Còn nhiều thách thức trong việc bảo tồn voi ở Đắk Lắk

(PLO)- Mặc dù đã có những kế hoạch nhất định được đề ra nhưng số lượng voi vẫn giảm liên tục đặt ra nhiều thách thức đối với công tác bảo tồn voi.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo số liệu thống kê của Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk, những năm qua số lượng đàn voi hoang dã và cá thể voi nhà trên địa bàn tỉnh sụt giảm rất nhanh.

Số lượng voi liên tục giảm

Năm 1980, cơ quan chức năng ghi nhận có khoảng hơn 500 cá thể hoang dã thường xuyên xuất hiện ở các khu vực rừng như ở Buôn Đôn, Ea Súp, Ea H’leo, thì hiện nay số lượng chỉ còn khoảng 80-100 con.

Hiện Đắk Lắk chỉ còn khoảng 37 con voi nhà. Ảnh HT

Hiện Đắk Lắk chỉ còn khoảng 37 con voi nhà. Ảnh HT

Theo Trung tâm, nguyên nhân dẫn đến tình trạng voi hoang dã bị giảm mạnh về số lượng là do môi trường sống của voi hoang dã bị thu hẹp, chia cắt, voi thiếu thức ăn, bị dịch bệnh, cộng với nạn săn bắn của con người để lấy ngà, lông đuôi, da…

Đối với số lượng voi nhà cũng suy giảm nhanh chóng. Năm 1980, số lượng voi nhà từ hơn 400 con thì đến năm 2000 chỉ còn 96 con. Đến năm 2021, lượng voi chỉ còn khoảng 41 và đến nay còn lại 37 con (14 con tại huyện Lắk, một con tại huyện Krông Ana, số còn lại ở Buôn Đôn). Phần lớn lượng voi nhà giảm do nhiều voi lớn tuổi bị chết.

Đơn cử như, trong năm 2013, con voi cái 35 tuổi tên H’Plo được phát hiện chết trong khu rừng Yok Đôn; năm 2014 có ba con voi chết là voi Y Chum (62 tuổi, ở Lắk), voi Y Dor (42 tuổi) và voi H’Ya Li (62 tuổi, ở Buôn Đôn). Mới đây, trong năm 2021, con voi cái H’Non (hơn 60 tuổi) cũng đã chết vì quá lớn tuổi.

Như vậy, chỉ trong vòng vài chục năm qua, số lượng voi nhà đã giảm hơn 90%. Nguyên nhân được xác định là tuổi voi cao, bị khai thác sức phục vụ du lịch quá mức. Ngoài ra do voi thiếu thức ăn, kỹ thuật chăm sóc và trình độ nuôi dưỡng voi còn thô sơ, chỉ được chăm sóc chủ yếu theo kinh nghiệm của các chủ voi.

Hiện nay Đắk Lắk vẫn chưa chấm dứt việc cưỡi voi trong du lịch. Ảnh HT

Hiện nay Đắk Lắk vẫn chưa chấm dứt việc cưỡi voi trong du lịch. Ảnh HT

Hơn nữa, cũng trong khoảng thời gian trên, chưa từng có một con voi nhà nào sinh sản thành công. H’Ban Nang (38 tuổi, ở Lắk) là con voi nhà đầu tiên ở Đắk Lắk mang thai vào năm 2016. Đến khoảng tháng 10-2017 thì H’Ban Nang trở dạ để sinh con. Không may, voi con đã chết lưu trong bụng mẹ. Không chỉ H’Ban Nang, hai con voi khác là Bặc Khăm và voi Bắc On cũng mang một nỗi buồn tương tự trong năm 2019 và năm 2020.

Việc suốt hơn 30 năm không có voi nhà sinh sản thành công và voi chết dần dẫn đến việc voi nhà đứng trước nguy cơ có thể tuyệt chủng nếu không có những hướng đi mới để bảo tồn.

Còn nhiều thách thức

Ông Trần Xuân Phước, Giám đốc Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk, cho biết công việc bảo tồn voi là vấn đề được đặt ra trong thời gian khá lâu, nhưng thực hiện như thế nào để giữ được số voi hiện tại cũng là cả một vấn đề. “Đã có rất nhiều phương án được đưa ra liên quan đến công tác bảo tồn voi, nhiều hội thảo về việc này, nhưng như chúng ta thấy, để đạt được mục đích thì không dễ dàng gì” ông Phước nói.

Ông Trần Xuân Phước, Giám đốc Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk cho rằng việc bảo tồn voi hiện nay gặp một số khó khăn. Ảnh HT

Ông Trần Xuân Phước, Giám đốc Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk cho rằng việc bảo tồn voi hiện nay gặp một số khó khăn. Ảnh HT

“Trước đây cũng có ý kiến nhập voi cái từ quốc gia khác về để phối giống. Nhưng rồi quá trình đề xuất này kia gặp phải sự phản đối của nhiều cá nhân, tổ chức. Nên dừng! Họ phản đối vì cho rằng đi ngược lại tự nhiên, phá vỡ sinh cảnh tự nhiên của voi. Hơn nữa có sự nghiêm cấm nhập voi này nọ. Nhưng đây cũng chỉ là một phương án, không khả thi nên đã dừng”, ông Phước kể lại.

Cũng theo vị này, hiện có hai phương án khả dĩ để dần dần nâng cao công tác bảo tồn voi. Một trong đó là thực hiện theo Nghị quyết 11 của HĐND tỉnh Đắk Lắk được thông qua vào tháng 12-2021. Nghị quyết 11 đã bổ sung, sửa đổi một số quy định trong Nghị quyết 78/2012 về công tác bảo tồn voi. Trong Nghị quyết này có nhiều nội dung, trong đó có nội dung sẽ hỗ trợ kinh phí cho voi nhà sinh sản.

Việc voi chết và voi nhà không thể sinh sản dẫn đến số lượng voi ngày càng suy giảm. Ảnh TX

Việc voi chết và voi nhà không thể sinh sản dẫn đến số lượng voi ngày càng suy giảm. Ảnh TX

Theo đó, trong quá trình voi gặp gỡ, động dục, chủ voi cái được hỗ trợ 500.000 đồng/ngày, chủ voi đực 600.000 đồng/ngày, nài voi 200.000 đồng/ngày trong vòng 29 tháng đối với nài voi cái và 30 ngày đối với nài voi đực. Quá trình voi mang thai, sinh sản, chủ voi sẽ nhận trên 400 triệu đồng… Hiện nay Trung tâm, đang hoàn tất phương án báo cáo để xin chủ trương thực hiện.

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, cho biết đơn vị này đang xúc tiến thực hiện dự án hỗ trợ thực hiện chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi sang mô hình du lịch thân thiện với voi trên địa bàn tỉnh. Đây được coi là một biện pháp hữu hiệu, để ‘tháo xiềng’ cho voi.

Đến khoảng năm 2026, Đắk Lắk sẽ chấm dứt việc cưỡi voi, thay vào đó là du lịch thân thiện với voi. Ảnh HT

Đến khoảng năm 2026, Đắk Lắk sẽ chấm dứt việc cưỡi voi, thay vào đó là du lịch thân thiện với voi. Ảnh HT

Cũng theo vị này, mới đây, Tổ chức động vật châu Á (AAF) đã cam kết tài trợ hơn 2,2 triệu USD để thực hiện dự án, thời gian thực hiện từ năm 2022 đến 2026. Mục tiêu của dự án là triển khai mô hình hoạt động du lịch thân thiện với voi toàn tỉnh, chấm dứt các hoạt động du lịch cưỡi voi. Đồng thời qua đây cũng nhằm triển khai nâng cao phúc lợi cho các cá thể voi nhà, duy trì, bảo tồn quần thể voi nhà tại Đắk Lắk.

“Vừa rồi cơ quan ban ngành đã trình kế hoạch dự án này lên UBND tỉnh Đắk Lắk. Tuy nhiên do cần bổ sung một số chi tiết nên sắp tới sẽ trình lên để UBND tỉnh phê duyệt, chỉ đạo thực hiện. Đây là bước đầu để giải phóng voi khỏi sự bóc lột sức lao động, sau đó chúng ta có thể hi vọng voi sẽ “yêu” và sẽ “đẻ”. ”- ông Phước nói.

Mặc dù phương án là vậy, cố gắng của ngành chức năng là vậy, tuy nhiên theo ghi nhận của PV thì hiện nay việc cấm cưỡi voi vẫn chưa được tiến hành. Tại Khu du lịch Buôn Đôn, nhiều du khách vẫn có thể bỏ tiền ra để cưỡi voi băng qua dòng nước. Nhìn những con voi cõng hai-ba khách trên lưng băng qua dòng nước không khiến nhiều người xót xa!

Hy vọng, những phương án mà ông Giám đốc Trung tâm bảo tồn voi nói ở trên sẽ sớm đi vào thực tế, để khi du khách đến với Đắk Lắk sẽ quen dần với một mô hình du lịch voi thân thiện gắn liền với những nét văn hóa của Tây Nguyên đại ngàn. Bởi bên cạnh cưỡi voi, chúng ta có thể chọn lựa việc ngắm voi, chụp ảnh với voi và mua sắm những kỷ vật Tây Nguyên chẳng phải cũng thú vị hơn sao!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm