Bộ Công Thương vừa công bố dự thảo nghị định mới nhằm thay thế cho nghị định 83/2014, nghị định 95/2021, nghị định 80/2023 về kinh doanh xăng dầu. Nhưng chỉ vài ngày sau, ngày 1-4, dự thảo 2 với nhiều thay đổi, đã được cơ quan này đưa ra để lấy ý kiến các đối tượng chịu sự tác động.
Theo cơ quan chủ trì soạn thảo, trong cơ chế điều hành giá xăng dầu hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp phải thực hiện qua quá nhiều bước. Thương nhân kinh doanh xăng dầu không chủ động trong quyết định giá bán lẻ xăng dầu trong hệ thống phân phối của mình mà trông chờ vào giá cơ sở do cơ quan quản lý nhà nước công bố rồi thực hiện.
Trong khi đó, giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu căn cứ vào các yếu tố hình thành trong quá khứ với thời gian tương đối dài dẫn tới chưa sát với thực tế. Đơn cử như chi phí kinh doanh, thuế nhập khẩu bình quân gia quyền được tính toán dựa vào số liệu của quý trước để áp dụng trong tính toán giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu ở quý sau…
Từ thực tế đó, Bộ Công Thương đánh giá cơ chế điều hành giá xăng dầu hiện nay chưa bảo đảm thực hiện theo cơ chế thị trường.
Do vậy, trong dự thảo mới này, Bộ Công Thương vẫn tiếp tục đề xuất Nhà nước không tham gia vào quá trình điều hành giá nhưng vẫn quản lý bằng cách công bố các yếu tố hình thành giá và để doanh nghiệp tự quyết định giá.
Cụ thể, Nhà nước công bố giá thế giới bình quân 7 ngày/lần (tại dự thảo trước đó thì Bộ Công Thương đề xuất là 15 ngày công bố giá thế giới một lần - PV), thương nhân đầu mối căn cứ các yếu tố cố định như thuế các loại, được quyền cộng thêm khoản chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức đã được quy định để công bố giá bán lẻ xăng dầu, riêng dầu mazut là giá bán buôn. Giá bán xăng dầu của thương nhân đầu mối trên thị trường không được vượt quá giá được tính toán theo công thức.
Điểm đáng chú ý, trong công thức tính giá, phần chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức của doanh nghiệp, Bộ Công Thương đưa ra hai phương án, thay vì chỉ một phương án như dự thảo trước.
Phương án 1: Chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức được quy định theo giá trị tuyệt đối. Bộ Công Thương cho biết, hiện nay các khoản chi phí từ khâu tạo nguồn đầu vào, phân phối trong nước và lợi nhuận định mức của thương nhân đầu mối, bao gồm cả hoa hồng đại lý, chiết khấu tới khâu bán lẻ, khoảng từ 1.800-2.500 đồng/lít/kg xăng, dầu tuỳ loại.
Phương án 2: Chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức biến đổi theo tỉ lệ % theo biến động giá xăng dầu thế giới.
Trường hợp chi phí kinh doanh, lợi nhuận định mức của doanh nghiệp tăng thì Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và cơ quan liên quan báo cáo Thủ tướng xem xét.
Trước đó, trao đổi với PLO, một số chuyên gia kinh tế bày tỏ quan điểm đồng tình với đề xuất của Bộ Công Thương để doanh nghiệp đầu mối được quyết định giá bán lẻ nhưng không được vượt quá giá được tính toán theo công thức. Tuy nhiên, cơ quan nhà nước phải xác định được khung giá thật chính xác, tránh trường hợp tạo ra khung rộng hơn mức giá cần thiết, giúp doanh nghiệp xăng dầu có lợi nhuận cao nhưng lại ảnh hưởng đến người dân.
Còn doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu thì cho rằng doanh nghiệp đầu mối khi tính toán giá bán lẻ cần công khai chi phí và lợi nhuận của các khâu từ đầu mối đến phân phối, bán lẻ một cách cụ thể và minh bạch.