Thời gian gần đây, tình trạng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng vẫn tiếp tục diễn ra với nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp, trong đó có thủ đoạn mời gọi người dân tham gia hoạt động đầu tư chứng khoán.
Theo đó, các đối tượng lừa đảo gọi điện thoại cho người dân, giả danh nhân viên công ty chứng khoán có tên tuổi nhằm mời chào người dân tham gia các hội, nhóm, khóa học đầu tư chứng khoán. Khi người dân đồng ý sẽ kết bạn qua Zalo để trao đổi.
Các đối tượng này hướng dẫn người dân truy cập vào các đường link dẫn trang thông tin hoặc cài đặt các ứng dụng trên thiết bị di động mà chúng cung cấp. Thường các đường link, ứng dụng có tên giống với tên một số công ty chứng khoán, quỹ đầu tư có danh tiếng.
Sau đó, chúng tiếp tục lôi kéo người dân tham gia vào các nhóm đầu tư trực tuyến và giải thích các nhóm này được lập bởi các quỹ đầu tư tài chính có tên tuổi, hợp pháp. Chúng giới thiệu các quỹ này đang triển khai hợp tác với công ty chứng khoán nên có ưu đãi cao, có lời nhiều, kèm theo các giấy tờ pháp lý của quỹ đầu tư như: Giấy chứng nhận thành lập, Giấy phép kinh doanh hoạt động, Giấy chứng nhận của ngân hàng giám sát,...
Kèm theo đó chúng sẽ đưa tài khoản ngân hàng nhận tiền cũng mang tên tài khoản công ty và hứa hẹn với người dân đầu tư lãi suất cao.
Chúng cũng cam kết nếu đầu tư thua lỗ thì các quỹ đầu tư sẽ bù thiệt hại và giá mua các mã cổ phiếu thông qua kênh của quỹ đầu tư sẽ ưu đãi thấp hơn từ 15 - 30% so với giá đang giao dịch trên các sàn chứng khoán.
Trong vài phiên giao dịch đầu tiên, các đối tượng lừa đảo tạo các giao dịch ảo trên các trang thông tin điện tử và ứng dụng mà chúng cung cấp từ trước, khiến cho tài khoản của nạn nhân liên tục có lợi nhuận thậm chí gấp nhiều lần số tiền đã nạp vào tài khoản.
Khi nạn nhân muốn rút tiền, các đối tượng sẽ đưa ra các lý do như: sai nội dung nên hệ thống chưa ghi nhận được, nộp các khoản thuế, phí để rút tiền... nhằm dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc nạn nhân chuyển thêm tiền vào tài khoản của chúng.
Khi nạn nhân không còn khả năng chuyển tiền, các đối tượng sẽ vô hiệu hóa tài khoản của nạn nhân hoặc khiến cho tài khoản của nạn nhân không đăng nhập được nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
Khi nạn nhân phát hiện bị lừa đảo, các đối tượng lừa đảo xóa tài khoản của nạn nhân khỏi các hội nhóm và chặn liên lạc.
Để phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh xử lý các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, Công an quận Bình Tân cảnh báo đến người dân, đề cao cảnh giác, không để bị lừa. Đồng thời, khi gặp phải trường hợp như trên phải nhanh chóng thông tin, tố giác với cơ quan công an gần nhất để điều tra, xử lý theo quy định.
Hoặc nhắn tin, gọi điện trực tiếp đến tổng đài tiếp nhận thông tin về tin nhắn rác, cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo.
Liên hệ Công an quận Bình Tân, địa chỉ 1114, Quốc lộ 1, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TP.HCM. Số điện thoại 028.37560.128; Đội CSĐTTP về TTXH qua số điện thoại: 028.3756.0136.
Liên hệ tổng đài tiếp nhận thông tin tin nhắn rác, cuộc gọi rác, lừa đảo:
- Gửi tin nhắn (miễn phí) tới đầu số 156.
Với tin nhắn rác soạn: S (Số điện thoại - nguồn phát tán) (nội dung phản ánh) gửi 156 (hoặc 5656).
Với cuộc gọi có dấu hiệu cuộc gọi rác soạn: V (Số điện thoại - nguồn phát tán) (nội dung phản ánh) gửi 156 (hoặc 5656).
Với cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo soạn: LD (Số điện thoại - nguồn phát tán) (nội dung phản ảnh) gửi 156 (hoặc 5656).
- Gọi tới đầu số 156 (miễn phí) để cung cấp thông tin (về số điện thoại vừa thực hiện cuộc gọi có dấu hiệu thực hiện cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, trích dẫn một số nội dung có liên quan;...) theo hướng dẫn của bộ phận chăm sóc khách hàng của các nhà mạng.