Công an TP.HCM triệt xóa 27 app cho vay 'tín dụng đen'

(PLO)- Từ đầu năm 2023 đến nay, Công an TP.HCM đã phát hiện, xử lý 133 vụ, triệt xóa 27 app cho vay “tín dụng đen” như Goldvay, sugarvay, findong, wellvay, cfcash, baovay...
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 3-8, tại họp báo định kỳ về tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng tham mưu, Công an TP.HCM đã thông tin về việc xử lý các tổ chức tín dụng đen trên địa bàn.

Các app cho vay "móc túi" khách hàng tinh vi

Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, tình hình các băng nhóm hoạt động “tín dụng đen”sử dụng công nghệ cao, núp bóng doanh nghiệp cho vay trực tuyến, cho vay qua app đang diễn biến phức tạp.

Bên cạnh đó, TP.HCM còn xuất hiện nhiều ứng dụng không rõ nguồn gốc về đơn vị chủ quản, liên quan đến người nước ngoài có biểu hiện hoạt động “tín dụng đen”.

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Công an TP.HCM thông tin về việc xử lý các tổ chức tín dụng đen trên địa bàn. Ảnh: NGUYỄN NHÂN

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Công an TP.HCM thông tin về việc xử lý các tổ chức tín dụng đen trên địa bàn. Ảnh: NGUYỄN NHÂN

Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết thêm, các ứng dụng này thường xuyên thay đổi tên, hoặc ẩn thông tin nhằm tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng. Khi khách hàng cài đặt ứng dụng vay và để lại thông tin cá nhân, sẽ có đối tượng liên hệ, mời chào vay tiền và cài đặt các ứng dụng vay khác.

“Lãi suất trong các hợp đồng cho vay trực tuyến này thường không vượt quá 20%/năm. Tuy nhiên người đi vay sẽ phải trả thêm các loại phí như phí dịch vụ, phí phạt do đó lãi suất thực tế có thể lên đến vài chục %/tháng. Khi hết kỳ hạn vay tiền, khách vay sẽ chuyển trả tiền vào các tài khoản ngân hàng do các công ty cho vay trực tuyến này quản lý”- Thượng tá Lê Mạnh Hà nêu thực tế.

Thượng tá Lê Mạnh Hà cũng cho biết từ đầu năm 2023 đến nay, Công an TP.HCM đã phát hiện, xử lý 133 vụ, 206 đối tượng; triệt xóa 27 app cho vay “tín dụng đen” như Goldvay, sugarvay, findong, wellvay, cfcash, baovay...

Đang số hóa hồ sơ, thủ tục hành chính

Tại họp báo, Thượng tá Lê Mạnh Hà cũng thông tin thêm về việc số hóa thủ tục hành chính trên địa bàn TP.

Thượng tá Hà cho biết, qua khảo sát Công an TP đã ghi nhận một số khó khăn về lĩnh vực đăng ký, quản lý cư trú dẫn đến một số người dân chưa thực sự hài lòng khi thực hiện dịch vụ trên cổng dịch vụ công.

Người dân nộp hồ sơ trực tuyến trên cổng dịch vụ công. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Người dân nộp hồ sơ trực tuyến trên cổng dịch vụ công. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Cụ thể, hiện nay tại TP.HCM chưa triển khai xong dịch vụ chứng thực văn bản điện tử từ bản chính và chưa liên thông dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu về đất đai, môi trường. Do đó, cơ quan công an gặp khó khăn trong việc đối sánh, xác định giá trị pháp lý của giấy tờ chứng minh chỗ ở hợp pháp.

Việc nộp, theo dõi, bổ sung hồ sơ trực tuyến, người dân, doanh nghiệp phải tự tìm hiểu quy trình, thủ tục nên chưa quen, dẫn đến cảm thấy khó khăn trong thao tác thực hiện.

Cơ sở vật chất thực hiện dịch vụ công trực tuyến (năng lực truy cập của phần mềm; đường truyền, hệ thống máy tính..) chưa hoàn thiện, đầy đủ và hoạt động ổn định nên có lúc, có thời điểm việc thao tác gặp khó khăn.

Để giải quyết các vướng mắc này, Thượng tá Hà thông tin, Công an TP đang chủ động tiến hành số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp theo quy định, hướng dẫn của Bộ Công an.

Sau khi hoàn thành phần mềm và kho dữ liệu số hóa trên cổng dịch vụ công và liên thông dữ liệu với các bộ, ngành thì người dân và doanh nghiệp có thể tận dụng những hồ sơ, kết quả trên kho dữ liệu của mình để tái sử dụng hoặc nộp hồ sơ đề nghị giải quyết các thủ tục hành chính khác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm