Công an nói đã khởi tố vụ án, nạn nhân bảo không biết

(PLO)- Công an TP Biên Hòa cho biết đã khởi tố vụ án hồi tháng 6 nhưng phía nạn nhân nói vẫn chưa nhận được thông báo về việc này.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, gửi đơn kêu cứu đến báo Pháp Luật TP.HCM, anh Nguyễn Văn Anh (33 tuổi, ngụ phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết anh và anh ruột, mẹ ruột là nạn nhân trong một vụ hành hung. Dù đã có đơn tố giác tội phạm từ tháng 2 nhưng đến nay, cơ quan công an vẫn chưa giải quyết vụ việc theo quy định.

Ba mẹ con bị hành hung tại nhà

Theo đơn kêu cứu, sự việc xảy ra vào khoảng 18 giờ ngày 2-2 (tức mùng 2 tết Âm lịch), anh Anh cùng một số người thân (trong đó có hai em họ là H và Q) ăn tối tại nhà riêng của anh ở TP Biên Hòa.

Đến khoảng 21 giờ cùng ngày, H gọi thêm bạn là TVNC đến chơi. Trong lúc nhậu, C và H xảy ra mâu thuẫn. C gọi một nhóm người lạ mặt mang hung khí tới nhà anh Anh chửi bới và đánh H. Do sự việc xảy ra trước nhà mình nên anh Anh đứng ra can ngăn thì bị nhóm C xông vào tấn công.

Sau khi H và Q chạy ra ngoài để thoát thân, nhóm C tiếp tục dùng gậy gỗ và côn ba khúc đập cửa phòng, kéo anh Anh ra đánh. Lúc này, anh trai và mẹ của anh Anh can ngăn cũng bị nhóm này hành hung. C và nhóm người lạ mặt còn cố tình hủy hoại một số tài sản trong nhà của anh Anh. Vụ việc trên đã được camera tại nhà ghi lại.

Đã khởi tố vụ án,chưa khởi tố bị can

Ngày 4-2, khi vụ việc được trình báo, Công an phường Long Bình Tân đã đến lấy lời khai tại nhà anh Anh. Cùng ngày, anh Anh nộp đơn yêu cầu giám định tỉ lệ thương tật nhưng phải hơn ba tháng sau mới được đưa đi giám định.

Kết luận giám định của Cơ quan CSĐT Công an TP Biên Hòa nêu anh Anh bị thương tật với tỉ lệ là 5% và của anh trai là 6%. Phía anh Anh cho rằng kết quả trên không phản ánh đúng tỉ lệ thương tật tại thời điểm bị đánh.

Đồng thời, đã hơn bảy tháng kể từ khi anh Anh có đơn yêu cầu khởi tố vụ án, khởi tố bị can (từ tháng 2-2022), cơ quan công an vẫn chưa thông báo kết quả giải quyết vụ việc cho anh biết.

Theo tìm hiểu của PV, từ tháng 2, anh Anh cũng đã có đơn kiến nghị gửi Công an tỉnh Đồng Nai. Tháng 3, Thanh tra công an tỉnh đã có thông báo gửi cho anh Anh, trong đó nêu “…chuyển đơn đến thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP Biên Hòa xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật…”.

Với thông báo trên, anh Anh cho biết Công an TP Biên Hòa có trách nhiệm giải quyết đơn yêu cầu khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo đúng quy định của BLTTHS năm 2015.

Ngày 15-9, PV đã trực tiếp đến Công an TP Biên Hòa để xác minh, làm rõ nội dung đơn kêu cứu của anh Anh. Tại đây, trao đổi với PV, Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng, Đội phó Đội Điều tra tổng hợp, cho biết cơ quan điều tra (CQĐT) đã khởi tố vụ án cố ý gây thương tích vào tháng 6 nhưng chưa khởi tố bị can.

Theo ông Hùng, CQĐT đã thông báo với anh Anh về việc này. “Chúng tôi đã khởi tố vụ án, còn việc nhận được thông báo hay chưa là giữa điều tra viên với anh Anh. Nếu quả thực anh Anh chưa nhận được thông báo thì chúng tôi sẽ làm việc với điều tra viên về việc gửi thông báo” - ông Hùng nói.

Đối với việc giám định thương tật sau khi vụ việc xảy ra ba tháng, ông Hùng giải thích: “Việc giám định thương tích được chia làm hai giai đoạn là thương tích ngay thời điểm vụ án xảy ra và thương tích thời điểm hiện tại. Người ta chỉ có thể nói người có thương tích hay không sau 3-6 tháng. Bởi vậy, giám định sau ba tháng mới chuẩn”.

Tuy nhiên, ngày 21-9, anh Anh khẳng định với PV rằng vẫn chưa nhận được bất kỳ thông báo nào liên quan đến việc khởi tố vụ án.

Phải thông báo kết quả giải quyết cho người tố giác

Thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm được quy định tại Điều 147 BLTTHS.

Theo đó, đối với những vụ việc không phức tạp, trong vòng 20 ngày kể từ ngày tiếp nhận, CQĐT phải ra một trong các quyết định: Quyết định khởi tố vụ án, quyết định không khởi tố vụ án, quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Trường hợp vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp thì có thể kéo dài nhưng không quá hai tháng. Hết thời hạn này mà vẫn chưa thể kết thúc việc xác minh thì viện trưởng VKSND có thẩm quyền có thể gia hạn một lần nhưng không quá hai tháng. Tức là CQĐT có thời gian tối đa là bốn tháng để ra các quyết định nêu trên.

Các quyết định kéo dài thời hạn, gia hạn giải quyết, tạm đình chỉ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm đều phải được thông báo cho người tố giác. Trong thời hạn ba ngày làm việc kể từ ngày kết thúc việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, CQĐT có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho người tố giác biết kết quả giải quyết. Việc không giải quyết đơn kiến nghị khởi tố vụ án theo đúng quy định của BLTTHS bị coi là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự.

Đối với việc giám định thương tật trong vụ việc của anh Anh, tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khỏe hoặc khả năng lao động là một trong những vấn đề bắt buộc phải trưng cầu giám định khi giải quyết vụ án hình sự.

BLTTHS không quy định thời hạn ra quyết định trưng cầu giám định. Tuy nhiên, trong thời hạn bảy ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị giám định tỉ lệ thương tật, CQĐT phải xem xét, ra quyết định trưng cầu giám định.

Việc chậm ra quyết định trưng cầu giám định tỉ lệ tổn thương cơ thể có thể ảnh hưởng đến việc xác định tỉ lệ tổn thương cơ thể tại thời điểm xảy ra vụ việc, gây ảnh hưởng đến trách nhiệm hình sự hoặc kết quả giải quyết vụ án.

ThS - luật sư Cao Ngọc Sơn, giảng viên Khoa luật Trường ĐH Văn Lang

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm