Công an hướng dẫn 4 cách giải quyết khi nhận cuộc gọi lừa đảo "con bị tai nạn"

(PLO)- Công an TP.HCM tuyên truyền, khuyến cáo người dân cảnh giác trước việc các đối tượng mạo danh lừa đảo gọi điện, nhắn tin thông báo "người thân, học sinh bị tai nạn".
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong thời gian gần đây, TP.HCM liên tục xảy ra tình trạng các đối tượng lợi dụng mạng viễn thông gọi điện cho người thân, phụ huynh học sinh thông báo người thân, con em trong gia đình bị tai nạn đang cấp cứu hoặc nằm viện để chuyển tiền nhằm chiếm đoạt tài sản.

Đã có không ít người thân, phụ huynh học sinh bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản lên tới vài trăm triệu đồng.

Vụ điển hình gần đây

Vào ngày 3-3, Phụ huynh MT có con đang học tại trường tiểu học Nguyễn Hiền, TP Thủ Đức nhận được cuộc gọi của một phụ nữ tự xưng là nhân viên y tế nhà trường thông báo con mình bị té và đang nguy kịch tại bệnh viện chợ Rẫy.

Người phụ nữ đã chuyển điện thoại cho một người tự xưng là bác sỹ khoa cấp cứu của bệnh viện cho biết cháu đang bị chấn thương sọ não, mất máu nhiều cần phẫu thuật gấp.

Nếu phụ huynh gần bệnh viện thì đến ngay, còn không thì chuyển khoản để làm thủ tục nhập viện, phẫu thuật. Do xót con, phụ huynh M.T đã chuyển ngay 40 triệu đồng.

Sau đó, phụ huynh MT đã liên hệ với giáo viên chủ nhiệm để hỏi thăm thêm tình hình. Lúc này, giáo viên chủ nhiệm cho biết cháu vẫn đang sinh hoạt bình thường. Khi phụ huynh MT gọi lại số điện thoại trên thì máy đã bị khóa, liên hệ với ngân hàng thì số tiền đã được chuyển và rút ra.

Phương thức, thủ đoạn

Theo Công an TP.HCM, các đối tượng xấu lợi dụng đánh vào tâm lý hoang mang, lo lắng của nạn nhân tạo ra tình huống nguy cấp, cung cấp số tài khoản mạo danh yêu cầu nạn nhân chuyển tiền rồi chiếm đoạt.

Đối tượng đầu tiên sẽ gọi điện, nhắn tin cho người thân, phụ huynh học sinh tự xưng là nhân viên y tế, y tá, bác sỹ hoặc giáo viên chủ nhiệm thông báo học sinh bị tai nạn, hiện đang cấp cứu nguy hiểm đến tính mạng cần chuyển tiền ngay để mổ hoặc nhập viện.

Đối tượng thứ hai sẽ gọi điện cho người thân, phụ huynh học sinh xưng là lãnh đạo Khoa, bác sỹ bệnh viện thông báo tình trạng nguy kịch phải được tiến hành nhập viện mổ, điều trị gấp.

Tiếp theo đối tượng đầu tiên sẽ liên tục thúc giục người thân học sinh chuyển tiền qua tài khoản để được điều trị. Sau khi nhận được tiền, đối tượng nhanh chóng rút tiền hoặc chuyển tiền qua các ví cá nhân hoặc mua hàng hóa gây khó khăn trong việc truy tìm và thu hồi tài sản bị lừa đảo, chiếm đoạt.

Công an khuyến cáo

Từ thực tế trên, Phòng Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc (PV05), Công an TP.HCM đã đưa ra các khuyến cáo:

- Nếu người dân nhận được các cuộc gọi thông báo từ bệnh viện, nhà trường về việc người thân; học sinh bị tai nạn đang cấp cứu tại bệnh viện phải bình tĩnh xác minh, tuyệt đối không chuyển tiền cho đối tượng.

- Người dân cần liên hệ ngay với cơ quan Công an nơi gần nhất để thông báo và nhờ trợ giúp xác minh thông tin.

- Phụ huynh có thể gọi đến số điện thoại trực ban của Công an TP.HCM số điện thoại: 069.3187.344 hoặc số điện thoại của trực ban Phòng Cảnh sát Hình sự - Công an TP.HCM: 069.3187.200 để cung cấp thông tin, phối hợp điều tra, xử lý.

- Khi nhận được thông tin người thân, học sinh bị tai nạn cần bình tĩnh, liên hệ ngay với cơ quan, trường học... của người thân, học sinh để xác minh, kiểm tra thông tin. Trường hợp không có căn cứ rõ ràng, người dân tuyệt đối không chuyển tiền theo yêu cầu của đối tượng để phòng bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Hành vi gọi điện lừa đảo chuyển tiền vì người thân, học sinh bị tai nạn là hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức xã hội cần phải lên án, phòng ngừa, ngăn chặn.

Người dân cảnh giác trước các cuộc gọi lạ, khi tiếp nhận thông tin cần bình tĩnh kiểm chứng, không nên hốt hoảng rất dễ sập bẫy của bọn lừa đảo. Đặc biệt đối với các yêu cầu chuyển tiền theo bất cứ hình thức nào. Nếu có nghi ngờ người dân có thể liên hệ cơ quan Công an nơi gần nhất để được hỗ trợ, giúp đỡ.

(Theo PV05)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm