Sáng 18-8, Hội đồng nhân dân (HĐND) TP.HCM phối hợp với Trường ĐH KHXHNV và Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học “Bảo vệ quyền trẻ em - Thực trạng và giải pháp” với mục tiêu đánh giá việc triển khai thực hiện công tác này.
Bảo vệ trẻ em ngoài vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, thì các tổ chức xã hội ngoài công lập luôn đóng một vị trí đặc biệt quan trọng. Hoạt động của các tổ chức xã hội ngoài công lập hiện nay đã và đang đứng trước các cơ hội quan trọng để đóng góp vào công cuộc bảo vệ trẻ em, tuy nhiên còn tồn tại nhiều thách thức.
Ông Phạm Đình Nghinh, Phó chủ tịch hội Bảo vệ quyền trẻ em TP. HCM phát biểu tại hội thảo. Ảnh: T.N |
Tại hội thảo, ông Phạm Đình Nghinh, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM cho biết. Thời gian qua, các tổ chức xã hội đã góp phần không nhỏ cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhưng hệ thống pháp luật quy định về hoạt động này chưa thực sự đồng bộ, nhất quán. Các tổ chức xã hội cũng chưa phát huy được tiếng nói trong xây dựng chính sách pháp luật liên quan tới công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Nhiều tổ chức xã hội ra đời nhưng không có chương trình, kế hoạch trợ giúp mang tính bền vững, thậm chí còn có sự nhầm lẫn giữa công tác xã hội và công tác từ thiện. Đó là chưa kể đến hiện tượng lợi dụng công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em để trục lợi từ việc gây quỹ từ thiện, trục lợi khi kêu gọi quyên góp cho các trường hợp trẻ em bị bỏ rơi, lạm dụng, xâm hại…
Bên cạnh đó, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Tùng trường ĐHKHXHNV TP.HCM cũng có đề xuất, cần nghiên cứu điều chỉnh các Nghị quyết và Quyết định của Chính phủ đã ban hành nhằm mở rộng các gói trợ giúp xã hội cho tất cả các gia đình có trẻ em, đặc biệt các gia đình có trẻ em dễ bị tổn thương, khuyết tật, đói nghèo, đơn thân, mồ côi để bảo vệ họ khỏi nguy cơ tiếp tục tổn thương sau đại dịch Covid-19. Đồng thời, các thủ tục hành chính để nhận trợ cấp cần được đơn giản hóa, minh bạch hơn và kịp thời chi trả. Mức hỗ trợ cho các gia đình có trẻ em nên được tính toán bao gồm các chi phí phát sinh để đảm bảo an sinh xã hội cho trẻ em như chi phí học tập trực tuyến, phương tiện đi lại, thực phẩm dinh dưỡng, dịch vụ chăm sóc trẻ nhỏ trong khi cha mẹ đi làm, can thiệp tâm lý...
Chủ tịch HĐND TP.HCM Bà Nguyễn Thị Lệ cho rằng, cần đánh giá lại thực trạng về cơ chế phối hợp trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác bảo vệ quyền trẻ em hiện nay. Ảnh: T.N |
Chủ tịch HĐND TP.HCM- bà Nguyễn Thị Lệ cho rằng, chúng ta cần đánh giá lại thực trạng về cơ chế phối hợp trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác trẻ em. Việc đánh giá bao gồm chuyên môn nghiệp vụ, kinh phí hoạt động của các điểm tư vấn cộng đồng tại địa bàn dân cư và sự quan tâm của chính quyền địa phương đối với đội ngũ cộng tác viên tại các khu phố, ấp, tổ dân phố; các chương trình, chính sách liên quan đến trẻ em ở cơ sở, công tác quản lý thông tin, dữ liệu về trẻ em, công tác can thiệp, hỗ trợ các trường hợp trẻ em bị xâm hại, bạo lực...
“Tôi đề nghị Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP ngay sau hội thảo này, phối hợp chặt chẽ các đơn vị để kịp thời ghi nhận đầy đủ ý kiến phát biểu và có báo cáo cũng như văn bản tham mưu thường trực HĐND TP để đề nghị UBND TP và các đơn vị, địa phương tập trung tăng cường các giải pháp và kịp thời giải quyết các vướng mắc, khó khăn. Đồng thời, Ban Văn hóa - Xã hội nghiên cứu các đề xuất của quý chuyên gia, nhà khoa học, của Ủy ban Văn hóa, giáo dục Quốc Hội, Hội bảo trợ quyền trẻ em và các đơn vị để xây dựng các chính sách cụ thể sớm trình HĐND TP trong thời gian sớm nhất có thể” - bà Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh.
Các đại biểu tập trung lắng nghe những khó khăn, vướng mắc còn tồn động trong thực hiện bảo vệ quyền trẻ em. Ảnh: T.N |
Ông Phạm Đình Nghinh cho rằng, các tổ chức xã hội phải đảm bảo đầy đủ tình pháp lý của tổ chức, mọi hoạt động của tổ chức đều phải đảm bảo trên nguyên tắc tất cả vì sự phát triển của trẻ em.
"Cần chủ động nắm bắt các thông tin, chủ trương chính sách pháp luật có liên quan của Trung ương và địa phương về công tác bảo vệ trẻ em, có sự kết nối, phối hợp giữa các tổ chức với nhau. Chia sẻ thông tin thường xuyên, kịp thời để hạn chế trùng lắp, chồng chéo, lãng phí nguồn lực, tập trung hỗ trợ giải quyết các vấn đề và lĩnh vực được ưu tiên theo định hướng của nhà nước" - ông Nghinh nhấn mạnh.
Ngoài ra tại hội thảo, các đại biểu kiến nghị chính quyền địa phương cần đặc biệt quan tâm đến đối tượng là người nhập cư từ các tỉnh, thành khác, người dân lao động tại các khu nhà trọ, người dân tại các khu chung cư cao cấp, khu nhà phố biệt lập… Đồng thời, tăng cường giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quyền trẻ em, đăng thông tin xấu, độc hại trên các nền tảng mạng xã hội, gây ảnh hưởng đến tâm sinh lý và hành vi của trẻ em…
Kết luận tại hội thảo, ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban VHXH- HĐND TP cho biết, các nội dung thảo luận của các đại biểu đã làm rõ hơn hiện trạng xâm hại trẻ em, tình trạng trẻ hóa tội phạm trẻ em hiện nay trên địa bàn TP, vai trò của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, của các đoàn thể trong công tác bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em và tham gia giải quyết, hỗ trợ pháp lý các vụ việc xâm hại trẻ em trên địa bàn TP.
Bên cạnh đó, đã lên án mạnh mẽ các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em dưới nhiều hình thức; chỉ ra nguy cơ, các biểu hiện, dấu hiệu và những hậu quả nghiêm trọng mà trẻ em bị xâm hại có thể gặp phải. Ngoài ra, cũng đã đề xuất một số biện pháp mang tính thực tiễn góp phần hạn chế các hành vi bạo lực một cách thiết thực, tạo dựng môi trường lành mạnh để thực thi quyền trẻ em một cách hiệu quả.