Bổ sung nhiều điểm mới trong Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ

(PLO)- Bộ Công an bổ sung thêm nhiều quy định như nghĩa vụ của người đấu giá biển số xe, nâng hạng bằng lái xe, nghiêm cấm việc lái xe không có bằng lái... 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ Công an tiếp tục điều chỉnh, bổ sung Dự thảo Luật trật tự, an toàn giao thông đường bộ (ATGTĐB) để tiếp tục trình Quốc hội khoá XV xem xét.

Đồng thời, trên cơ sở ý kiến tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách, ý kiến của các đoàn đại biểu Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội, các bộ, cơ quan có liên quan, Bộ cùng một số đơn vị được giao đã nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo.

Theo Bộ Công an, Dự thảo Luật chỉnh sửa có 89 điều và 9 chương. So với dự thảo Luật bản xin ý kiến các đại biểu Quốc hội chuyên trách dự thảo Luật được chỉnh lý tăng thêm 1 Điều.

Siết đấu giá biển số xe nhưng không nộp đủ tiền

Trong dự thảo lần này, quy định về đấu giá biển số xe, bỏ nội dung: “Căn cứ điều kiện kinh tế xã hội trong từng thời kỳ, Chính phủ quyết định cụ thể giá khởi điểm của loại biển số xe đưa ra đấu giá”. Lý do tại khoản 11 đã nêu giao Chính phủ quy định chi tiết.

Đồng thời, cũng bỏ quy định về bước giá, hình thức đấu giá, thay vào đó bổ sung nội dung giao Chính phủ quy định về các nội dung này.

Bộ Công an
Bộ Công an bổ sung quy định về nghĩa vụ của người đấu giá biển số xe. Ảnh: MXH

“Khi hết thời hạn đăng ký tham gia mà chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, hoặc có nhiều người đăng ký tham gia đấu giá nhưng chỉ có một người tham gia đấu giá. Hoặc có nhiều người tham gia đấu giá nhưng chỉ có một người trả giá ít nhất bằng giá khởi điểm của một biển số xe đưa ra đấu giá thì người đó được xác định là người trúng đấu giá biển số xe”- Bộ Công an chỉnh lý, làm rõ hơn quy định này tại khoản 4.

Về nghĩa vụ của người trúng đấu giá biển số xe, Bộ cũng chỉnh lý, bổ sung: “Nộp đủ số tiền trúng đấu giá trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có thông báo kết quả trúng đấu giá; tiền trúng đấu giá không bao gồm lệ phí đăng ký, cấp biển số xe.

Sau thời hạn quy định, người trúng đấu giá biển số xe không nộp hoặc nộp không đủ tiền trúng đấu giá thì biển số xe trúng đấu giá được đấu giá lại hoặc chuyển vào hệ thống đăng ký, quản lý xe và người trúng đấu giá không được hoàn trả số tiền đặt trước, không được hoàn trả số tiền đã nộp, không được tham gia đấu giá biển số xe trong thời gian một năm”.

Nâng hạng bằng lái khó hơn

Dự thảo Luật Trật tự ATGTĐB quy định điểm bằng lái xe và phân loại lại các hạng giấy phép lái xe (GPLX) được nhiều người quan tâm. Trong Dự thảo lần này, Bộ Công an vẫn giữ nguyên các quy định về điểm và 15 hạng GPLX tại Điều 57 và 58. Trong đó, bổ sung nội dung giao Chính phủ quy định lộ trình thực hiện về điểm, trừ điểm GPLX (khoản 6 Điều 58).

CSGT-15.jpg
Nếu Dự thảo Luật Trật tự ATGTĐB được thông qua, người nâng hạng GPLX sẽ khó khăn hơn trước. Ảnh: NGUYỄN YÊN

Trong công tác đào tạo lái xe (Điều 60), Bộ chỉnh lý, bổ sung khoản 4 gồm các nội dung: “Người có nhu cầu được đào tạo nâng hạng GPLX phải có GPLX đang còn hiệu lực và, có đủ thời gian lái xe an toàn quy định cho từng hạng GPLX, không gây tai nạn giao thông đường bộ, không bị tước GPLX và không bị trừ hết điểm GPLX trong thời gian 12 tháng tính đến ngày nâng hạng.

“Người có nhu cầu được đào tạo nâng hạng GPLX lên hạng D1, D2, D tối thiểu phải có trình độ từ trung học cơ sở”- Bộ Công an bổ sung quy định này trong đào tạo lái xe.

Theo đó, quy định hình thức, nội dung, chương trình đào tạo lái xe, thời gian lái xe an toàn cho từng hạng GPLX; quy định tiêu chuẩn của cơ sở đào tạo lái xe mô tô sẽ do Bộ trưởng GTVT ban hành. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định về cơ sở đào tạo, tổ chức đào tạo lái xe cho lực lượng quân đội, công an làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

Đã làm rõ định nghĩa về ùn tắc giao thông

Tại đợt góp ý Dự thảo Luật Trật tự ATGTĐB do Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức vào đầu tháng 4 vừa qua, Thượng tá Đoàn Văn Quới - Phó trưởng Phòng CSGT, Công an TP.HCM từng đề xuất xem xét lại định nghĩa "ùn tắc giao thông đường bộ".

Theo đó, Dự thảo mới nhất, Bộ Công an đã tiếp thu và bổ sung định nghĩa về ùn tắc giao thông đường bộ được quy định tại khoản 9 Điều 3. Dự thảo quy định: Ùn tắc giao thông đường bộ (sau đây gọi là ùn tắc giao thông) là tình trạng người, phương tiện tham gia giao thông bị dồn ứ, di chuyển với tốc độ rất chậm hoặc không thể di chuyển được.

Đáng chú ý, trong Dự thảo lần này, Bộ Công an chỉnh lý hành vi điều khiển xe mà không có GPLX là hành vi nghiêm cấm tại khoản 1 Điều 10 (trước đó là khoản 3). Theo đó, Bộ quy định nghiêm cấm điều khiển xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ không có GPLX theo quy định; điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ không có GPLX hoặc chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ, bằng hoặc chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng.

Đồng thời, quy định hành vi cấm sử dụng quyền của xe ưu tiên khi không thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật; lắp đặt, sử dụng còi, đèn xe ưu tiên không đúng quy định (khoản 24).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm