Công an xã đánh chết người, tội gì?

Vụ án này xảy ra ở huyện Krông Năng, Đắk Lắk từ năm 2014 nhưng việc áp tội danh đối với bị cáo đến nay vẫn còn gây nhiều tranh cãi trong các cơ quan tố tụng.

Nghi trộm, bị bắt, bị đánh và qua đời

Theo hồ sơ, hơn 12 giờ đêm 3-7-2014, anh Trương Quốc Long đang ngủ, nghe có tiếng động, nghi ngờ ông Nguyễn Hữu Thâu vào nhà lấy trộm sắt nên anh Long đuổi theo và bắt được ông Thâu rồi báo cho trưởng thôn. Trưởng thôn lại gọi cho Lê Viết Hùng, công an viên xã Phú Xuân, huyện Krông Năng, Đắk Lắk. Hùng kéo thêm ba người nữa thuộc tổ liên gia tự quản của thôn Xuân Hòa dẫn ông Thâu cùng phương tiện về hội trường thôn để làm việc.

Hùng báo cáo cho trưởng công an xã và nhận được chỉ đạo là lập biên bản sự việc, ghi lời khai người biết việc, lời khai của ông Thâu, tạm giữ phương tiện rồi cho ông Thâu về.

Cáo trạng thể hiện Hùng yêu cầu ông Thâu viết bản tự khai nhưng ông Thâu không nhận tội, viết không rõ ràng nên Hùng bắt viết nhiều lần và tát nhiều cái vào mặt ông Thâu.

Khi viết đến bản tự khai thứ năm thì ông Thâu kêu đau đầu rồi gục mặt xuống bàn ngủ. Thấy vậy, Hùng tiếp tục túm tóc và tát vào mặt ông Thâu. Một lúc sau khi ông Thâu đang ngồi trên ghế thì tự ngã đập đầu xuống nền nhà, đến lần thứ ba, nghĩ ông Thâu say rượu nên Hùng và mọi người đã để ông Thâu nằm luôn dưới nền nhà. Đến sáng thì ông Thâu hôn mê sâu, bất tỉnh và tử vong.

Theo kết luận giám định pháp y, nguyên nhân tử vong là do chấn thương sọ não, vật tác động thuộc loại cứng, tày, diện rộng, nồng độ rượu trong máu nạn nhân là 4,30 mmol/lít.

Khởi tố tội giết người rồi chuyển tội danh

Ban đầu Lê Viết Hùng bị CQĐT Công an tỉnh Đắk Lắk khởi tố về tội giết người theo Điều 93 BLHS. Nhưng sau đó, cũng chính cơ quan này đổi tội danh sang tội làm chết người trong khi thi hành công vụ theo Điều 97 BLHS. Đồng thời, công an tỉnh chuyển hồ sơ về CQĐT Công an huyện Krông Năng điều tra theo thẩm quyền.

Tháng 9-2015, sau hơn một ngày mở phiên tòa xét xử, TAND huyện Krông Năng đã trả hồ sơ yêu cầu làm rõ: Ai là người đã gây ra việc ông Thâu bị gãy ba răng cửa trên, lung lay ba răng cửa dưới (vì ban đầu anh Long có tát ông Thâu)? Bị cáo Lê Viết Hùng khai mang theo roi điện nhưng anh Hồ Minh Tuấn (nhân chứng) khai đã thấy Lê Viết Hùng dùng gậy cao su đánh vào hông ông Thâu và vật chứng thu giữ lại là gậy cao su. Làm rõ dấu vết tụ máu khi bộc lộ hộp sọ tại bản ảnh 34 do vật tác động là loại gì...

Ngày 2-10-2015, VKSND huyện Krông Năng có công văn gửi tòa cho biết viện này vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố. Lý do: Ông Thâu nói với anh Long: “Tao không trộm sắt mà chỉ vào coi sắt” nên anh Long bực tức dùng tay phải tát vào má trái ông Thâu một cái, điều này không gây ra hậu quả gì. Căn cứ vào lời khai của Hồ Minh Tuấn rằng bị can Hùng có tát mạnh vào má phải ông Thâu thì ông Thâu nói: “Anh đánh tôi chảy máu miệng”. Như vậy, việc ông Thâu bị gãy ba răng cửa trên, lung lay ba răng cửa dưới là do bị Hùng tát.

Theo Viện, trong quá trình làm việc bị can Hùng nhiều lần tát vào vùng mặt, túm tóc ông Thâu giật ngược lên. Như vậy, ngoại lực tác động vào vùng đỉnh chẩm đầu là do tay của bị can tác động vào, hậu quả làm cho vùng đỉnh chẩm đầu bị tụ máu, phù hợp với kết luận pháp y bổ sung: “Tổn thương trên được gây ra bởi vật tác động thuộc loại cứng, tày, diện rộng”.

Hội trường thôn, nơi công an viên đánh ông Nguyễn Hữu Thâu dẫn đến chết khi ghi lời khai. Ảnh: N.NGA

Bị cáo Lê Viết Hùng tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: CTV

Tòa: Tội cố ý gây thương tích mới đúng

Ngày 4-11-2015, TAND huyện Krông Năng trả hồ sơ lần hai, yêu cầu truy tố Lê Viết Hùng về tội cố ý gây thương tích theo khoản 3 Điều 104 BLHS (hình phạt 5-15 năm tù). Tòa cho rằng Hùng giật tóc, tát hai bên mặt làm cho nạn nhân tự té  xuống nền ba lần với tổng số lần tát 13-14 cái. Hành vi này không liên quan đến công vụ.

Ngày 9-11-2015, VKS có văn bản cho rằng Hùng là công an viên xã, Hùng đã báo cáo ngay với trưởng công an xã để xin ý kiến chỉ đạo. Việc yêu cầu ông Thâu viết bản tự khai là do Hùng thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên, do đó Hùng đang thi hành công vụ. Từ đó VKS này giữ nguyên quan điểm truy tố.

Tại phiên tòa sơ thẩm, ngày 8-3, bị cáo Lê Viết Hùng thừa nhận hành vi như cáo trạng truy tố là đúng, không oan.

Luật sư bảo vệ quyền lợi cho gia đình bị hại không đồng ý với tội danh mà VKS truy tố. Theo luật sư, bị cáo Hùng có dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người hoặc tội giết người. Ngoài ra, vụ án có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Cụ thể: Lời khai của nhân chứng Hồ Minh Tuấn là người chứng kiến từ đầu đến cuối sự việc Lê Viết Hùng tạt nước, đánh bị hại vào mặt, đầu. Khi thấy nạn nhân bị chảy máu ở miệng, bị cáo vẫn tiếp tục đánh. Ngoài ra cần phải làm rõ việc anh Trương Quốc Long đánh vào mặt bị hại.

Tuy nhiên, VKS vẫn bảo lưu quan điểm về tội danh và đề nghị tòa phạt Hùng từ ba năm đến ba năm sáu tháng tù.

Sau khi nghị án, HĐXX TAND huyện Krông Năng nhận định dù tòa đã trả hồ sơ hai lần nhưng VKS vẫn giữ nguyên quyết định truy tố. Theo quy định tại Điều 196 BLTTHS về giới hạn của việc xét xử thì tòa án chỉ xét xử Lê Viết Hùng về tội mà VKS đã truy tố. Từ đó, tòa này phạt bị cáo Hùng ba năm tù về tội làm chết người trong khi thi hành công vụ.

Ngoài ra, tòa còn buộc UBND xã Phú Xuân bồi thường cho gia đình bị hại gần 100 triệu đồng và cấp dưỡng cho hai con của ông Thâu mỗi tháng hơn 1 triệu đồng cho đến khi các cháu đủ 18 tuổi.

Hiện bị cáo đã kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, đại diện bị hại kháng cáo yêu cầu xem xét lại tội danh.

Trong khi chờ kết quả xét xử phúc thẩm, chúng tôi mong nhận được ý kiến bàn luận của quý bạn đọc về tội danh của vụ án này.

Chúng tôi vẫn bảo lưu quan điểm

Chúng tôi vẫn bảo lưu quan điểm truy tố là tội làm chết người trong khi thi hành công vụ. Hành vi của bị cáo như thế nào thì chúng tôi truy tố đúng tội đó chứ đâu có làm sai được. Nếu sai thì chúng tôi chịu trước pháp luật thôi, nếu truy tố không đúng tội danh thì còn tòa sơ thẩm và phúc thẩm.

Kiểm sát viên LÊ TRẦN CẢNH, người giữ quyền công tố tại phiên tòa sơ thẩm

Chúng tôi đã làm hết trách nhiệm

Vụ án hôm đó rất đông người dân đến tham dự phiên tòa, họ đứng tận ra ngoài đường. Nếu không có cái tát của bị cáo thì chưa chắc bị hại ngã xuống. Theo quan điểm của HĐXX thì đây có dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích theo khoản 3 Điều 104 BLHS nhưng đã hai lần chúng tôi trả hồ sơ mà VKS vẫn bảo lưu quan điểm. Tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người có khung hình phạt cao hơn so với VKS truy tố nên tòa phải xử bị cáo tội danh giống như VKS truy tố chứ không xử tội danh nặng hơn như quan điểm của tòa. Chúng tôi đã làm hết trách nhiệm của mình rồi.

Thẩm phán TRẦN CẢNH TOÀN, chủ tọa phiên tòa sơ thẩm

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới