Titan là thế giới duy nhất được biết tới trong Thái Dương hệ, ngoại trừ Trái Đất, có chất lỏng trên mặt. (Nguồn: NASA)
Các nhà khoa học quan tâm tới Titan do bầu khí quyển kỳ lạ và nhiều đặc tính trên bề mặt giống như Trái Đất đến mức ngạc nhiên của nó. Mặt Trăng này cũng là thế giới duy nhất được biết tới trong Hệ Mặt Trời của chúng ta, ngoại trừ Trái Đất, có chất lỏng trên bề mặt, mặc dù chất lỏng đó là methane chứ không phải là nước.
Các nhà nghiên cứu thuộc NASA và ESA nói rằng công trình phân tích mới về những quan sát trước đây của tàu vũ trụ không người lái Cassini quay quanh quỹ đạo Sao Thổ cho thấy kích cỡ và khoảng cách các cồn cát của Titan liên quan đến độ cao và vĩ độ nơi chúng hình thành.
Kích cỡ, hình dạng và cách phân phối các cồn cát cung cấp những manh mối để tìm hiểu khí hậu và địa chất của Titan.
Các nhà khoa học hy vọng những khám phá mới này cũng làm sáng tỏ chu kỳ methane khó hiểu của thiên thể này, có thể so sánh được với chu kỳ của nước trên Trái Đất.
Dữ liệu do tàu Cassini cung cấp cho thấy những cồn cát khổng lồ của Titan rộng từ 1-2 kilômét, trải dài ngang mặt thiên thể này hàng trăm km và cao hàng trăm mét.
Cồn cát là đặc tính phổ biến thứ hai trên Mặt Trăng này, rộng 10 triệu km2, lớn hơn diện tích của nước Mỹ một chút.
Theo Huy Lê (Vietnam+)