Công chứng ngoài trụ sở: Có nên mở rộng đối tượng?

(PLO)- Theo chuyên gia, quy định về các trường hợp được công chứng ngoài trụ sở còn khá hẹp và chưa rõ ràng nên cần cụ thể và theo hướng mở rộng hơn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vừa qua, một ngân hàng có chủ trương đề nghị công chứng viên (CCV) đến ký công chứng các hợp đồng, giao dịch có liên quan đến ngân hàng tại trụ sở hội sở và các chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng.

Với chủ trương này, ngân hàng mong muốn khi công chứng hợp đồng, khách hàng không cần phải đến trụ sở tổ chức hành nghề công chứng như hiện nay.

Thuận tiện cho khách hàng nhưng trái luật

Theo Công văn 88 ngày 6-6, Hội CCV TP.HCM cho biết đề nghị trên của phía ngân hàng là thuận lợi cho khách hàng nhưng trái với quy định pháp luật.

Người dân đến làm thủ tục công chứng tại Phòng công chứng số 5, TP.HCM. Ảnh: TRÚC PHƯƠNG

Người dân đến làm thủ tục công chứng tại Phòng công chứng số 5, TP.HCM.

Ảnh: TRÚC PHƯƠNG

Cụ thể, Điều 7 Luật Công chứng 2014 nghiêm cấm tổ chức hành nghề công chứng thực hiện mở chi nhánh, văn phòng đại diện, cơ sở, địa điểm giao dịch khác ngoài trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng.

Việc công chứng ngoài trụ sở chỉ được thực hiện nếu người yêu cầu công chứng là người già yếu, không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng (Điều 44 Luật Công chứng 2014).

Ngoài ra, Hội CCV TP.HCM cho rằng việc ký ngoài trụ sở tổ chức hành nghề công chứng không đúng quy định sẽ gây mất an toàn pháp lý, có thể dẫn đến tranh chấp.

Từ đây, Hội CCV TP.HCM đề nghị phía ngân hàng tạo điều kiện cho khách hàng đến ký hợp đồng, giao dịch tại trụ sở các tổ chức hành nghề công chứng.

Mở rộng để đáp ứng nhu cầu người dân

Việc Luật Công chứng đóng khung một số ít trường hợp được phép công chứng ngoài trụ sở khiến nhiều người dân dù chịu bỏ thêm chi phí cũng không thực hiện được.

Bản thân tôi là người từng làm việc tại văn phòng công chứng, đã chứng kiến rất nhiều hợp đồng mua bán mà bên bán là hai vợ chồng và khi công chứng hợp đồng, do phải có chữ ký của cả hai vợ chồng, người vợ phải ẵm con đi theo dù em bé còn khá nhỏ. Điều này là khá bất tiện.

Theo tôi, chất lượng công chứng tùy thuộc vào lao động và trách nhiệm nghề nghiệp của CCV, hơn là liên quan đến địa điểm công chứng. Ví như khi công chứng một di chúc về nhà đất, CCV phải xem xét bất động sản đó có giấy tờ hợp pháp chưa, người làm di chúc có minh mẫn, tự nguyện không… Những thủ tục này là bắt buộc, làm ở trong hay ở ngoài trụ sở tổ chức cũng đều như nhau.

Ngoài ra, CCV phải chịu rủi ro và trách nhiệm rất cao nếu công chứng giấy tờ không đúng. Vì vậy, không cần quá lo ngại về vấn đề công chứng ngoài trụ sở sẽ không khách quan.

Từ đó, tôi cho rằng nên mở rộng công chứng ngoài trụ sở để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Luật sư NGUYỄN THỊ TRÚC, Đoàn Luật sư TP.HCM

Q.LINH ghi

Luật có nên mở rộng đối tượng?

Không riêng trường hợp của ngân hàng nêu trên, trước đây Pháp Luật TP.HCM cũng từng phản ánh về chuyện thực tế đang có nhu cầu mở rộng công chứng ngoài trụ sở tổ chức hành nghề công chứng.

Vậy luật có nên mở rộng theo hướng cho phép nhiều đối tượng được yêu cầu công chứng ngoài trụ sở hơn nữa hay không để đáp ứng nhu cầu của người dân?

Nêu quan điểm về điều này, TS Thái Thị Tuyết Dung, giảng viên Khoa luật ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, cho rằng nguyên tắc chung khi công chứng là phải thực hiện tại trụ sở các tổ chức hành nghề công chứng, có sự chứng kiến của CCV.

Theo TS Dung, nguyên tắc này cần được duy trì để bảo đảm tính độc lập, công khai, minh bạch của việc công chứng các hợp đồng, giao dịch; tránh tình trạng lộn xộn, “bình dân hóa” hoạt động công chứng. Tuy nhiên, quy định hiện nay về các trường hợp được công chứng ngoài trụ sở vẫn khá hẹp và chưa rõ ràng nên cần cụ thể và mở rộng hơn.

“Thực tế, việc công chứng ngoài trụ sở diễn ra khá nhiều ở cả nước nhưng vẫn chưa có số liệu nào chứng minh rủi ro pháp lý của việc công chứng ngoài trụ sở cao hơn, nhiều hơn so với công chứng tại trụ sở. Rõ ràng, chất lượng công chứng tùy thuộc vào năng lực chuyên môn và trách nhiệm nghề nghiệp của CCV hơn là liên quan đến địa điểm công chứng” - TS Dung nói.

TS Dung nói thêm thời gian qua đã có một số bản án của tòa án tuyên bác yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu vì thực hiện công chứng ngoài trụ sở. Điều này thể hiện cơ quan tòa án đã ghi nhận bản chất có hiệu lực của hợp đồng không phụ thuộc vào địa điểm công chứng.

Do đó, theo TS dung, luật nên mở rộng các trường hợp công chứng ngoài trụ sở, không chỉ những trường hợp tại Điều 44 Luật Công chứng, mà nên cho phép công chứng ngoài trụ sở ở những đơn vị thường xuyên có hoạt động công chứng, như tại ngân hàng và sàn giao dịch bất động sản.

“Các đơn vị như ngân hàng, sàn giao dịch bất động sản có bộ phận pháp chế rà soát hồ sơ trước khi tiến hành công chứng nên khá an tâm về pháp lý. Nếu mở rộng phạm vi công chứng tại các đơn vị này, không chỉ tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, mà còn góp phần xử lý hồ sơ nhanh hơn, tiết kiệm thời gian đi lại” - TS Dung bày tỏ.

Trụ sở công chứng nên có thêm con dấu

Cùng với việc mở rộng đối tượng, cũng nên thí điểm cho phép các tổ chức hành nghề công chứng có thêm một con dấu thì tính chất công chứng ngoài trụ sở sẽ càng thuận lợi, nhanh gọn hơn.

Việc thêm con dấu cũng không có nhiều rủi ro bởi sau khi hoàn tất ký hồ sơ giữa các bên, CCV phải làm việc với bộ phận văn phòng để cập nhật thông tin giao dịch lên hệ thống phần mềm quản lý hồ sơ công chứng, vào số hợp đồng thì hợp đồng mới phát sinh hiệu lực.

CCV phải chịu trách nhiệm về chữ ký của mình khi xác nhận sự kiện pháp lý của các bên, con dấu là sự minh định chính thức chữ ký của CCV với tổ chức hành nghề công chứng và cơ quan quản lý nhà nước.

TS THÁI THỊ TUYẾT DUNG, giảng viên Khoa luật

ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm