghi âm theo âm vị học là một phát minh kỹ thuật.

Theo đó, một âm vị có thể được ghi bằng một con chữ hoặc hơn thế. Độ vênh đó là tất yếu và bình thường. Các ngôn ngữ Ro man, German hay Slavian… đều có chuyện như thế.

Bảng chữ cái tiếng Việt không phải và không thể là bảng ghi âm IPA. Chữ còn giúp người ta đọc bằng mắt. Chữ (kể cả Quốc ngữ) luôn có độ bền hơn ngữ âm. Vậy thì xin tôn trọng người bản ngữ, cải cách chữ viết nên theo tinh thần “không ngứa không gãi”" - GS Đinh Văn Đức nói. 

Còn về mặt văn hóa, chữ Quốc ngữ đã trở thành một thành tố quý hóa của văn hóa Việt. Sửa chữ Quốc ngữ là động đến văn hóa. Mà văn hóa như chúng ta đã biết, nó bền vững và có bộ lọc cực kỳ tinh tế, văn hóa không bao giờ dễ dãi với ý thức và hành vi cộng đồng.

"Vậy xin hãy thận trọng và đừng đơn giản trong hành động cải tiến chữ ta. Và đặc biệt chữ Quốc ngữ đã góp phần làm thay đổi lớn trong ngữ pháp viết tiếng Việt" - GS tha thiết. 

Chữ Quốc ngữ là chữ viết quốc gia

Nhà giáo Trần Chút, Chủ tịch danh dự Hội Ngôn ngữ học TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Liên quan đến vấn đề này, nhà giáo Trần Chút, Chủ tịch danh dự Hội Ngôn ngữ học TP.HCM, chia sẻ: Đầu thế kỷ XVII, nhiều giáo sĩ phương Tây đến Việt Nam truyền bá đạo Thiên chúa. Họ học tiếng Việt, dùng chữ cái La-tinh để ghi tiếng Việt và khởi thảo từ điển đối chiếu Việt - Bồ, Bồ - Việt.

Tập hợp, chỉnh lý và bổ sung thành quả của lớp người đi trước, bằng việc xuất bản từ điển Việt - Bồ - La và Phép giảng tám ngày, Alexandre de Rhodes chính là người có công tổng kết giai đoạn hình thành chữ tiếng Việt bằng hệ thống chữ cái La-tinh, về sau gọi là chữ Quốc ngữ.

Từ cuối thế kỷ XIX, qua thế kỷ XX, sự phổ biến của chữ Quốc ngữ có những bước tiến nhảy vọt cả về bề rộng lẫn bề sâu. Cùng với tiếng Việt, chữ Quốc ngữ được dùng nhiều trong báo chí, văn chương, trong tất cả lĩnh vực của đời sống. Chữ Quốc ngữ được dùng làm cơ sở để xây dựng hệ thống chữ viết cho nhiều ngôn ngữ dân tộc thiểu số. Có thể khẳng định chữ Quốc ngữ là chữ viết quốc gia của Việt Nam.

Hiến pháp năm 2013 xác định tiếng Việt là ngôn ngữ quốc gia. Chữ Quốc ngữ là chữ viết tiếng Việt. Điều đó có nghĩa Hiến pháp cũng đã công nhận chữ Quốc ngữ là chữ viết quốc gia.

"Quốc hội có chủ trương xây dựng Luật Ngôn ngữ. Có thể nghĩ rằng liên quan đến chữ Quốc ngữ, Luật Ngôn ngữ tối thiểu có một số nội dung. Cụ thể, khẳng định chữ Quốc ngữ là chữ viết quốc gia của nước ta; ghi rõ bảng chữ cái, các dấu thanh và tên gọi của chúng trong hệ thống; xác định những quy tắc cơ bản cả chính tả tiếng Việt theo chữ Quốc ngữ. 

Chắc chắn tinh thần của Hiến pháp và của Luật Ngôn ngữ (nếu được ban hành) sẽ phát huy tác dụng điều chỉnh đối với các cá nhân và tổ chức trong việc ứng xử những vấn đề về tiếng Việt, nhất là về chữ Quốc ngữ” - ông Chút nói.

Nhiều đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ
Nhiều đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ
(PLO)- Các nhà ngôn ngữ cho rằng chữ quốc ngữ đang bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là chưa đủ con chữ để chuyển tự các từ của những ngôn ngữ khác có quan hệ tiếp xúc với tiếng Việt.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hà Nội chốt thi 3 môn vào lớp 10,

Hà Nội chốt thi 3 môn vào lớp 10,

(PLO)- Học sinh Hà Nội sẽ thi 3 môn vào lớp 10 là Toán, Văn, Ngoại ngữ trong kỳ thi vào THPT công lập, không có môn thứ tư. Hà Nội có khoảng 135.000 học sinh lớp 9, nhưng chỉ có khoảng 81.000 chỉ tiêu vào lớp 10 các trường công lập. 

Ngày hội tuyển sinh Victoria 360 Showcase: Sôi động với các trải nghiệm thú vị

Ngày hội tuyển sinh Victoria 360 Showcase: Sôi động với các trải nghiệm thú vị

(PLO)- Sáng 23-3, Ngày hội tuyển sinh do Hệ thống giáo dục Victoria School tổ chức đồng loạt tại Trường: Victoria Nam Sài Gòn, Trường Victoria Riverside và Trường Mầm non Victoria - SwanBay với chủ đề “Khám phá ngôi trường hạnh phúc tại Victoria 360 Showcase” đã thu hút đông đảo phụ huynh, học sinh đến tham dự và trải nghiệm.