Ngày 5-8, Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) tổ chức kỷ niệm 7 năm chương trình cà phê doanh nhân với chủ đề “Kích cầu theo Nghị quyết 98 và đề xuất của doanh nghiệp (DN)”.
Vốn vay tối đa được hỗ trợ lãi suất là 200 tỉ đồng
Bà Mai Phong Lan, đại diện Sở Kế hoạch & Đầu tư TP.HCM (KH&ĐT) cho biết, thời gian qua, TP.HCM đã ban hành quy định về chương trình kích cầu đầu tư như Quyết định 50/2015; Nghị quyết 16/2018 quy định về kích cầu đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ TP.HCM giai đoạn 2018- 2020…
Dự kiến chính sách mới vẫn kế thừa chương trình kích cầu đầu tư, đồng thời điều chỉnh cho phù hợp Nghị quyết 98 và quy định hiện hành.
Ông Nguyễn Quang Thanh, Phó Tổng giám đốc Công ty đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC) cho biết thêm, các chương trình khác mức vốn vay tối đa được hỗ trợ là 100 tỉ đồng, đặc biệt chính sách kích cầu theo Nghị quyết 98 mức vốn vay tối đa được hỗ trợ lãi suất là 200 tỉ đồng, gồm một nhóm hỗ trợ 100%, một nhóm hỗ trợ 50%.
Các lĩnh vực được hỗ trợ hiện đang thiết kế theo sáu chương trình trọng điểm, năm nhóm lĩnh vực như công nghệ cao và chuyển đổi số; đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; sản xuất nông nghiệp. Cơ khí tự động hóa, cao su hóa dược, dệt may và da giày…
“Nếu DN nhu cầu được hỗ trợ đầu tư chuyển đổi xanh, công nghệ cao, chuyển đổi số… góp ý chúng tôi tiếp thu”-ông Thanh nói.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm (LTTP) TP.HCM cho biết, thời gian qua chương trình kích cầu đầu tư của TP đã tạo hiệu quả rất tốt, nhiều DN chế biến LTTP được hưởng lợi.
Chính sách kích cầu theo Nghị quyết 98, mức vốn vay tối đa được hỗ trợ lãi suất là 200 tỉ đồng, trong bối cảnh hiện nay DN kỳ vọng từ 300-400 tỉ đồng.
Ban lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM tham quan gian hàng trưng bày tại chương trình kỷ niệm 7 năm cà phê doanh nhân. ẢNH: TÚ UYÊN |
Khó khăn tới mức có DN phải bán nhà để trả nợ
Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí Điện TP.HCM (HAMEE) cho biết, theo Nghị quyết 98 DN hy vọng chương trình kích cầu sẽ có nhiều chuyển biến hơn.
Thời gian qua, 10 DN của HAMEE tham gia chương trình kích cầu. Mặc dù dự án của DN được TP phê duyệt và DN cũng dốc toàn bộ nguồn lực đầu tư nhưng nửa chừng chương trình bị tạm gián đoạn khiến DN vô cùng khó khăn.
“Khó khăn tới mức có DN phải bán nhà để trả nợ, trả lãi cho Ngân hàng. Đây là điều rất đáng tiếc”-ông Tống nói.
Cùng chia sẻ, ông Nguyễn Văn Trí, Tổng Giám đốc công ty TNHH Lập Phúc (chuyên về cơ khí khuôn mẫu chính xác) cho biết, sản phẩm của công ty đã xuất khẩu được sang Mỹ, cung cấp trong ngành ô tô của các thương hiệu như Tesla, GM, BMW… được đón nhận.
Theo ông Trí, để đạt được những kết quả trên nhờ chương trình kích cầu đầu tư của TP, đặc biệt công ty hưởng đến ba lần năm 2005, 2010, 2014. Công ty tham gia chương trình kích cầu lần thứ tư với tổng vốn 120 tỉ đồng. Dự án được TP phê duyệt bù lãi vay 75 tỉ đồng, thời gian TP phê duyệt 23-12-2020, trước khi Nghị quyết 16 hết hiệu lực.
“Tuy nhiên, ba năm nay công ty không được bù lãi vay. Với mức lãi suất của ngân hàng hiện nay gần 10%/năm, trong bối cảnh rất khó khăn DN vừa trả vốn (120 tỉ đồng) lẫn lãi vô cùng điêu đứng. Rất may tôi còn một ngôi nhà, nếu không có cách nào vượt qua buộc phải bán nhà để trả nợ. DN mong chờ chính sách kích cầu theo Nghị quyết 98 sẽ tháo gỡ”-ông Trí nói.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HUBA cho biết, trước đây chính sách này TP “sáng tạo”, trong quá trình triển khai có thời gian bị tạm gián đoạn.
Lần này, TP chuẩn bị kỹ, chủ động đưa vào Nghị quyết 98 và đã được Quốc hội thông qua, chủ trương mang tầm quốc gia.
HUBA đang phối hợp Sở KH&ĐT làm tờ trình hoàn thiện dự thảo nghị quyết để UBND TP.HCM trình HĐND. “Chúng tôi tin thời gian tới khi HĐND thông qua, chính sách sẽ ổn định, DN yên tâm tiếp cận”- ông Hòa nói.