‘Còn tiêu cực trong xử lý vi phạm giao thông đường bộ’

(PLO)- Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá công tác xử lý vi phạm chưa đạt được mục tiêu ‘mọi vi phạm đều phải được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh’.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 25-9, tiếp tục phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến với báo cáo Kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023”.

Đáng chú ý, liên quan đến bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ, báo cáo của Đoàn giám sát đánh giá công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của lực lượng chức năng đạt kết quả cao.

Còn hiện tượng đối phó, thậm chí chống đối người thi hành công vụ

Lực lượng chức năng đã tập trung ra quân xử lý kiên quyết các hành vi vi phạm, trọng tâm là vi phạm nồng độ cồn, ma túy; chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn, “cơi nới” thùng xe, chở quá số người quy định, xe hết hạn kiểm định, quá niên hạn sử dụng; vi phạm tốc độ, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; sử dụng các loại giấy tờ không do cơ quan có thẩm quyền cấp (giấy tờ giả) liên quan đến người điều khiển, phương tiện và học sinh vi phạm TTATGT.

Đặc biệt, tình hình TTATGT đường bộ được Đoàn giám sát đánh giá “có những chuyển biến tích cực”, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT đường bộ của người tham gia giao thông được nâng cao. Qua đó, số vụ, số người chết và số người bị thương do TNGT tiếp tục giảm, đặc biệt là số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến rượu, bia, xe khách, xe tải được kiềm chế.

toan-canh-phien-hop.jpg
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến với báo cáo Kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023”. Ảnh: PHẠM THẮNG

Tuy nhiên, Đoàn giám sát cũng chỉ rõ kết quả kiềm chế và làm giảm tai nạn giao thông chưa vững chắc, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông vẫn còn ở mức cao; tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng vẫn xảy ra và còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gia tăng.

Cũng theo Đoàn giám sát, ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn diễn ra thường xuyên vào giờ cao điểm; trên các tuyến quốc lộ trọng điểm, các tuyến cao tốc, tuyến cửa ngõ vào Hà Nội và TP.HCM, tình trạng ùn tắc giao thông diễn ra thường xuyên vào những ngày nghỉ lễ, nghỉ cuối tuần.

Các hành vi vi phạm về TTATGT đường bộ vẫn diễn ra phổ biến, người tham gia giao thông chưa thực sự tự giác, còn hiện tượng đối phó, thậm chí chống đối người thi hành công vụ.

“Công tác xử lý vi phạm chưa đạt được mục tiêu ‘mọi vi phạm đều phải được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh’ theo quy định của Luật Giao thông đường bộ và Luật Xử lý vi phạm hành chính; vẫn còn hiện tượng tiêu cực trong hoạt động xử lý vi phạm về TTATGT đường bộ”- Đoàn giám sát nhận định.

Không có cảnh sát giao thông là sẵn sàng vượt đèn đỏ, đi ngược chiều…

Nêu ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đồng ý với các kết quả đạt được trong đảm bảo trật tự an toàn giao thông thời gian qua ở cả 5 lĩnh vực: đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không, hàng hải.

Theo bà, những kết quả này đã đóng góp vào sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước thời gian qua.

Chu-nhiem-Uy-ban-Tu-phap-Le-Thi-Nga25-9.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga. Ảnh: PHẠM THẮNG

Đồng tình với những đánh giá về hạn chế, bất cập nêu trong báo cáo, tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị Đoàn giám sát cần thẳng thắn nhìn nhận trong đảm bảo trật tự an toàn giao thông thời gian qua có những tiêu cực gì.

Chẳng hạn, tiêu cực của cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, tiêu cực trong lĩnh vực đăng kiểm, thi bằng lái, sát hạch…

“Chúng tôi thấy Bộ Công an đã có nhiều cố gắng nhưng đến nay các tiêu cực đó còn tồn tại khá nhiều. Thực tế vừa qua cho thấy những tiêu cực này đã ảnh hưởng đến tình hình đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Tôi đề nghị đoàn giám sát phải trả lời câu hỏi đó. Chúng ta đánh giá cao thành tích đạt được, nhưng tiêu cực cũng cần đề cập rõ. Đặc biệt, trong đảm bảo TTATGT đường bộ, người dân phát hiện có rất nhiều tiêu cực”- bà Lê Thị Nga nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị Đoàn giám sát “đánh giá sâu về mảng này” để đảm bảo sau giám sát, những hạn chế đó được khắc phục.

Cũng theo bà Lê Thị Nga, một trong những nguyên nhân gây mất trật tự an toàn giao thông, tai nạn giao thông là do ý thức của người tham gia giao thông.

“Chúng tôi đã nhiều lần so sánh, cũng là con người đấy đi ra nước ngoài chấp hành rất tốt quy định về TTATGT nhưng khi về Việt Nam thì vượt đèn đỏ, các vi phạm rất nhiều. Điều này chứng tỏ luật của chúng ta chưa được thực hiện nghiêm nên chưa góp phần rèn giũa được ý thức của người tham gia giao thông”- bà Lê Thị Nga nói.

Từ đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị xem xét lại nhận định tại báo cáo giám sát: "...Nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT đường bộ của người tham gia giao thông được nâng cao".

“Một bộ phận không nhỏ hay vi phạm mà chúng ta đánh giá ý thức của người tham gia giao thông được nâng cao thì cần xem xét lại nhận định này”- vẫn lời bà Nga.

‘Còn tiêu cực trong xử lý vi phạm giao thông đường bộ’
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: PHẠM THẮNG

Cũng bàn về ý thức tham gia giao thông của người dân, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhận xét: "Khi có cảnh sát giao thông đứng ở chốt, trạm thì chấp hành nghiêm nhưng không có cảnh sát giao thông đứng đó thì sẵn sàng vượt đèn đỏ, đi vào đường ngược chiều, đường cấm ngay. Thậm chí, ngay cả đường cao tốc vẫn có trường hợp dừng đỗ, đi lùi, đi ngược chiều".

Ông Vũ Hồng Thanh đặt vấn đề có phải do chế tài còn nhẹ hay không? Hay do lực lượng chức năng tổ chức thực hiện chế tài không nghiêm?...

"Trong báo cáo cũng nói còn tiêu cực trong một bộ phận lực lượng thực thi nhiệm vụ. Rồi còn có câu chuyện gọi điện thoại trợ giúp (khi vi phạm giao thông), chỗ này phải xem thế nào và xử lý nghiêm. Khi kỷ luật, kỷ cương được chấp hành nghiêm túc thì trật tự an toàn giao thông sẽ tốt hơn"- Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm