Hồ Sĩ Nam Trung bị Công an quận 2 bắt về tội cướp tài sản vào ngày 12-8. Ảnh: TS
Theo vợ chồng ông Bùi Đoàn Ngọc Tuấn (cùng ngụ quận Tân Bình), từ tháng 4 đến tháng 7-2017, Trung đã vay của vợ chồng ông gần 2 tỉ đồng để đầu tư mua căn hộ tại quận 2.
Tất cả những lần vay đều được viết giấy tay, ghi thời hạn trả nhưng đến hạn Trung không thanh toán.
Giấy nợ các lần vay giữa Trung và gia đình ông Tuấn. Ảnh: TS
Theo ông Tuấn, ngày 16-8, Trung cho biết đã gửi trước 1,5 tỉ đồng qua tài khoản, số tiền còn lại sẽ trả trong vài ngày tới. Trung còn đưa bà Phượng xem bản chụp điện tử thông tin chuyển khoản. Tin tưởng nên bà Phượng đã đưa giấy tờ vay mượn được xác lập có dấu vân tay lại cho Trung.
Tuy nhiên, tiền không chuyển vào tài khoản, vợ chồng ông Tuấn đã nhiều lần liên lạc với Trung nhưng không được. Lên ngân hàng thắc mắc thì mới biết không có giao dịch nào, mà đó chỉ là giao dịch giữa người chuyển tiền với Trung, số tiền chỉ 100 triệu đồng.
Trước diễn biến trên, vợ chồng ông Tuấn đã làm đơn cầu cứu đến cơ quan chức năng và được hướng dẫn khởi kiện tại tòa án.
Trong lúc gia đình ông Tuấn đang làm các thủ tục để đòi nợ thì Trung và em trai bị Công an quận 2 bắt giữ về tội cướp tài sản, khiến gia đình ông Tuấn như ngồi trên đống lửa vì sợ không đòi được tiền.
Về trường hợp trên, luật sư Trần Thị Hải Anh, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai, cho hay: Đây là giao dịch dân sự. Nếu không được bị can, bị cáo ủy quyền cho người khác thực hiện thay nghĩa vụ trả nợ thì chủ nợ có khả năng lấy lại tiền khi người có hành vi phạm tội thực hiện xong hình phạt tù (nếu có).
"Chủ nợ còn có quyền kiện ra tòa án để đòi nợ kể cả khi con nợ đang chấp hành hình phạt tù. Khi bản án có hiệu lực, chủ nợ có quyền yêu cầu thi hành án bằng cách kê biên tài sản của con nợ để thu hồi tiền đã cho vay” - luật sư Hải Anh tư vấn.