Cồn Tùng Lâm lại xả thải ra môi trường

Đầu tháng 4-2013, từ phản ánh của bạn đọc, PV Pháp Luật TP.HCM đã tiếp cận Nhà máy cồn Tùng Lâm nằm giáp ranh giữa hai tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận.

Ống xả trên ngọn đồi

Công ty TNHH MTV Nhà máy sản xuất cồn Tùng Lâm (Xuân Hòa, Xuân Lộc, Đồng Nai) hoạt động từ năm 2008 với công suất thiết kế là 72 triệu lít cồn/năm. 

Vượt qua ngọn đồi dày đặc rừng bạch đàn bên phải cổng nhà máy chỉ vài trăm mét đã nghe mùi tanh lợm giọng. Từ xa nước thải vàng khè chảy ào ạt thành dòng rồi đọng thành nhiều vũng lớn nổi váng xanh lè. Ngược theo dòng chảy, chúng tôi phát hiện một ống mềm màu xanh to đùng như một con trăn dài khoảng nửa cây số được dẫn từ nhà máy ra và được chôn ngầm dưới con lộ đất đỏ cặp bên hông nhà máy.

Một người dân địa phương tự nguyện dẫn đường cho biết hệ thống ống xả thải này chỉ mới được lắp đặt vài tháng nay. Trong khi đó phía bên trái cổng nhà máy, một hệ thống xả thải khác được dẫn theo đường máng bê tông xả công khai hằng ngày đã biến một con mương nhỏ trở thành… dòng sông! Thật vậy, nước thải xả vô tội vạ với lưu lượng lớn làm ngập với chiều dài non cây số, có hôm nước thải còn tràn ngập luôn cả con lộ dẫn vào nhà máy. Một số nhà cửa, hàng quán trước nhà máy cũng bị nước thải xâm lấn khiến mọi người phải bỏ của chạy lấy người. Công bằng mà nói hệ thống nước thải từ máng bê tông không có mùi hôi nồng nặc như nước thải từ ống ngầm bí mật trên ngọn đồi bạch đàn. Tuy nhiên, nước ở đây cũng có màu vàng sậm, nghe thoáng mùi cồn công nghiệp.

 
Nước thải vàng sậm chảy từ ống xả thải cặp bên hông nhà máy chôn dưới con lộ vào đồi bạch đàn. Ảnh: PN

“Lý lịch đen”

Với nguyên liệu đầu vào khoảng 500 tấn sắn mỗi ngày, Công ty cồn Tùng Lâm phải dùng tới 6.000 m3 nước lấy từ sông Giêng.

Sau khi nhà máy này đi vào hoạt động, cá trên sông Giêng chảy qua huyện Hàm Tân, Bình Thuận bỗng dưng chết trắng sông; người dân tắm bằng nước sông thì bị ngứa ngáy, ghẻ lở. Nó còn ảnh hưởng trực tiếp đến hàng chục ngàn người dân do đây là nguồn nước chính dẫn về Nhà máy nước thị xã La Gi (Bình Thuận).

Đầu năm 2012, Thanh tra Bộ TN&MT phối hợp với các cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận đã kiểm tra. Đoàn phát hiện một ống nhựa loại lớn chôn dưới đáy sông, được lắp xuyên qua chân đập cạnh Nhà máy cồn Tùng Lâm và đã huy động máy xúc phá dỡ đường ống.

 
Xả thải vô tội vạ với lưu lượng lớn đã biến con mương nhỏ thành một dòng sông gây ngập lụt khắp nơi. Ảnh: PN

Do sản xuất ở Đồng Nai nhưng việc xả thải lại gây hậu quả ở Bình Thuận nên UBND hai tỉnh này cùng Bộ TN&MT, Cục Cảnh sát môi trường (C49) đã vào cuộc. Theo kết luận thanh tra của Bộ TN&MT, công ty này đã có các vi phạm như không niêm yết công khai bản tóm tắt báo cáo đánh giá tác động môi trường; xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải; phân loại chất thải nguy hại chưa triệt để, kho chứa chất thải nguy hại nhỏ chưa đảm bảo an toàn; một số thời điểm nước thải có một số thông số ô nhiễm đặc trưng vượt ngưỡng cho phép 2,1-2,4 lần; có nhiều đường ống nước cấp, nước thải dẫn đi và về được đặt trên cùng một tuyến đường rất khó phân biệt, đặc biệt có một số đoạn nổi và chìm dưới mặt đất rất khó kiểm soát… 
Sau khi bị xử phạt về hành vi xả trộm chất thải, công ty này đã xây dựng và vận hành hệ thống xử lý nước thải. Qua kiểm tra cho thấy công ty này có cố gắng trong khắc phục sai sót, một số chỉ số chất thải đã đạt theo quy định nhưng các chỉ số khác vẫn còn rất cao.

Ngày 3-4, trao đổi với PV, ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc (Đồng Nai), cho biết sẽ cử Phòng TN&MT kiểm tra ngay đường ống xả thải vào ngọn đồi bạch đàn mà Pháp Luật TP.HCM phát hiện để làm rõ và có thông tin khi có kết quả kiểm tra, xử lý. Cùng ngày, ông Lê Hùng Việt, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bình Thuận, cho biết sẽ phối hợp với Đồng Nai giám sát chặt chẽ việc xả thải ra sông Giêng.

PHƯƠNG NAM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới