Hội nghị đối thoại doanh nghiệp TP.HCM năm 2022:

Có tài sản bảo đảm cũng khó vay được tiền

(PLO)- "Tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng trong 8 tháng đầu năm nay rất mạnh nhưng những khách hàng thuộc nhóm ngành nào là đối tượng được thụ hưởng nguồn lực đó?"
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đó là thắc mắc của bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM (FFA) tại Hội nghị tiếp xúc, đối thoại doanh nghiệp thành phố năm 2022 đang diễn ra sáng nay (31-8) tại TP.HCM.

Phát biểu tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư thành uỷ TP.HCM, Chủ tịch HĐND TP.HCM cho biết: Hội nghị tiếp xúc, đối thoại doanh nghiệp lần này là dịp để thành phố lắng nghe trực tiếp ý kiến của doanh nghiệp và các nhà đầu tư để qua đó thành phố đánh giá tác động của việc ban hành và thực thi những chính sách và qui định liên quan, cũng như những đề xuất về giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp. Từ đó làm cơ sở để thành phố sửa đổi, bổ sung hoặc đề nghị các cơ quan Trung Ương có xem xét hoàn thiện cơ chế, nhằm tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp.

Bà cho biết, trong quá trình trao đổi, tìm hiểu với các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, một số doanh nghiệp có những ý kiến cụ thể như sau: Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp Hiệp Phước kiến nghị cơ sở hạ tầng đường xá khu công nghiệp Hiệp Phước còn chưa đảm bảo, cần cải thiện kết nối cơ sở hạ tầng của các địa bàn khác; có kế hoạch sửa chữa lại đường xá bị vỡ, chống ngập do mưa, thuỷ triều.

Thu hút đầu tư, thu hút lao động; xây dựng chung cư, xây dựng khu nhà trẻ, trường học, trường dạy nghề đạt chất lượng đáp ứng đủ yêu cầu lao động trong khu công nghiệp.

Các doanh nghiệp cũng kiến nghị thành phố hỗ trợ nạo vét tuyến hàng hải qua sông Soài Rạp để các tàu tải trọng lớn có thể cập cảng ở khu công nghiệp Hiệp Phước, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất...

Đề cập đến khó khăn của Hội lương thực thực phẩm, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM (FFA) nói: Từ đầu năm đến bây giờ tất cả các nguyên vật liệu, kể cả chi phí vận hành đều tăng cao, có những nguyên liệu của ngành chế biến như con giống, thức ăn chăn nuôi của ngành lương thực thực phẩm tăng từ 30-50%, kéo theo nhiều mặt hàng đều tăng giá.

Trong bối cảnh đó, có nhiều doanh nghiệp sản xuất trứng, gạo vẫn tích cực tham gia các chương trình bình ổn giá, chấp nhận cắt giảm lợi nhuận của doanh nghiệp để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng. Thời gian gần đây, một số mặt hàng đã được điều chỉnh tăng nhưng với mức điều chỉnh tăng rất thấp, không bù đắp nổi so với mức tăng khủng khiếp của chi phí nguyên liệu đầu vào.

Vừa bước qua giai đoạn phục hồi hậu COVID-19, các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn. Từ tình hình kể trên, chúng tôi cần có nhiều biện pháp hỗ trợ kịp thời. Trong đó cần cải cách thủ tục hành chính để cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng chính quyền đô thị, tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các chính sách.

Một trong những khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là về nguồn vốn. Bởi khi nguyên liệu đầu vào tăng tới 50% thì cũng đồng nghĩa vốn doanh nghiệp cũng phải tăng theo tương ứng. Cạn vốn thì phải đi vay ngân hàng, nhưng đi vay thì phải có tài sản bảo đảm. Thậm chí có tài sản bảo đảm cũng không được giải ngân do ngân hàng đã cạn room tín dụng.

"Ngân hàng nói tăng trưởng tín dụng cao nhưng ai là đối tượng được thụ hưởng đâu? Tại sao những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh như chúng tôi lại khó tiếp cận vốn trong bối cảnh hiện tại, nhất là khi mà chúng tôi nỗ lực tham gia bình ổn giá, chia sẻ khó khăn với người lao động"- bà Chi đặt câu hỏi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm