‘Công an chặn người chạy xe ngược chiều là đúng’

Ngày 18-7, trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn clip ghi lại cảnh một cán bộ CSGT chạy từ vỉa hè ra gần dải phân cách giữa hai làn đường để chặn bắt một chiếc xe máy đi ngược chiều. Clip cho thấy CSGT lao ra đứng chặn nhưng xe máy trên chạy vụt qua nên anh này đã giơ chân “đạp” ngã người vi phạm. Người trong clip là Trung úy Nguyễn Hoàng Anh, Đội CSGT số 3, Công an TP Hà Nội.

Đã ra hiệu lệnh dừng xe nhưng không tuân thủ

Chiều 20-7, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT (PC67), Công an TP Hà Nội, cho rằng việc CSGT ngăn chặn hành vi đi xe ngược chiều và không đội mũ bảo hiểm của người đi xe máy trong clip là đúng.

Theo đó, tại thời điểm xảy ra sự việc, lực lượng CSGT Đội 3 phát hiện Nguyễn Văn Tuấn (20 tuổi, trú Tam Dương, Vĩnh Phúc) điều khiển xe máy chở theo một phụ nữ vào đường cấm đi ngược chiều. Lực lượng CSGT đã ra hiệu lệnh yêu cầu dừng xe nhưng Tuấn không tuân thủ mà tiếp tục lạng lách chạy ngược chiều vào phần đường dành cho ô tô. Lúc này, từ vị trí tuần tra kiểm soát, Trung úy Nguyễn Hoàng Anh đã băng ra đường để chặn xe lại nhưng tài xế đã điều khiển xe nhằm đâm vào CSGT và tìm hướng bỏ chạy.

“Trước khi Trung úy Hoàng Anh tiếp cận thì đối tượng vi phạm đã được yêu cầu dừng xe nhưng không chấp hành, do đó Trung úy Hoàng Anh đã giơ chân lên theo hướng xe chạy nhưng không phải để đạp vào đối tượng. Người lái xe đánh tay lái để tránh CSGT thì bị va quẹt vào dải phân cách và ngã văng ra khỏi xe” - Đại tá Thắng nói.

Ngay sau đó, cán bộ CSGT Đội 3 chạy tới để kiểm tra, do cả hai người vi phạm không bị thương, xe bị xây xát nhẹ nên đã được đưa về chốt để lập biên bản xử lý.

Trả lời câu hỏi trong trường hợp hai người vi phạm do té ngã dẫn tới tai nạn nghiêm trọng, cán bộ CSGT trong clip sẽ bị xử lý như thế nào, trưởng phòng PC67 Hà Nội khẳng định đây là hành động ngăn chặn xe vi phạm đi ngược chiều gây nguy hiểm cho người khác, nếu sơ suất đến mức độ gây thương tích, hành xử vượt thẩm quyền gây hậu quả cho người vi phạm thì phải chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra làm rõ theo quy định pháp luật.

“Đối với trường hợp đối tượng vi phạm là cướp hoặc gây tai nạn bỏ chạy thì CSGT bằng mọi giá phải bắt được người vi phạm, trấn áp tội phạm nhằm bảo vệ người tham gia giao thông” - Đại tá Thắng nói.

Theo Đại tá Thắng, hiện PC67 Hà Nội đã cử cán bộ kiểm tra, xác minh, làm rõ vụ việc. Trung úy Hoàng Anh tạm thời được chuyển sang làm nhiệm vụ hành chính, trực ban tại đơn vị Đội CSGT số 3, không bố trí làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát.

CSGT lao ra chặn đường. (Ảnh cắt từ clip)

Và giơ chân. (Ảnh cắt từ clip)

Chỉ là bật nhảy?

Trung úy Nguyễn Hoàng Anh, Đội CSGT số 3, người thực hiện cú giơ chân trong đoạn clip thì cho biết khoảng 16 giờ 40 ngày 18-7, tại khu vực đường Xã Đàn (Đống Đa, Hà Nội), phát hiện một thanh niên xăm trổ, không đội mũ nên lực lượng CSGT yêu cầu dừng xe kiểm tra. Tại thời điểm này, lái xe không xuất trình được giấy tờ, sau đó lực lượng phát hiện thêm ba túi bột màu trắng nghi là ma túy tổng hợp nên đã bàn giao cho Công an phường Nam Đồng.

Tiếp đó khoảng 17 giờ, cũng tại khu vực này, đội phát hiện Nguyễn Văn Tuấn chở theo một phụ nữ, không đội mũ bảo hiểm và đi vào đường ngược chiều. Tuy nhiên, khi công an ra hiệu lệnh dừng xe, thanh niên này không những không chấp hành mà còn tăng ga lao thẳng về phía CSGT. “Trước tình thế nguy hiểm trên, tôi đã giơ chân, bật nhảy” - Trung úy Hoàng Anh nói.

Trung úy Hoàng Anh cho biết Tuấn là người hành nghề xe ôm, chuyên chở các cô gái phục vụ cho các quán karaoke trên địa bàn.

Theo Trung tá Lê Tú, Đội trưởng Đội CSGT số 3, cả hai người trên xe máy vi phạm đều không bị thương nặng. Người lái xe đã có nhiều vi phạm như không đội mũ bảo hiểm, không có giấy đăng ký xe, không có giấy phép lái xe, điều khiển xe đi vào đường ngược chiều, không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của CSGT, do đó đã bị xử phạt gần 2 triệu đồng.

Đội trưởng Đội CSGT số 3 cũng khẳng định việc ngăn chặn người vi phạm như trên là cần thiết vì khi người vi phạm bỏ chạy vào đường ngược chiều gây nguy hiểm cho người dân đi đường.

Ba quan điểm

“Nếu không giơ chân đạp thì làm gì? Đi ngược chiều, không nón mũ, phóng như ăn cướp, không đạp cho nó té để nó chạy luôn lỡ đụng người đi đúng chiều không chết cũng bị thương thì sao?”, “Hành vi của CSGT là phản cảm”… Đã có các luồng quan điểm khác nhau về hành vi của Trung úy Nguyễn Hoàng Anh.

Bạn đọc Đỗ Bình (binhmc…@gmail.com) nhận định:  “Việc làm của anh CSGT là một phản xạ đối với một sự việc xảy ra quá nhanh cần phải ngăn chặn ngay. Xem xong clip CSGT giơ chân khiến người tham gia giao thông bị ngã tôi thấy trước khi anh CSGT giơ chân lên thì đã có những động tác nhằm ra hiệu cho người đi xe máy vi phạm phải dừng lại. Song người này không những không dừng lại mà còn cố tình phóng xe qua. Đấy là biểu hiện coi thường pháp luật có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho người tham gia giao thông khác, cần phải phạt thật nặng”.

Ngược lại, bạn Nguyễn Đào Tuyết Như (ĐH Văn Lang TP.HCM) cho rằng CSGT đạp xe vi phạm là sai. “Tôi hoàn toàn không đồng tình với việc làm của CSGT. Luật Giao thông đường bộ được ban hành cốt lõi là để nâng cao an toàn xã hội, bảo vệ an toàn cho người dân tham gia giao thông. CSGT là người có nghĩa vụ và trách nhiệm bảo vệ sự an toàn nói trên. Người dân vi phạm giao thông thì có nguy cơ dẫn đến tai nạn, còn CSGT “đạp” người là hành vi trực tiếp gây tai nạn cho họ. Hành vi của CSGT là đi ngược lại với tôn chỉ của ngành, sự kỳ vọng của người dân. Bản thân công an nếu muốn người ta thực hiện tốt thì mình phải làm đúng trước đã. Việc nghiêm khắc xử lý không có nghĩa là phải bất chấp”.

Độc giả Lưu Mỹ Thúy (Long Đức, Trà Vinh) lại cho rằng mỗi sự việc đều có nhiều góc nhìn khác nhau. Khi thấy cảnh tượng hai thanh niên không đội mũ bảo hiểm, chạy ngược chiều và phóng nhanh trên đường, mọi người đều thấy sự nguy hiểm, nguy cơ đe dọa tính mạng người đi đường. “Trong tích tắc, người CSGT không làm chủ được mình nên đã “tung cước”. Tôi không ủng hộ hành động của công an này. Mỗi công việc đều có áp lực riêng nhưng cần phải tỉnh táo và hành động đúng trong mọi trường hợp thì mới đạt kết quả cao. Sao không hình dung sau hành động của mình thì chuyện gì sẽ xảy ra với hai thanh niên trên? Tuy vậy cũng phải xử lý thật nghiêm khắc đối với hai thanh niên trên. Họ phải biết yêu quý mạng sống của cá nhân mình và coi trọng tính mạng của người khác”. 

ÁI NHÂN ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm