Có nên thu phí 9 đoạn, tuyến cao tốc để hoàn vốn ngân sách?

(PLO)- Bộ GTVT cho biết hiện nay nhiều quốc gia phát triển cũng thực hiện thu phí các tuyến cao tốc để hoàn vốn cho nhà nước nhằm tái đầu tư các công trình khác.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Về thông tin Bộ GTVT đang lấy ý kiến của các bộ, ngành để xây dựng phương án thu phí chín đoạn, tuyến cao tốc được đầu tư từ ngân sách, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp (DN) vận tải cho rằng ngành chức năng cần cân nhắc kỹ, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay.

Lo tăng thêm gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp

Ở góc độ DN, ông Lê Điệp, Phó Giám đốc Công ty CP TM Cơ khí Tân Thanh, cho biết: Thu phí các dự án đầu tư công sẽ làm tăng thêm gánh nặng cho người dân và DN. Người dân, DN đã phải đóng phí bảo trì đường bộ, các loại phí cầu đường… Trong khi đó, giá dịch vụ của DN vận tải đang mỗi ngày một đi xuống do DN đang gặp khó khăn.

“Nhà nước nên tạo điều kiện cho các DN vận tải sớm phục hồi và phát triển, thay vì vội vàng lên phương án thu phí cao tốc như hiện nay” - ông Điệp nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Ngọc Trang, Chủ nhiệm Hợp tác xã Sen Việt, cho biết: “Người dân, DN đã đóng phí đường bộ rồi, nếu sử dụng cao tốc của Nhà nước mà bắt họ đóng thêm phí nữa thì giống như gánh hai loại phí. Như vậy là không phù hợp”.

Ở góc độ hiệp hội vận tải, ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, cho biết: Về nguyên tắc, Nhà nước sử dụng ngân sách để làm đường cho dân đi, sử dụng thuế của người dân đóng để làm đường mà lại thu phí là không hợp lý. Chưa kể, việc thu phí sẽ phải nuôi thêm bộ phận quản lý thu phí nữa, điều này là không cần thiết.

“Nếu Nhà nước bỏ tiền ra làm đường rồi thu phí thì sao không để các DN tư nhân, DN nước ngoài họ đấu thầu làm? Như vậy, không những không tốn ngân sách mà Nhà nước còn thu được thuế. Chứ còn làm đường xong rồi thu phí như các đơn vị khác thì lại là cạnh tranh trong kinh doanh” - ông Quản cho hay.

Cũng theo ông Quản, hiện nay các DN vận tải chủ yếu hoạt động cầm chừng để giữ các hợp đồng, giữ mối, không có lời. Nếu thu phí cao tốc do Nhà nước làm sẽ khiến DN tăng thêm gánh nặng.

Cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 là một trong chín dự án được Bộ GTVT đang lấy ý kiến xây dựng phương án thu phí. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 là một trong chín dự án được Bộ GTVT đang lấy ý kiến xây dựng phương án thu phí. Ảnh: ĐẶNG TRUNG

Người dân có quyền lựa chọn đường đi

Ở góc nhìn khác, một chuyên gia giao thông cho rằng trục Bắc - Nam hiện có các tuyến song hành, người dân có quyền lựa chọn. Nếu muốn đi nhanh, chủ phương tiện sẽ lựa chọn vào cao tốc và phải chịu phí; còn không, có thể lựa chọn các tuyến quốc lộ khác để tránh mất phí.

Thêm vào đó, việc thu phí sẽ điều tiết lưu lượng xe trên tuyến, tránh trường hợp xe vào quá đông khiến cao tốc trở thành quốc lộ như tuyến TP.HCM - Trung Lương hiện nay. Cạnh đó, thu phí sẽ giúp kiểm soát được loại xe, tải trọng xe một cách chuẩn xác, đảm bảo được tuổi thọ bền lâu của công trình, vì xe quá trọng lượng, quá tải ảnh hưởng rất lớn đến thiết kế của cao tốc.

Về mức phí, vị chuyên gia cho rằng các cơ quan chức năng phải tính toán cho phù hợp, vừa đảm bảo sức “mua” của người dân vừa đảm bảo Nhà nước thu hồi được vốn và các chi phí vận hành, bảo trì toàn tuyến. Bởi chi phí vận hành, bảo trì tuyến cao tốc cao gấp nhiều lần so với quốc lộ.

Đại diện Bộ GTVT cho biết: “Trong lúc nguồn ngân sách hạn hẹp thì việc thu phí các dự án do Nhà nước đầu tư vừa tạo nguồn cho công tác bảo trì và vận hành cũng như việc thu hồi vốn để tái đầu tư phát triển các dự án cao tốc khác là cần thiết”.

Quốc hội giao nhiệm vụ thu hồi vốn nhà nước

Bộ GTVT khẳng định hiện nay, ở một số nước phát triển như Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc… mạng lưới đường cao tốc đều được tổ chức thu tiền để thu hồi vốn và có nguồn cho việc quản lý, vận hành, bảo trì và tái đầu tư.

Chẳng hạn, từ thập niên 1950 đến đầu những năm 2000, Nhật Bản đã thông qua hai cơ chế tài chính là thu phí sử dụng đường cao tốc và thu phí nhiên liệu phương tiện đường bộ. Việc phát triển đường cao tốc chủ yếu dựa vào hệ thống đường thu phí thông qua các trạm thu phí.

Về chủ trương, Bộ GTVT cho biết các nghị quyết của Quốc hội về đầu tư một số tuyến thuộc cao tốc Bắc - Nam đều giao cho Chính phủ xây dựng phương án thu hồi vốn nhà nước để hoàn trả ngân sách. Vì vậy, việc Bộ GTVT nghiên cứu xây dựng cơ chế thu tiền sử dụng dịch vụ một số đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, quản lý và khai thác là cần thiết.

Về mức phí, Bộ GTVT cho biết hiện nay có 12 tuyến cao tốc thực hiện thu tiền theo cơ chế giá, mức thu dao động 1.000- 2.100 đồng/PCU (đơn vị xe con quy đổi)/km tùy theo phương án tài chính của dự án. Mức thu bình quân là 1.652 đồng/PCU/km.•

Dự kiến đấu giá nhượng quyền khai thác

Theo Bộ GTVT, trước đây Chính phủ từng đề xuất Quốc hội lấy tiền từ nhượng quyền khai thác cao tốc Bắc - Nam để tái đầu tư ba dự án Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.

Ba dự án trên có tổng mức đầu tư khoảng 84.463 tỉ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021-2025, Bộ GTVT dùng tiền đầu tư công trung hạn, vốn từ chương trình phục hồi kinh tế - xã hội để đầu tư nhưng vẫn còn thiếu 18.829 tỉ đồng.

Vì vậy, Bộ GTVT cho rằng ngành đang xây dựng đề án nhượng quyền khai thác tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 (2017-2020) đầu tư toàn bộ bằng vốn đầu tư công để hoàn trả vốn ngân sách trung ương theo quy định. Dự kiến sẽ đấu giá nhượng quyền khai thác sau khi cơ bản hoàn thành các đoạn, tuyến cao tốc vào năm 2023.

Với dự kiến thời gian hợp đồng nhượng quyền trong 10 năm, Bộ GTVT ước tính sơ bộ ngân sách nhà nước sẽ thu được khoảng 18.000 tỉ đồng, đủ để tái đầu tư các tuyến trên.

“Sở dĩ chúng tôi tính toán nhượng quyền 10 năm vì trong điều kiện nguồn vốn tín dụng dài hạn trên 20 năm trong nước rất khó khăn, gần như không thể huy động nguồn vốn tín dụng nước ngoài do yêu cầu nhiều cam kết bảo lãnh. Do đó, đề xuất hợp đồng nhượng quyền trong 10 năm để phù hợp với khả năng huy động vốn tín dụng dài hạn kỳ hạn 10 năm trong nước...” - đại diện Bộ GTVT lý giải thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm