Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) vừa có cho biết, đã thực hiện cuộc khảo sát sâu rộng trong cộng đồng DN về khó khăn, vướng mắc, niềm tin, kỳ vọng của DN… sau những khó khăn của dịch COVID-19 và khủng hoảng Nga-Ukraine.
Xăng dầu tăng, giá hàng hóa tăng khiến chi tiêu người lao động khó khăn. Ảnh: TÚ UYÊN |
Kết quả cho thấy về hoạt động kinh doanh của DN dần ổn định, bắt đầu tăng trưởng trở lại khi có tới 26% số DN xác nhận doanh thu đang tăng.
Số lượng DN có doanh thu giảm chỉ chiếm tỷ lệ tối thiểu 17%, trong khi đó hầu hết DN xác nhận doanh thu đã cơ bản tạm ổn ở mức 57%.
Kết quả lợi nhuận có 21% DN cho biết tăng, 44% DN cơ bản tạm ổn và 34% DN giảm lợi nhuận. Con số trên tín hiệu lạc quan, thể hiện tinh thần vượt khó để phục hồi mạnh mẽ của cộng đồng DN.
Với sự hỗ trợ tích cực từ các gói hỗ trợ Chính phủ, niềm tin DN tăng lên đáng kể khi có đến 3/4 số DN tin rằng lợi nhuận sẽ giữ ở mức cân bằng, trong đó có tới 21% DN tin tưởng sẽ có lợi nhuận tăng hơn các năm trước.
Ngoài ra, sau dịch COVID-19, nhu cầu tiêu dùng tăng cao DN không còn nhiều hàng hóa tồn đọng. Hầu hết DN quản lý tốt tỷ lệ hàng tồn kho với số lượng đánh giá tốt ở mức 77%.
Người lao động mua sắm tại Chợ phiên không tiền mặt ở Khu chế xuất Tân Thuận quận 7. Ảnh: TÚ UYÊN |
Bên cạnh những tín hiệu tích cực trong kinh doanh, DN gặp những khó khăn nhất định. Trước hết là dịch bệnh COVID-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng, các thị trường truyền thống bị thu hẹp đáng kể.
Hệ thống logistics bị ảnh hưởng nặng nề nay lại thêm nguy cơ tắc nghẽn do xung đột ở Châu Âu làm cho các luồng vận chuyển nguyên vật liệu, hàng hóa thêm khó khăn. Từ đó, các hợp đồng đã ký kết không thể thực hiện do không có hàng bán, giá cước vận tải tăng và giao hàng chậm trễ.
Qua khảo sát của HUBA, có 31% DN bị thu hẹp thị trường, 51% DN khó khăn giá nguyên liệu đầu vào tăng, thiếu vốn kinh doanh chiếm 31%, thiếu mặt bằng sản xuất kinh doanh chiếm 14%, khó đáp ứng yêu cầu thanh kiểm tra chiếm 13%.
Đáng chú ý, có đến 53% DN gặp khó khăn tìm kiếm nguồn nhân lực phù hợp.
Về vấn đề này, HUBA kiến nghị nhà nước sửa đổi, ban hành các chính sách pháp luật mang nhiều lợi ích cụ thể, hiện hữu cho DN. Ví dụ các chính sách về tiền lương, phụ cấp, bảo hiểm xã hội, công đoàn… Chính sách cho vay nhà ở áp dụng cho mọi người (hiện nay chỉ áp dụng cho cán bộ công chức)…
TP cần quan tâm kịp thời xét duyệt các đề án xây dựng nhà ở xã hội, khu nhà ở công nhân để người lao động không lo chỗ ăn nghỉ; vận dụng các quỹ tài chính của thành phố để cho người lao động vay mua xe, mua nhà… lãi suất thấp.