Cụ thể Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Chấm dứt tình trạng có danh mục hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành nhưng không có quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn hoặc tiêu chí, phương pháp kiểm tra, trừ trường hợp hàng hóa đặc thù.
Trước đó, nhiều đại biểu từ các bộ, ngành, viện nghiên cứu và các địa phương đã nêu lên những khó khăn, bất cập. TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nhìn nhận trên thực tế đã có một số cải cách khiến doanh nghiệp (DN) “mừng rơi nước mắt” bởi sau nhiều năm khổ cực, cuối cùng đã được thay đổi nên cộng đồng DN đánh giá cao. Ví dụ trong bốn năm qua, số mặt hàng phải kiểm tra tương đối đã giảm từ 82.000 xuống còn 78.000, tương đương cắt giảm khoảng 4.000 mặt hàng. Đây là một con số lớn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành không ôm giữ những điều kiện không cần thiết. Ảnh: CL
Tuy nhiên, TS Cung cho rằng vẫn còn tình trạng một số nơi chỉ cắt giảm số nhóm thủ tục có ít mặt hàng, còn một số nhóm có nhiều mặt hàng thì không cắt giảm. Từ đó, dù các bộ báo cáo đã cắt giảm phần lớn các mặt hàng nhưng thực chất chưa chắc đạt mục tiêu vì số mặt hàng trong nhóm đó rất ít.
Mặt khác, việc kiểm tra chuyên ngành vẫn còn hạn chế. Ví như có đến hơn 50% số mặt hàng hiện nay phải chịu sự kiểm tra của 2-3 bộ. Trong mỗi bộ, một số mặt hàng lại phải chịu sự kiểm tra của 2-3 cục chứ không chỉ dừng lại ở một đơn vị khiến DN kêu ca, phàn nàn rất nhiều.
Về vấn đề kết nối thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, TS Cung nhận định rằng các bộ chỉ kết nối các thủ tục ít người sử dụng, những thủ tục nào nhiều người sử dụng thì không kết nối. Những thủ tục nào ít quyền, ít lợi thì kết nối, còn nếu thủ tục nào bị giảm quyền lợi khi kết nối thì thôi.
“Cải cách có thể có tác động rất lớn nhưng lâu nay chúng ta lại làm rất chậm nên tôi hy vọng sẽ có sự thay đổi để hoàn tất cải cách” - ông Cung nói.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cũng nhận định trong quá trình sửa đổi văn bản, thực thi công vụ vẫn còn bất cập. Ông đề nghị các bộ, ngành mau mắn hơn trong việc sửa đổi, kết nối các thủ tục hành chính.
Bởi theo ông Nam, ngoài chi phí về thời gian, tiền bạc thì DN còn phải chịu ức chế. Nếu ức chế nhiều lần thì DN sẽ bị mất niềm tin.
Tiết kiệm trên 200 triệu USD Phát biểu tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Tài chính dẫn báo cáo của Ngân hàng Thế giới về môi trường kinh doanh cho biết: Trong năm 2017, thời gian thông quan trực tiếp tại cửa khẩu của Việt Nam đối với hàng xuất khẩu đã giảm ba giờ, từ 58 xuống 55 giờ... Như vậy, ước tính với trên 11 triệu tờ khai tính đến cuối năm 2017, DN tiết kiệm được trên 200 triệu USD cho thủ tục thông quan và tiết kiệm trên 16 triệu giờ lưu kho đối với hàng xuất khẩu. |