Đánh bạn bằng cây sắt, gây thương tật 55%
Gần 500 học sinh THCS Thăng Long, quận 3 tham dự phiên tòa giả định
Bị cáo chưa thành niên cùng người giám hộ là mẹ và luật sư bào chữa
Quang cảnh phiên tòa
Hội đồng xét xử
Tại phiên tòa, đại diện VKS đề nghị xử phạt bị cáo từ 3 đến 3,5 năm tù về tội cố ý gây thương tích, buộc người giám hộ bị cáo bồi thường điều trị chi phí điều trị thương tích cho người bị hại.
Luật sư bào chữa cho bị cáo đề nghị cho bị cáo được hưởng án treo vì "việc xử lý người chưa thành niên chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội". Việc giam bị cáo sẽ không tốt cho quá trình phát triển nhân cách sau này...
HĐXX nhận định rằng bị cáo có các tình tiết tăng nặng như phạm tội đối với trẻ em (vì người bị hại đang trong độ tuổi trẻ em khi bị nạn), dùng hung khí nguy hiểm là ống cây sắt tấn công vào vùng đầu - vùng trọng yếu của nạn nhân khiến em phải thay hộp sọ, mang thương tật 55%... sức khỏe giảm sút ảnh hưởng đến sinh hoạt, học tập về sau... Bị cáo cũng có những tình tiết cần xem xét để giảm nhẹ như bị cáo là người chưa thành niên, hành động phạm tội nhất thời, thật thà khai báo, dù gia đình khó khăn nhưng tích cực bồi thường... Tuy nhiên, cũng không thể cho bị cáo hưởng án treo. Từ đó, HĐXX đã phạt em học sinh này hai năm tù, buộc bồi thường 50 triệu đồng.
"Cổ vũ đánh nhau có bị tội?"
Sau phiên tòa giả định, các em học sinh tranh nhau nêu thắc mắc liên quan đến câu chuyện giả định vừa diễn ra trên sân khấu.
Một em thắc mắc: "Đánh nhau khiến bạn bị thương tích 55% là có tội. Vậy tụi em không đánh mà chỉ đứng ngoài cổ vũ thì có tội không cô?".
Luật sư Trần Thị Hồng Việt (nguyên thẫm phán TAND TP.HCM) giải thích: "Chỉ khi gây thương tích đến mức bị xử lý hình sự thì mới có tội. Tuy nhiên, việc cỗ vũ đánh nhau là sai rồi. Các con phải can ngăn bạn mình, không can được thì phải báo với cha mẹ, thầy cô để ngăn chặn kịp thời".
Luật sư Phạm Thị Bạch Huệ giải thích các thắc mắc của học sinh
Một em khác đặt vấn đề: "Người bị thương cũng có đánh nhau, sao không bị xử lý như bị cáo?".
Luật sư Phạm Thị Bạch Huệ (nguyên Phó chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM) trả lời: "Bạn bè đánh nhau là không tốt, ảnh hưởng đến nhân cách của mình. Tuy nhiên, chỉ khi gây thương tích cho đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì mới có tội. Các con lưu ý, nếu người bị các con đánh là thầy cô, cha mẹ, người cưu mang mình thỉ thương tích dù chỉ 1% thì cũng vẫn bị xử lý".
Em khác xung phong: "Sao em thấy nạn nhân sau phiên tòa thì không còn bị thương ở đầu nữa mà cũng được bồi thường 50 triệu đồng?".
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Chi hội trưởng Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ Quyền trẻ em TP.HCM) bật cười giải thích: "Đây là phiên tòa giả định, các nhân vật mà tụi con vừa thấy đều do các cô chú luật sư đóng. Việc này nhằm giúp các con hiểu về một phiên tòa là như thế nào, điều gì cần làm và không nên làm khi đối mặt với những mâu thuẫn trong mối quan hệ bạn bè, trường lớp"...
Thầy Phạm Ngọc Đào, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: "Hồi đầu năm, phiên tòa giả định này được diễn ở Trường THCS Lê Quý Đôn - nơi mà khi đó tôi cũng đang là phó hiệu trường. Học sinh hai trường đều rất quan tâm, liên tục nêu thắc mắc, đặt những câu hỏi khiến người lớn bất ngờ. Mấy ngày nay, các em hỏi về phiên tòa hoài".
Luật sư Phạm Thị Bạch Huệ nhận xét: "Những bài học thiết thực từ phiên tòa sẽ khiến các em nhớ bài học lâu hơn. Phụ huynh cũng có những bài học trong cách giáo dục, quan tâm, chăm sóc con em mình. Tôi từng xử vụ một em học sinh lớp 8 ở Củ Chi thường xuyên bị hai bạn trong lớp bắt nạt, hiếp đáp, buộc phải làm việc này việc kia, nếu không sẽ bị đánh. Sang bèn tìm cách trả thù, đổ xăng vào chai thủy tinh và dùng bông gòn nhét vào miệng chai đem đến trường. Vào lớp, em châm lửa chai xăng ném vào hai bạn này nhưng lại trúng nhiều bạn khác, trong đó có hai bạn bị bỏng nặng, thương tật đến 15% và 32%. Dù rất muốn nhưng căn cứ quy định pháp luật, chúng tôi không thể cho em hưởng án treo".
Trẻ em có quyền gì? Luật sư Trần Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em, chốt lại bài học căn bản về pháp luật cho các em THCS Thăng Long bằng việc phổ biến quyền trẻ em theo Luật Trẻ em 2016. "Ngoài quyền thì ai cũng có bổn phận đi kèm. Các con có bổn phận kính trọng, lễ phép với người lớn; học tập, rèn luyện; thương yêu, đoàn kết giúp đỡ bạn bè. Còn quyền của các con là gì? Các con có bốn quyền. Đó là: quyền được sống, quyền được bảo vệ, quyền được phát triển và quyền được tham gia - như tham gia và trình bày ý kiến tại phiên tòa giả định hôm nay"... |
Hãy gọi 1800-9069 khi cần giúp đỡ Luật sư Trần Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em, hướng dẫn học sinh lưu số điện thoại đường dây nóng trong trường hợp cần can thiệp khi bị xâm hại, hay bị bạo lực: Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM: 18009069; Trung tâm Công tác xã hội trẻ em TP.HCM: 19545559. Luật sư Nữ cũng thông tin rằng tháng 12 này, Hội sẽ tổ chức tuyên truyền về vấn nạn xâm hại tình dục tại Trường THCS Lê Quý Đôn - trường đầu tiên phối hợp tổ chức chuyên đề này. |