Bộ Công Thương vừa hoàn thiện dự thảo tờ trình về việc ban hành nghị định thay thế Nghị định 83/2014 và các nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu để đưa ra lấy ý kiến rộng rãi.
Trong dự thảo này, Bộ Công Thương đề xuất một số thay đổi về công thức và cơ chế giá xăng dầu để đáp ứng tình hình thực tiễn.
Giảm hẳn sự can thiệp của cơ quan nhà nước
Bộ Công Thương cho biết hiện nay giá xăng dầu là mức giá tối đa do Nhà nước công bố định kỳ dựa trên công thức giá xăng dầu cơ sở. Theo cơ chế này, Nhà nước ban hành tiêu chí, công thức tính giá, thông số tính toán giá…, can thiệp quá sâu vào quyết định giá của doanh nghiệp (DN).
Do vậy, trong dự thảo mới lần này, Bộ Công Thương đề xuất giảm hẳn sự can thiệp của cơ quan nhà nước vào việc quyết định giá bán của nhà kinh doanh theo hướng Nhà nước chỉ công bố các yếu tố hình thành giá và để nhà kinh doanh tự quyết định giá.
Cụ thể, Nhà nước công bố giá thế giới bình quân 15 ngày, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu căn cứ các yếu tố cố định như thuế các loại, được quyền cộng thêm các khoản chi phí định mức đã được quy định để công bố giá bán xăng dầu trên thị trường. Tuy nhiên, giá bán xăng dầu của thương nhân đầu mối trên thị trường không được vượt quá giá tính toán theo công thức.
Với cơ chế mới, các doanh nghiệp phải cạnh tranh về chi phí để chiếm lĩnh thị trường và thương nhân hoàn toàn có quyền bán thấp hơn giá bán tối đa.
Công thức như sau: Giá bán xăng dầu tối đa = giá xăng dầu thế giới x tỉ giá ngoại tệ + thuế nhập khẩu + thuế tiêu thụ đặc biệt + thuế bảo vệ môi trường + thuế giá trị gia tăng + tỉ lệ chi phí kinh doanh và lợi nhuận của DN.
“Trường hợp tỉ lệ chi phí kinh doanh và lợi nhuận của DN tăng, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh tỉ lệ chi phí kinh doanh và lợi nhuận của DN phù hợp với tình hình thực tế. Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu căn cứ công thức tính giá nêu trên để tính toán, công bố giá bán xăng dầu trong hệ thống không quá giá bán tối đa” - đại diện Bộ Công Thương giải thích.
Bộ Công Thương cũng cho rằng theo phương án này, việc tính toán chi phí hằng tháng của thương nhân được giảm bớt. Đây là cải cách trong tính toán giúp thương nhân kinh doanh xăng dầu và cơ quan quản lý giá không phải tính toán và công bố định kỳ các chi phí. Cơ quan quản lý nhà nước theo dõi minh bạch việc công bố giá của các DN.
Đặc biệt, các DN phải cạnh tranh về chi phí để chiếm lĩnh thị trường và thương nhân hoàn toàn có quyền bán thấp hơn giá bán tối đa theo công thức giá quy định tại nghị định, qua đó loại bỏ việc áp dụng giá bán xăng dầu vùng 2 của thương nhân.
Đổi mới tư duy quản lý xăng dầu
Để thị trường xăng dầu ổn định, nguồn cung không đứt gãy… thì những gì làm hạn chế cạnh tranh phải loại bỏ ngay. Đặc biệt, phải thay đổi tư duy quản lý nhà nước trong lĩnh vực xăng dầu chứ không chỉ sửa một vài điều kiện.
Chúng ta đã xóa bỏ bao cấp về xăng dầu nên hiện nay các chi phí đều đẩy vào giá bán trong nước. Vì vậy, nếu nói cơ quan nhà nước không quản lý xăng dầu sẽ xảy ra lạm phát là phi lý, không có cơ sở. Ngược lại, chúng ta quản lý hết dẫn đến làm tăng thêm chi phí. Nào là chi phí về lưu thông bắt buộc, quỹ bình ổn, bộ máy điều hành…
Nếu Chính phủ lo xăng dầu gây lạm phát thì miễn, giảm các loại thuế, phí. Điều đó sẽ có tác dụng hơn nhiều so với những gì chúng ta đang làm hiện nay. Nghĩa là hãy để cho thị trường quyết định giá xăng dầu.
Trong mấy chục năm cải cách vừa qua, chúng ta đã tự do hóa giá cả nhiều lần. Chẳng hạn, trước đây chúng ta lo thả nổi giá gạo thì dân sẽ thiếu đói vì giá cao. Nhưng khi tự do hóa giá gạo, mọi việc đều ổn, tất cả đều hoan hô. Nếu tính toán, áp dụng vấn đề này đối với xăng dầu chắc chắn sẽ ổn. Thị trường thông minh hơn chúng ta nhiều.
TS NGUYỄN ĐÌNH CUNG
Việc tính toán khung giá phải thật chính xác
Chiều 29-3, tại họp báo thường kỳ, Bộ Công Thương đã làm rõ hơn về các đề xuất thay đổi công thức và cơ chế giá xăng dầu. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho hay dự thảo có nhiều nội dung đổi mới nhưng phải đảm bảo mục tiêu cuối cùng là cân đối được cung cầu xăng dầu, đảm bảo an ninh năng lượng và quá trình điều hành phải tiệm cận thị trường nhưng phải có điều tiết của cơ quan nhà nước.
“Về điều hành giá, chúng tôi đổi mới theo hướng chỉ đưa ra công thức, trên công thức đó DN tự tính toán trên cơ sở các chi phí thực tế để đưa ra mức giá phù hợp nhưng không vượt mức trần cho phép. Về mức trần cho phép thì khi đó liên bộ Công Thương - Tài chính sẽ tính toán. Như vậy vừa đảm bảo bình ổn vừa định hướng thị trường, đảm bảo hài hòa các bên” - ông Tân cho hay.
Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng dự thảo đã có ý tưởng đúng đắn khi để cho DN xăng dầu được tự quyết định giá bán trong mức khung mà cơ quan nhà nước đặt ra. Như vậy có thể thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các DN trên thị trường.
Tuy nhiên, ông Phong lưu ý rằng điều quan trọng là cơ quan nhà nước phải xác định được khung giá thật chính xác. Qua đó tránh trường hợp tạo ra khung rộng hơn mức giá cần thiết, giúp DN xăng dầu có lợi nhuận cao nhưng lại ảnh hưởng đến người dân.
“Như vậy đó sẽ không còn là cạnh tranh nữa mà là liên kết độc quyền để cùng bán một giá và bán sát giá trần thì ý tưởng đúng đắn đó trở nên vô nghĩa” - TS Nguyễn Minh Phong bày tỏ.
Về phía các DN xăng dầu, ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Hải Âu Phát (Lâm Đồng), bày tỏ việc Bộ Công Thương đề xuất để thương nhân đầu mối xăng dầu được quyết định giá bán là phù hợp. Vì họ là đơn vị nhập khẩu và điều tiết tổng nguồn hàng xăng dầu trong nước.
“Tuy nhiên, thương nhân đầu mối cần xác định rõ ràng, cụ thể, phù hợp các chi phí ở từng nấc, từng khâu, từ thương nhân đầu mối tới thương nhân phân phối và thương nhân bán lẻ, làm sao đảm bảo chi phí và lợi nhuận cho từng khâu” - ông Thắng nhấn mạnh.•
Vẫn giữ Quỹ bình ổn giá xăng dầu
Về Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Bộ Công Thương cho biết quỹ bình ổn giá được quy định tương đối chi tiết tại Luật Giá nhưng chưa chi tiết khi nào, ở mức độ nào thì sử dụng quỹ. Do vậy, để cụ thể hóa quy định của Luật Giá về bình ổn giá xăng dầu, nghị định quy định cụ thể trường hợp trích lập, chi sử dụng quỹ. Ví dụ, nếu xăng dầu thế giới tăng lên 120 USD/thùng và duy trì trong 15 ngày liên tục, Bộ Công Thương có văn bản gửi Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định việc trích lập và chi sử dụng quỹ.
Không bỏ loại hình thương nhân phân phối
Bộ Công Thương cho biết sau một thời gian phát triển đã có nhiều thương nhân tham gia vào thị trường xăng dầu, cũng như cho phép thương nhân phân phối xăng dầu được mua xăng dầu từ thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối xăng dầu khác, từ đó thúc đẩy thị trường xăng dầu cạnh tranh hơn.
Tuy nhiên, việc cho phép thương nhân phân phối xăng dầu được mua xăng dầu của nhau tạo ra thị trường thứ cấp trong khâu phân phối (trung gian) làm tăng thêm chi phí trong khâu này.
“Việc cho phép thương nhân phân phối xăng dầu mua hàng của nhau gây khó khăn trong kiểm soát nguồn cung” - Bộ Công Thương nhận xét.
Do vậy, trong dự thảo lần này, Bộ Công Thương đề xuất không loại bỏ loại hình thương nhân phân phối xăng dầu nhưng quy định thương nhân phân phối chỉ được mua xăng dầu từ thương nhân đầu mối, không được mua bán xăng dầu lẫn nhau.
Thương nhân phân phối ngoài bán xăng dầu cho thương nhân bán lẻ thì vẫn được bán lẻ tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu trực thuộc của mình, bán cho các cơ quan, tổ chức sử dụng xăng dầu phục vụ sản xuất nhưng không được ký thêm hợp đồng làm thương nhân bán lẻ cho thương nhân đầu mối.