Công an TP.HCM: Nhiều phụ huynh tố bị lừa đảo thông tin “con bị tai nạn”

(PLO)- Công an TP.HCM tiếp nhận tổng cộng 7 tin báo tố giác tội phạm liên quan đến nhiều trường hợp phụ huynh bị gọi điện lừa đảo “con bị tai nạn”.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 9-3, trong buổi họp báo Cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP.HCM, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng Phòng Tham mưu Công an TP.HCM có những thông tin liên quan đến việc các phụ huynh bị lừa đảo qua điện thoại.

Tiếp nhận 7 tin tố giác lừa phụ huynh qua điện thoại

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Phòng Tham mưu, Công an TP.HCM thông tin đến báo chí về thực tế các phụ huynh bị các đối tượng lừa đảo qua điện thoại. Ảnh: TT

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Phòng Tham mưu, Công an TP.HCM thông tin đến báo chí về thực tế các phụ huynh bị các đối tượng lừa đảo qua điện thoại. Ảnh: TT

Theo ông Hà, trong thời gian gần đây, Công an TP.HCM có tiếp nhận các tin báo tố giác người dân về việc các đối tượng mạo danh giáo viên, nhân viên bệnh viện gọi điện, thông báo con bị tai nạn, yêu cầu chuyển khoản, thanh toán viện phí.

“Những người này chia vai, người thì giáo viên, người thì bác sĩ,… để tạo niềm tin cho người nghe điện thoại. Nhiều phụ huynh vì tin lời đã chuyển tiền” – ông Hà nêu.

Sau khi tiếp nhận thông tin, Công an TP.HCM đã phối hợp với Sở TTTT tuyên truyền, cảnh báo cũng như tham mưu cho Ban chỉ đạo 138 TP ban hành công văn, gửi đến các sở ban, ngành và thành viên 138 các quận huyện để tuyên truyền, cảnh báo.

Theo đó, khi phụ huynh nhận được cuộc gọi của những đối tượng này thì cần liên hệ ngay với giáo viên chủ nhiệm, nhà trường để nắm bắt thông tin của con em, tránh bị lừa đảo.

Theo Công an TP.HCM tính đến ngày 9-3, Công an đã tiếp nhận 4 tin báo từ cơ quan báo đài, 3 tin báo tố giác của người dân về vụ việc trên.

Ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục & Đào tạo cũng cho biết việc tuyên truyền kịp thời đã hạn chế các trường hợp bị kẻ xấu lừa đảo. Ảnh: TT

Ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục & Đào tạo cũng cho biết việc tuyên truyền kịp thời đã hạn chế các trường hợp bị kẻ xấu lừa đảo. Ảnh: TT

“Trong đó, ngày 8-3, có 2 phụ huynh ở Củ Chi cũng bị các đối tượng gọi điện thoại, lừa đảo với thủ đoạn tương tự. Tuy nhiên, do nắm bắt thông tin qua báo chí, nhà trường nên không chuyển khoản. Qua đó thấy được báo chí đã vào cuộc kịp thời cho người dân cảnh giác” - Phó Phòng Tham mưu Công an TP.HCM nói.

Theo Công an TP.HCM, đối với tội phạm lừa đảo qua mạng rất tinh vi, có rất nhiều thủ đoạn khác nhau. Công an TP.HCM đã thành lập một trang thông tin trên Facebook. Trong đó, công an thông tin các thủ đoạn của đối tượng để chia sẻ cho người dân nắm bắt, cảnh giác.

Có hay không việc lộ lọt thông tin học sinh

Ông Lê Mạnh Hà cũng trả lời thêm về việc liên quan đến các thông tin của học sinh, phụ huynh thì có thể bị lộ lọt như thế nào, có phải do nhà trường hay không?

“Thông tin có thể lộ lọt bằng nhiều cách, do lỗ hổng bảo mật, liên quan đến cơ quan, doanh nghiệp… có thể thu thập trong hoàn cảnh nào đó và bán lại cho các cá nhân…” – ông Hà nói.

Phó Phòng Tham mưu, Công an TP.HCM, cũng cho biết, nhiều trường hợp như phụ huynh, học sinh đến cửa hàng làm thẻ thân thiết, hay đến các trung tâm học ngoại ngữ… đều phải cung cấp thông tin nên có nguy cơ bị lộ lọt.

“Cơ quan nhà nước đều có quy định quản lý chặt chẽ, kiểm tra bảo mật, an toàn… Kết quả cụ thể thì phụ thuộc quá trình điều tra, làm rõ. Ban Giám đốc Công an TP.HCM cũng đã có chỉ đạo công an quận huyện, cơ quan điều tra thu thập thông tin và xử lý” – ông Hà tiếp.

Nói thêm về thông tin này, ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục & Đào tạo TP.HCM, cho biết hệ thống dữ liệu mà ngành giáo dục đang quản lý rất chặt.

Khi nhận thông tin phản ánh về những cuộc gọi lừa đảo, Sở đã chủ động kiểm chứng toàn bộ thông tin của học sinh, phụ huynh.

Ông Minh cho hay, tâm lý của phụ huynh thường rất hoang mang khi nghe tin con mình gặp chuyện nên theo phản xạ sẽ làm theo những gì người khác yêu cầu.

Qua đây, ông Minh cũng cho biết, ngành giáo dục có những trang thông tin để đưa thông tin chính thức của ngành. Hiện, trên các trang mạng xã hội cũng có nhiều trang khác nhau.

Ông Minh khẳng định không có chuyện lộ thông tin cá nhân từ hệ thống quản lý của ngành giáo dục.

“Phụ huynh cần cẩn trọng khi xem những thông tin trong một số nhóm, group hoặc các trang mạng. Trong quản lý, mỗi lớp đều có giáo viên chủ nhiệm nên nếu nhận được thông tin nào liên quan đến con mình, cần gọi cho giáo viên chủ nhiệm để xác minh trước”- ông Minh nói và cho biết, thực tế có trường hợp phụ huynh sau khi chuyển tiền cho đối tượng thì gọi lại cho giáo viên chủ nhiệm mới hay con mình đang ngồi học trong lớp.

Bên cạnh đó, sau khi phối hợp, rà soát thông tin, phía Sở cũng xác định các thông tin mà kẻ gian nắm được là thông tin cũ từ nhiều năm trước, có thông tin còn sai không chính xác. Những thông tin này đều không giống với thông tin mà ngành giáo dục đang nắm.

Đại diện Sở GD- ĐT cho hay, mỗi trường đều có đường dây nóng, nằm trên cổng thông tin của nhà trường nên phụ huynh hoàn toàn có thể chủ động để kết nối. Các cơ sở giáo dục phải công khai cách thức liên lạc để phụ huynh liên hệ ngay.

Tới đây, ngành giáo dục sẽ phối hợp với Công an TP để chuyển giao thông tin, ngăn chặn kịp thời hiện tượng lừa đảo này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm