Công dân bị bắt oan 34 năm trước được bồi thường gần 3 tỷ đồng

(PLO)- VKS tỉnh Long An và An Giang đã bồi thường cho ông Lâm Hồng Sơn với số tiền gần 3 tỷ đồng sau khi bị bắt oan 34 năm trước.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 25-6, tại trụ sở VKSND Long An, đại diện VKS hai tỉnh đã tổ chức buổi trao các quyết định bồi thường thiệt hại cho ông Lâm Hồng Sơn.

Theo đó, VKSND An Giang, quyết định giải quyết bồi thường cho ông Sơn tổng cộng hơn 2,7 tỷ đồng. Trong đó, hơn 2 tỷ đồng là chi phí thiệt hại tinh thần, còn lại là thu nhập thực thế bị mất và chi phí khác. VKSND tỉnh Long An cũng quyết định bồi thường cho ông này hơn 209 triệu đồng.

bị bắt oan 34 năm 1.jpg
Ông Lâm Hồng Sơn cùng các quyết định bồi thường. Ảnh: HUỲNH DU

Hai quyết định có hiệu lực sau 15 ngày, ông Sơn sẽ nhận được tiền mặt tại trụ sở VKSND hai tỉnh. Trong thời gian này nếu không đồng ý với quyết định ông Sơn có quyền khởi kiện tòa án theo quy định.

Sau khi nhận được quyết định bồi thường, ông Lâm Hồng Sơn (68 tuổi, ngụ quận 1, TP.HCM) cho biết rất vui mừng vì cuối cùng cũng được bồi thường sau hơn nữa đời người đi đòi công lý cho mình.

Trước đó, ông Sơn đã yêu cầu được bồi thường gần 6 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo ông do thời gian quá lâu, việc thu thập các chứng cứ gặp nhiều khó khăn. "Tôi đồng ý với số tiền bồi thường và mong sớm được nhận tiền", ông Sơn nói.

bị bắt oan 34 năm 3.jpg
Đại diện cơ quan tiến hành tố tụng An Giang và Long An gửi hoa xin lỗi vì đã bắt oan ông Lâm Hồng Sơn . Ảnh: HẢI DƯƠNG

Trước đó, ngày 28-5, tại TP Châu Đốc, VKSND tỉnh An Giang phối hợp với VKSND tỉnh Long An tổ chức xin lỗi và cải chính công khai đối với ông Lâm Hồng Sơn theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Ông Sơn là người 2 lần bị khởi tố, bắt giam vào 34 năm trước.

Tại buổi xin lỗi, đại diện VKSND hai tỉnh An Giang và Long An gửi lời xin lỗi chân thành đến ông Lâm Hồng Sơn cùng gia đình.

Đồng thời thông qua vụ án này, các cơ quan tiến hành tố tụng hai tỉnh An Giang và Long An cũng nghiêm túc nhận trách nhiệm và cam kết thận trọng; nâng cao trách nhiệm nhiều hơn nữa trong công tác điều tra, truy tố đối với các vụ án hình sự trong thời gian tới, để không xảy ra vụ việc tương tự.

Được xin lỗi công khai khi bị bắt oan 34 năm, ông Lâm Hồng Sơn bày tỏ vui mừng và chấp nhận lời xin lỗi của các cơ quan tố tụng hai tỉnh An Giang và Long An.

Nội dung vụ án

Ngày 02-3-1988, ông Lâm Hồng Sơn hợp tác với Ban chỉ huy Cảnh sát nhân dân - Công an tỉnh An Giang do ông Nguyễn Văn Thông - Phó Giám đốc công an tỉnh phụ trách ký hợp đồng kinh tế hợp tác sản xuất thức ăn gia súc.

Quá trình hoạt động, Công an tỉnh thành lập công ty liên doanh Ancresdo do ông Sơn là giám đốc. Để có thêm vốn, ông Sơn đề xuất đến Công ty Kinh doanh tổng hợp huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An vay 200.000.000 đồng, được ông Thông đồng ý. Sau đó, ông Sơn trực tiếp qua Thái Lan bán sắt và mua hàng hóa..

Trong thời gian ông Sơn ở Thái Lan, ông Bùi Văn Nên được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc công ty Ancresdo, khi tàu chở hàng về, ông Nên tự ý bán tất cả hàng hóa mua từ Thái Lan về mà không trả nợ với Công ty Thủ Thừa. Phía công ty Thủ Thừa phát công văn đòi nợ thì ông Nên và ông Thông xác nhận ông Sơn mạo nhận danh nghĩa công ty để vay tiền sử dụng riêng cá nhân.

Ngày 16-1-1990, Cơ quan Điều tra, Cảnh sát nhân dân tỉnh Long An (nay là Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh Long An) khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với ông Lâm Hồng Sơn về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa. Ngày 16-5-1990, CQĐT, Cảnh sát nhân dân tỉnh Long An ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án và đình chỉ điều tra bị can đối với ông Sơn.

Ngày 14-12-1990, Phòng CSĐT, Công an tỉnh An Giang (nay là Cơ quan CSĐT, Công an tỉnh An Giang) ban hành Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Lâm Hồng Sơn về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa.

Ngày 13-11-1991, VKSND tỉnh An Giang trả tự do đối với ông Lâm Hồng Sơn. Đến ngày 19-11-1991, VKSND tỉnh An Giang ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can, với lý do bị can không chiếm đoạt, đây là quan hệ dân sự, nợ thuế chưa đến mức truy tố.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm