'Có ý kiến cho rằng' và 'cơ bản tán thành'

(PLO)- “Nhiều ý kiến đồng tình” trên diễn đàn QH phản ánh quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, thực chất... nhưng "có ý kiến cho rằng" thường là thiểu số và đó là những góc nhìn, đánh giá riêng, phản ánh tính đa dạng của cuộc sống...
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

“Có ý kiến cho rằng” là “điệp ngữ” được dùng 10 lần trong báo cáo của Ủy ban Kinh tế thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của Chính phủ. Cụm từ này có lẽ cũng sẽ được nhiều người “cơ bản tán thành” nhưng lại gợi lên nhiều điều…

Nhiều báo cáo khác của Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội (QH) khi thẩm tra các tờ trình, báo cáo của Chính phủ, TAND Tối cao, VKSND Tối cao cũng vậy. Cụm từ “Có ý kiến cho rằng” cũng được sử dụng bên cạnh cụm từ “cơ bản tán thành”, như một gợi ý rằng vẫn còn những ý kiến khác, đánh giá khác so với giải trình.

Công tác điều hành của Chính phủ với thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản là ví dụ.

Ủy ban Kinh tế, từ góc nhìn thẩm tra, nêu: “Có ý kiến cho rằng” việc điều hành, quản lý nhà nước đối với các thị trường này còn “chuyển trạng thái đột ngột”, ảnh hưởng nhất định đến thị trường và niềm tin của nhà đầu tư. Vì vậy đề nghị Chính phủ tiếp tục nhận diện rủi ro, có các giải pháp cụ thể để vừa bảo đảm an toàn vừa thúc đẩy sự phát triển của các thị trường, phục vụ tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Có thể, khác với “nhiều ý kiến cho rằng”, đánh giá này chỉ là một vài ý kiến đơn lẻ của cơ quan thẩm tra, vốn hoạt động theo nguyên tắc tập thể. Nhưng dù là thiểu số thì những ý kiến như vậy trong sinh hoạt nghị trường cũng cần được lắng nghe, trân trọng. Nhất là với những lĩnh vực nhạy cảm cao như thị trường vốn, tiền tệ, ngân hàng, kết quả từ các biện pháp can thiệp nhà nước thường phải đong đếm bởi hiệu số lợi ích - rủi ro.

“Cơ bản tán thành” hay “nhiều ý kiến đồng tình” trên diễn đàn QH về mặt nào đó phản ánh quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, thực chất từ phía các cơ quan hành pháp, tư pháp với báo cáo thường niên gửi tới cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Cũng có thể là kết quả quá trình đồng hành, chung tay cùng Chính phủ của Ủy ban Thường vụ, các cơ quan của QH.

Nhưng sẽ toàn diện hơn khi bên cạnh đó luôn có những góc nhìn, đánh giá riêng, chất lượng, dù rằng từ thiểu số rất nhỏ. Bởi có vậy mới phản ánh được bản chất đa dạng của cuộc sống, tính phức tạp, luôn đầy rẫy thách thức của quá trình vận động, phát triển...

Những ngày tới, khi các đại biểu (ĐB) bước vào những phiên họp thảo luận về báo cáo của các cơ quan, chức danh do QH bầu, phê chuẩn, bên cạnh điệp ngữ “cơ bản tán thành” sẽ có nhiều ý kiến khác, không chỉ từ các ĐBQH chuyên trách ở trung ương, vẫn hằng ngày vận hành nguyên tắc “phân công, phối hợp, kiểm soát”, mà còn từ những ĐBQH kiêm nhiệm, với nhiều thành phần, giai tầng, xuất thân, địa phương khác nhau.

Nói lên tiếng nói của cuộc sống, nguyện vọng đa dạng của cử tri và lắng nghe thấu đáo tất thảy để cùng nhau tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy công vụ hẳn sẽ là yêu cầu cốt lõi trong hoạt động của QH.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm