Doanh nghiệp vừa và nhỏ đang bị suy kiệt

Doanh nghiệp vừa và nhỏ đang bị suy kiệt ảnh 1

Thứ nhất, gốc rễ cơ bản kinh tế Việt Nam trong thời gian rất dài là thực hiện chính sách phát triển, tăng trưởng đầu tư theo chiều rộng. Cụ thể, lấy khu vực kém hiệu quả đó là khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN) làm xương sống cho nền kinh tế. Khi chọn khu vực này phát triển chủ yếu dựa vào đầu tư nên phải dùng rất nhiều nguồn lực. Hậu quả là đầu tư lớn nhưng tăng trưởng không tương ứng. Hay nói cách khác, để tốc độ tăng trưởng đạt được một chỉ tiêu nào đó thì tỉ lệ đầu tư phải cao hơn. Bằng chứng, đầu năm 2000 mình đầu tư khoảng 32%-33% GDP nhưng đến cuối năm 2000 và đầu 2010 trở đi tỉ lệ đầu tư đã lên đến 42%-43% GDP. Trong khi đó tốc độ tăng trưởng lại giảm đi. Điều này cho thấy để có thể đạt được cùng một lúc tăng trưởng thì mức độ đầu tư phải cao. Đầu tư cao thì tín dụng cung tiền tăng theo tương ứng và điều này tác động tới lạm phát.

Thứ hai, chất lượng điều hành chính sách ở Việt Nam về mặt định hướng thì đúng đắn nhưng khi triển khai thì bị bóp méo và chệch hướng. Ví dụ các chính sách bình ổn kinh tế vĩ mô có từ năm 2008. Sau đó giao xuống cho đơn vị triển khai và từ đó đến nay gần như chưa làm được gì. Điều này thể hiện dù định hướng đúng nhưng khi đi qua bộ máy triển khai kém hiệu quả, bị chi phối bởi nhiều nhóm lợi ích khác nhau thì tự nhiên chính sách này bị bóp méo theo hướng khác.

Doanh nghiệp vừa và nhỏ đang bị suy kiệt ảnh 2

Phần lớn DN vừa và nhỏ khó tiếp cận với vốn vay ưu đãi. Ảnh: CT

Thứ ba, nguồn gốc của sự thịnh vượng nằm ở DN. Thế nhưng DN hai khu vực lớn nhất là DNNN cụ thể là các tập đoàn công ty và FDI lại không liên quan gì nhiều đến nền tảng kinh tế trong nước. Khu vực Nhà nước lớn mạnh phụ thuộc vào mấy thứ: các nguồn khai thác tài nguyên như Petro Việt Nam, hay Than Khoáng sản; hai là phụ thuộc vào vị thế độc quyền như Telecom, Đường sắt Việt Nam, Vietnam Air... Vị thế này họ không tự có mà do Nhà nước ban phát; ba là do nguồn trợ cấp rất hào phóng liên quan đến đất đai, tín dụng, đầu tư và thể chế. Khu vực DN đầu tư nước ngoài có tiếng là năng động theo nghĩa họ đóng góp 60% trên tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam. Nhưng thực tế họ không dính dáng gì nhiều tới DN trong nước. Cụ thể các nhà cung ứng đa số không phải DN trong nước. Thành ra DN trong nước chỉ cung cấp những thứ đơn giản như các sản phẩm có giá trị gia tăng thấp, sản phẩm gia công truyền thống. Trong khi thị trường trong nước cung cấp cho họ giá đất rẻ, công nhân rẻ và thậm chí chi phí môi trường rất thấp. Nhà đầu tư nước ngoài lợi dụng cái này xuất khẩu. Còn lại tính kết nối với DN trong nước thấp. Không những thế nghĩa vụ đóng thuế của một số DN khu vực này được giảm đi nhiều nhờ hoạt động chuyển giá hay những thiếu sót và khe hở trong quản lý của nước ta.

Hai đối tượng khu vực DN lớn hoặc được thừa hưởng vị thế độc quyền từ tài nguyên, hoặc dựa vào nguồn lực bên ngoài xuất khẩu - nhập khẩu chứ không kết nối hữu cơ và hiệu ứng lan tỏa trong nền kinh tế nội địa. Nên dù chúng ta có thành tích nhất định về xuất khẩu nhưng nền tảng trong nước vẫn không phát triển. Trong khi đó phần lớn DN trong nước là DN vừa và nhỏ và chủ yếu là DN nhỏ. Và nhóm này đáng lẽ là tiên phong thì thui chột ý chí, không có động cơ để đầu tư phát triển, nhất là họ đang bị suy kiệt bởi lãi suất cao, bất ổn kinh tế vĩ mô và bất ổn trong điều hành chính sách.

TS VŨ THÀNH TỰ ANH,  Giám đốc nghiên cứu Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright tại TP.HCM - NGA SƠN ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm