Sáng 18-8, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) TP.HCM tổ chức khai mạc Đại lễ kỳ siêu các hương linh đồng bào tử vong, cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong đại dịch COVID-19. Được biết đại lễ sẽ diễn ra ba ngày 18,19,20-8 tại Việt Nam Quốc Tự.
Khai mạc Đại lễ kỳ siêu các hương linh đồng bào tử vong, cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong đại dịch COVID-19. Ảnh: THẢO PHƯƠNG |
Đại lễ kỳ siêu nhằm lan tỏa năng lượng từ bi của đạo Phật, tô đậm nét đẹp văn hóa đạo đức dân tộc, phát huy truyền thống “phụng đạo yêu nước - hộ quốc an dân” của Phật giáo Việt Nam.
Hơn 1.000 đại biểu tham dự đại lễ. Ảnh: THẢO PHƯƠNG |
Đại lễ kỳ siêu sẽ có các khóa lễ, thời tụng kinh cầu nguyện và pháp thoại hàng ngày,... Ảnh: THẢO PHƯƠNG |
Đại lễ kỳ siêu sẽ có các khóa lễ, thời tụng kinh cầu nguyện và pháp thoại hàng ngày. Chương trình còn trao 1.000 phần quà cho người có hoàn cảnh khó khăn ảnh hưởng bởi đại dịch.
Lãnh đạo TP tham dự Đại lễ. Ảnh: THẢO PHƯƠNG |
Phát biểu khai mạc, hòa thượng Thích Lệ Trang - trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM nói: “Đại lễ kỳ siêu là cơ hội để mọi người cùng ngồi lại dưới bóng Phật đạo, với chất liệu từ bi và trí tuệ để chuyển tải đến Pháp giới và tác động được những người không may qua đời trong đại dịch COVID-19.
Đồng thời tác động đến đồng bào các giới hãy bày tỏ lòng tri ân và tưởng niệm những người đã nằm xuống vì bình an của dân tộc Việt Nam, cho chúng ta có được cuộc sống tốt đẹp ngày hôm nay” - hòa thượng Thích Lệ Trang bày tỏ.
Bà Phan Kiều Thanh Hương - Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ TP chia sẻ: “Nhìn lại một năm đại dịch vừa qua, TP. HCM đã nhận được sự đồng thuận, đồng tâm của toàn thể nhân dân TP nói riêng và đồng bào cả nước nói chung để vượt qua khó khăn của đại dịch.
Trong những khó khăn đó, TP chúng ta có sự mất mát, hy sinh của đồng bào, cán bộ chiến sĩ tuyến đầu chống dịch. Tuy nhiên đến nay, TP đã vượt qua tất cả và đã thay đổi từ một màu tối thành sự hồi sinh”.
Bà Hương cũng bày tỏ sự tri ân những đóng góp tích cực của đồng bào, nhân dân cả nước, nhân dân TP. HCM, kiều bào ở nước ngoài, lực lượng tuyến đầu đã đồng cam cộng khổ vượt qua đại địch.
"Nhờ những đóng góp và cả những sự hy sinh ấy, để đến hôm nay, chúng ta có được sự phục hồi kinh tế, phát triển xã hội. Tại Đại lễ cầu siêu này, chúng ta cùng tưởng niệm tất cả nạn nhân COVID-19. Đặc biệt cùng nhau xoa dịu nỗi đau thương mất mát của những gia đình có người thân mất. Chúng ta hãy cùng nhau khép lại nỗi đau để hướng đến một cuộc sống mới” - bà Phan Kiều Thanh Hương bày tỏ.
Hòa thượng Thích Lệ Trang phát biểu khai mạc. Ảnh: THẢO PHƯƠNG |
Đến cầu siêu cho tất cả nạn nhân COVID cũng như cầu siêu cho người thân không may qua đời vì đại dịch, chị Huỳnh Thị Tuyết Minh chia sẻ: “Tôi mong vong linh đồng bào qua đời vì COVID, vong linh những y bác sĩ đã hy sinh trong đại dịch sẽ được siêu thoát”.
Chị Huỳnh Thị Tuyết Minh đến cầu siêu cho người thân không may qua đời vì đại dịch. Ảnh: THẢO PHƯƠNG |
Được biết gia đình chị Minh có năm chị em gái. Thời điểm dịch, người chị thứ ba của chị Minh bị nhiễm COVID. Lúc đó gia đình chủ quan vì chị gái còn khỏe mạnh, nghĩ “chắc không sao đâu”. Nhưng rất nhanh, khoảng chừng hai ngày, người chị đã có triệu chứng khó thở, không ăn uống được. Gia đình đưa chị vào bệnh viện tuyến trên, sau đó thì chị mất.
Đông đảo phật tử tham dự Đại lễ. Ảnh: THẢO PHƯƠNG |
“Lúc đó chúng tôi rất sốc vì mọi thứ đến quá nhanh, không kịp phản ứng. Đây là sự mất mát to lớn của gia đình tôi. Chúng tôi sẽ không bao giờ được gặp lại người chị thân thương nữa. Tôi nghĩ gia đình nào có người thân mất vì COVID cũng đều đau thương, chua xót. Vì thời điểm dịch bệnh cách ly, họ không được nhìn mặt người thân lần cuối.
Các phật tử thành kính cầu siêu cho vong linh nạn nhân COVID. Ảnh: THẢO PHƯƠNG |
Hôm nay mọi người có mặt ở đây để cầu siêu cho họ là một điều thiêng liêng, đáng trân quý. Hy vọng đại dịch chóng qua, tất cả chúng ta sẽ bình an, sẽ không còn gia đình nào phải chịu nỗi đau mất người thân vì đại dịch nữa” - chị Minh trải lòng.
Phật tử thành kính cầu siêu nạn nhân COVID. Ảnh: THẢO PHƯƠNG |