Nền chính trị của Vương quốc Anh có phải là thể chế cộng hòa? Nếu không phải thì sao gọi là “dân chủ phương Tây”? “Cộng hòa” và “dân chủ”, thể chế nào tốt hơn?
ANH PHÓ trả lời: Bạn Trần Quang Thắng thân mến!
Những vấn đề bạn hỏi liên quan đến chính thế và chế độ chính trị của một quốc gia nhưng qua câu hỏi nêu ra tôi thấy có sự lẫn lộn giữa chính thể (mặt hình thức) và chế độ chính trị (mặt nội dung, bản chất).
Trước hết, từ “chính thể” là khái niệm để chỉ về mặt hình thức của một nhà nước. Tiêu chí để xác định chính thể là nhìn bề ngoài cách tổ chức của nhà nước, hễ nước nào có “vua” lập nên theo nguyên tắc thế tập, “cha truyền con nối” thì gọi là chính thể “quân chủ”. Còn ở nước nào không có “vua” thì gọi là chính thể “cộng hòa”. Nước quân chủ là nước có vua; nước cộng hòa là nước không có vua.
Trường hợp điển hình bạn nêu là nước Anh, vì nước này có vua (hiện nay là Nữ hoàng) nên đây là một nước quân chủ (Vương quốc Anh). Ngoài nước Anh, hiện nay trên thế giới còn có nhiều quốc gia khác theo chính thể quân chủ như: Tây Ban Nha, Thụy Điển, Đan Mạch, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia, Campuchia...
Ngày nay hầu hết các quốc gia theo chính thể quân chủ đều có bản Hiến pháp quy định rõ những nguyên tắc để xác định quyền và nghĩa vụ của vua, hoàng tộc, chính phủ, các tổ chức đại diện dân trong nước, quyền và nghĩa vụ của công dân, nên gọi đó là chính thể “quân chủ lập hiến”; chứ không phải như thời xưa vua nắm tất cả quyền lực nhà nước trong tay mình (gồm cả lập pháp, hành pháp, tư pháp) nên gọi là “quân chủ chuyên chế” (hay quân chủ tuyệt đối).
Còn ở nước nào theo chính thể “cộng hòa” (không có vua) thì vị nguyên thủ quốc gia, các cơ quan quyền lực nhà nước tối cao đều do nhân dân bầu lên. Thí dụ như ở Mỹ, Pháp, Nga, Đức, Trung Quốc, Việt Nam, Lào... Nước cộng hòa nào tổ chức theo mô hình của chủ nghĩa Mác-Lênin thì gọi là “cộng hòa xã hội chủ nghĩa” (như Việt Nam) hay “cộng hòa nhân dân” (như Trung Quốc, Lào, Triều Tiên). “Cộng hòa nhân dân” hay “cộng hòa xã hội chủ nghĩa” thì như nhau thôi.
Tóm lại, nếu xét theo mặt hình thức thì có hai loại chính thể: quân chủ hoặc cộng hòa.
Song nếu xét theo mặt nội dung, bản chất của chế độ (gọi là “chế độ chính trị”) thì tùy theo phương pháp sử dụng quyền lực cai trị mà chia ra hai loại chế độ: dân chủ và độc tài. Nếu việc tổ chức cai trị trên cơ sở tôn trọng, đề cao ý chí, nguyện vọng, quyền lợi của nhân dân (thường nói “của dân, do dân, vì dân”) thì gọi là “dân chủ”. Còn tổ chức và hoạt động nhà nước tuân theo ý chí của một người hoặc một nhóm người thì gọi là “độc tài”.
Nhân dân sống dưới chế độ độc tài thì hầu như không có cơ hội bình đẳng tham gia vào việc điều hành và quản lý đất nước. Trên giấy thì thấy công dân có đủ thứ quyền mà thực tế dân chẳng có quyền gì cả! Quyền lực nhà nước được thực hiện thông qua bạo lực, bằng bộ máy bạo lực, cảnh sát, quân đội (theo Nguyễn Đăng Dung, Luật Hiến pháp đối chiếu, NXB TP. Hồ Chí Minh, 2001, trang 109). Ở đó tuy người ta cũng nói là “dân chủ” nhưng thực chất là “mỵ dân”!
Cho nên, việc bạn hỏi có vẻ hơi lẫn lộn nhiều khái niệm khác nhau, nên tôi tạm “hệ thống” lại như vậy để bạn dễ nắm. Còn chi tiết bạn nêu “cộng hòa và dân chủ, thể chế nào tốt hơn?” thì theo tôi còn tùy thuộc thực chất của từng chế độ. Có khi “cộng hòa” (không có vua) mà không có “dân chủ” (tức là “độc tài”) thì chế độ đó không tốt vì không phục vụ đúng mức quyền lợi chính đáng của nhân dân; còn dưới chính thể “quân chủ” (có vua) mà có cách quản lý, cai trị “dân chủ” (không “độc tài”) thì về thực chất có khi tốt hơn nhiều.
Thân chào bạn!
(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM)