Phóng sự của
Nguyễn Như Phong (NLM số 271)
Kỳ 1: Một vụ án xử lấy được Vào một ngày tháng 10 năm 2013, tôi nhận được điện thoại và ở đầu dây đằng kia có tiếng một người phụ nữ nói với giọng ngập ngừng: “Xin lỗi, ông có phải nhà báo Như Phong không ạ?”. Sau khi tôi trả lời, người phụ nữ nói: “Tôi muốn đến gặp ông để kể cho ông nghe về một người đã bị bắt giam oan hơn 10 năm nay...”. Rồi qua điện thoại, chị nói vắn tắt với tôi về vụ án mà thú thực tôi nghe cũng không nhớ nổi. Loáng thoáng câu chuyện chị nói thì được biết rằng, có một người tên là Nguyễn Thanh Chấn, quê ở Việt Yên (Bắc Giang) đã bị phiên tòa sơ thẩm của Tòa án Nhân dân tỉnh Bắc Giang kết án chung thân về tội hiếp dâm và giết người, rồi tòa phúc thẩm của Tòa án Nhân dân Tối cao cũng xử y án... Nhưng nay, Cơ quan Điều tra hình sự (Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao) đang điều tra lại và nghe nói hiện đã bắt được thủ phạm của vụ này. Trong khi đó, một vài tờ báo không hề gặp gia đình người bị tù và cũng chẳng hiểu họ lấy tài liệu ở đâu mà vẽ lên hình ảnh người đang bị tù đó là vô nhân tính... và việc kêu oan là vớ vẩn. Sự việc lại có vẻ nghiêm trọng hơn đó là, vợ người bị tù (mà theo chị nói là đang bị oan) khi nghe con gái đọc bài báo đó đã uất lên và phát điên, nay đang nằm viện. Chị Thân Thị Hải kể lại vụ án với tác giả (ảnh: Hiền Anh)
Nghe lời chị kể, tôi lờ mờ cảm thấy có điều gì đó uẩn khúc trong vụ này. Đặc biệt từ đầu đến cuối, chị hay nói rằng, người tên là Chấn đó bị tù oan. Thú thực là tôi nghe và cũng không tin được, bởi lẽ một vụ án mà cả tòa sơ thẩm lẫn phúc thẩm đã xử thì khó có thể oan được, hơn nữa đối tượng đã bị giam tới 10 năm thì oan cái nỗi gì? Nhưng sự việc lại đang được Cơ quan Điều tra của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao điều tra lại thì cũng không thể xem là bình thường được, đặc biệt là tình tiết vợ của anh Chấn đã phát điên khi đọc bài báo thì rõ ràng càng không thể bình thường được. Và tôi đã mời chị đến gặp vào một ngày Chủ nhật với điều kiện chị phải mang cho tôi những hồ sơ, tài liệu có liên quan, đồng thời buổi làm việc đó sẽ được ghi hình, ghi âm. Chị đồng ý! 9 giờ sáng Chủ nhật, người phụ nữ được một thanh niên chở đến nhà tôi. Từ Bắc Giang về Hà Nội chị phải đi taxi, khi tới Hà Nội chị nhờ người cháu chở đến nhà tôi. Chị mang theo một túi giấy tờ, trong đó, tôi nhìn thấy ngay một tấm bằng Tổ quốc ghi công liệt sĩ Nguyễn Hữu Phấn đã hy sinh cho Tổ quốc trong khi làm nhiệm vụ, ngày 23/12/1964. Tấm bằng Tổ quốc ghi công này do Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng ký. Rồi chị đưa cho tôi xem bản cáo trạng của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Bắc Giang ngày 10/2/2004, bản cáo trạng số 51; kết luận điều tra số 172/PC16 ngày 3/12/2003 của Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Bắc Giang; rồi bản tuyên án của Tòa án Nhân dân tỉnh Bắc Giang ngày 26/3/2004 và Bản án số 1241/PTHS ngày 27/7/2004 của Tòa án Nhân dân Tối cao. Rồi bản bào chữa của Luật sư Văn phòng Luật sư Thủy Nguyên... Ngoài ra là hàng loạt các đơn kêu oan của người đang thụ lý tại Trại giam Vĩnh Quang (Vĩnh Phúc) cùng đơn của vợ, con, đơn của bà mẹ là vợ liệt sĩ Nguyễn Hữu Phấn và một số các công văn của các cơ quan như Cục Hình sự - Bộ Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao... và một số tờ báo. Nội dung của những công văn này cũng rất “giản dị” là đã nhận được đơn và đã chuyển tới các cơ quan chức năng để xử lý. Chị nói với tôi rằng, gần 10 năm nay, số đơn mà gia đình đã gửi đi khắp các cơ quan bảo vệ pháp luật, gửi đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước, gửi đến các cơ quan của Quốc hội... nếu tính ra có lẽ phải đến hàng ngàn trang giấy. Lúc này tôi cũng không dám nói với chị rằng, từ hôm trước, tôi đã hỏi một đồng chí lãnh đạo của Cơ quan Điều tra rằng, anh có biết gì về vụ án này không thì anh nói, vụ án này đang điều tra. Nhưng anh cho hay là, có thể khẳng định, đây là vụ án oan 100% và là vụ án oan chưa từng có. Rồi anh cũng nói cho tôi vắn tắt một thông tin rằng, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, ông Nguyễn Hòa Bình đã phải rơi nước mắt khi gặp người đã bị tù oan... nhưng vụ án vẫn còn đang tiếp tục làm nên không thể nói gì được. Với một giọng kể mạch lạc, điềm tĩnh và nhớ đến từng chi tiết nhỏ nhất, người phụ nữ đã kể cho tôi về vụ án này. Điều đáng ngạc nhiên nhất là, chị không phải ruột rà, thân thích gì với nạn nhân mà suốt nhiều năm nay, chị giúp gia đình người bị tù oan đi khiếu kiện khắp nơi chỉ với một tâm nguyện là hoàn thành mong ước của người chồng đã quá cố của mình, trước khi mất vì bạo bệnh rằng, “cố cứu lấy thằng Chấn, nó không giết người đâu, nó bị oan đấy!”. Chị tên là Thân Thị Hải, sinh năm 1958 ở làng Sắn, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Chồng chị là anh Nguyễn Văn Ngọc - cán bộ Phòng Quản lý hồ sơ của Công an Bắc Giang. Bản thân chị ngày xưa cũng có một thời gian phục vụ trong Cơ quan Công an, dù chỉ là làm hậu cần, cụ thể là nấu cơm. Mẹ của chị Hải là người cùng làng với Nguyễn Thanh Chấn và chị quen biết với nhà Nguyễn Thanh Chấn qua người mẹ và hai bên rất quý mến nhau.
Ông Vũ Đăng Khoa, Thủ trưởng cơ quan điều tra Viện KSNDTC động viên anh Chấn trước lúc được trả tự do
Và câu chuyện về vụ án như sau: Hơn 10 năm trước, vào lúc gần nửa đêm, ngày 15/8/2003, cháu Hoàng Văn Mạnh và Nguyễn Hữu Thanh ở thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên (Bắc Giang), khi đi qua nhà Nguyễn Thị Hoan, thấy cửa nhà chị mở hé, trong nhà có tiếng trẻ con khóc ngằn ngặt. Cháu Thanh gọi, “chị Hoan ơi, sao đi ngủ mà không khóa cửa” nhưng không thấy chị Hoan trả lời. Thế là Thanh chạy về nhà bà Hoàng Thị Hội là mẹ đẻ chị Hoan ở gần đó, kể lại nghi vấn của mình. Bà Hội vội chạy đến và khi vào nhà thì thấy một cảnh tượng hãi hùng. Chị Hoan nằm gục dưới đất, máu me bê bết, còn bên cạnh là đứa con của chị mới 16 tháng tuổi, đang ôm mẹ khóc khản giọng. Máu từ người chị Hoan cũng nhuộm đỏ người cháu bé. Ngày hôm sau, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Bắc Giang tổ chức khám nghiệm hiện trường và xác định chị bị chết là do ngoại lực tác động, vật tác động ở đây là vật tày, có lưỡi nhọn, sắc. Nạn nhân chết là do chấn thương đầu, mặt, vết thương ở bụng làm đứt động mạch mạc treo, chảy máu và mất máu cấp, dẫn đến sốc, trụy tim mạch cấp. Kết quả khám nghiệm kết luận, chị Hoan chết do bị giết. Sau một thời gian truy tìm thủ phạm thì đối tượng được Cơ quan Điều tra Công an Bắc Giang (PC16 ngày ấy) đưa vào tầm ngắm là Nguyễn Thanh Chấn. Trong ngày Cơ quan Điều tra về tổ chức khám nghiệm hiện trường và lấy lời khai của hàng xóm thì Nguyễn Thanh Chấn là người đã lo dựng lều bạt cho công an, bắt gà nhà mình đi nấu cháo để anh em công an ăn đêm, rồi ròng dây điện từ nhà mình sang nhà nạn nhân... Trong quá trình điều tra thì Cơ quan Điều tra đã lấy được lời khai Nguyễn Văn An và Lê Văn Giới, quê ở Kim Bảng, Hà Nam đang làm thuê gần đó và lời khai của Nguyễn Đức Đệ, Trưởng thôn xóm Me, xác định vụ án xảy ra trong khoảng thời gian từ 19 giờ 10 đến 19 giờ 45 ngày 15/8. Rồi một số người nữa khai là họ có thấy Nguyễn Thanh Chấn sang nhà bà Viển, hàng xóm chị Hoan để múc nước. Rồi tiếp theo, Cảnh sát Điều tra của Công an Bắc Giang đã bắt câu lưu Nguyễn Thanh Chấn. Những ngày đầu Chấn khai, không có hành động giết chị Hoan nhưng rồi đến ngày 28/9/2003, Chấn đã viết bản tự thú rằng, đã có hành vi giết chị Hoan vì đòi chị Hoan cho quan hệ tình dục nhưng chị không đồng ý. Căn cứ bản tự thú này, ngày 29/9, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an Bắc Giang đã khởi tố vụ án, ra quyết định khởi tố bị can, ra lệnh tạm giam đối với Nguyễn Thanh Chấn về tội giết người theo Điều 93, Bộ luật Hình sự. Sau một quá trình điều tra, ngày 3/12/2003, Cơ quan Cảnh sát Điều tra đã ra Kết luận điều tra số 172 và chuyển hồ sơ đề nghị truy tố đối với Nguyễn Thanh Chấn về tội giết người.
Giây phút anh Nguyễn Thanh Chấn được gặp gia đình sau 3.686 ngày bị tù oan
Kết luận điều tra này nêu tình tiết vụ án như sau: “Nguyễn Thanh Chấn - sinh năm 1961 đã học hết lớp 10/10 phổ thông, rồi ở nhà làm ruộng và xây dựng gia đình với chị Nguyễn Thị Chiến - sinh năm 1965, đến nay đã có 4 con. Quá trình ở địa phương, Chấn đã có tính trêu ghẹo và ôm phụ nữ nhiều lần, có lần vào buổi tối năm 2000 Chấn đã vào nhà chị Ninh ở xóm (quan hệ là thím với Chấn) tắt điện định ôm và giao cấu với chị Ninh nhưng bị phát hiện Chấn đã bỏ chạy, vợ Chấn đã phải đến xin lỗi. Chiều ngày 15 tháng 8 năm 2003, Chấn từ nhà ở trong làng đi ra quán hàng ở đầu sân bóng thôn Me bán hàng cùng với vợ. Hôm đó, sân bóng có tổ chức đá bóng, Chấn vừa bán hàng vừa xem bóng đá. Do đá hai trận nên khi giải tán trời đã tối (khoảng gần 19 giờ), mọi người về hết chỉ còn ban tổ chức đá bóng ngồi lại ở sườn sân bóng sau nhà anh Cốc (đối diện quán chị Hoan) gồm: Anh Chu Bá Cốc; Nguyễn Văn Hoan; Hoàng Văn Công bàn để san lấp lại sân bóng. Khoảng gần 19 giờ vợ Chấn bảo Chấn đi xin nước về phụ bán hàng. Chấn lấy hai vỏ thùng nhựa màu trắng đựng sơn móc vào đèo hàng xe đạp ý định đi sang phía đầu sân bóng đối diện nhà Chấn vào nhà chị Viển xin nước. Khi đi Chấn nhìn thấy nhóm anh Cốc, anh Công, anh Hoan vẫn ngồi đó. Trên đường đi đến cửa quán nhà anh Toan ở góc sân bóng gần nhà Chấn, Chấn thấy xe máy của Hoan còn dựng ở dưới gốc cây bàng, qua quán anh Toan, Chấn nhìn thấy chị Hoan và con đang làm ở sân giếng, cửa nhà chị Hoan vẫn mở to, trong bật điện tuýp sáng. Chấn đạp tiếp đến quán nhà anh Minh thấy điện tắt cửa khóa không có ai, Chấn rẽ vào giếng nhà anh Minh (vì thỉnh thoảng Chấn đã xin nước ở nhà anh Minh). Lúc này Chấn nảy ra ý định sang nhà chị Hoan gạ gẫm giao cấu với chị Hoan, Chấn dựa xe vào thành giếng và bỏ đôi dép lê ở sân giếng nhà anh Minh rồi đi bộ tắt qua vườn khoai lang và mấy luống ớt nhà anh Minh, vòng qua sau công trình phụ nhà chị Hoan rồi bước vào sân giếng. Thấy cửa hậu nhà chị Hoan vẫn mở, trong nhà bật điện sáng, con chị Hoan đang ngủ trên giường, màn đã buông, chị Hoan thì đang lúi húi ở tủ vải quần áo sát ngay cửa hậu, Chấn bước vào nhà, chị Hoan nhận ra Chấn hỏi “anh đi đâu đấy”. Chấn bảo với chị Hoan ngay “Hoan cho anh cái”, ý nói Chấn xin chị Hoan cho giao cấu, chị Hoan không đồng ý và nói “anh đừng lằng nhằng vớ vẩn”, Chấn cho rằng, muốn chị Hoan đồng ý cần phải ôm và sờ nghịch để kích thích tình dục chị Hoan. Chấn đã lao vào ôm chị Hoan từ phía sau lưng, hai tay Chấn vòng lên ngực sờ vú chị Hoan, chị Hoan không đồng ý và cựa hai người giằng co nhau một lúc thì Chấn buông tay ra. Ngay tức khắc chị Hoan với luôn vỏ chai bia Habada ở dưới chân giường lên đập thẳng vào Chấn. Chấn nhanh tay đỡ và giằng được vỏ chai, tay phải Chấn cầm cổ chai bia và quật mạnh đít chai vào gáy chị Hoan, chai bia trơn tuột khỏi tay Chấn, rơi xuống nền nhà vỡ vụn, lúc này Chấn vừa bực tức vừa sợ chị Hoan sẽ tố cáo mang tiếng với vợ con và dân làng, Chấn đã nảy ra ý đồ phải giết chết chị Hoan; lập tức Chấn lao vào ôm ngang người chị Hoan vật chị Hoan ngã ngửa xuống nền nhà. Tay trái Chấn đè giữ tay phải chị Hoan, đùi gối tỳ đè sườn phải chị Hoan, tay phải Chấn rút con dao bấm trong túi quần soóc ra rồi bấm lưỡi dao thò ra, Chấn đâm nhiều nhát về phía bụng, mặt trái, sườn trái, cằm trái chị Hoan. Trong khi đâm chị Hoan giơ tay trái lên đỡ, Chấn vẫn đâm không rõ trúng những đâu. Đến khi Chấn thấy lưỡi dao bị gãy rơi ra, Chấn không đâm nữa, còn chiếc chuôi dao Chấn đút vào túi quần. Tiếp đó, Chấn đã cúi xuống dùng hai tay bê bả vai chị Hoan nâng đầu lên khỏi nền nhà rồi đập mạnh 2 hoặc 3 cái xuống đất cho chị Hoan chết hẳn. Thấy má trái chị Hoan chảy máu nhiều, Chấn vội lấy chiếc gối nhà chị Hoan đang để trên giường đậy vào mặt chị Hoan. Chấn đứng dậy ra đóng cửa lách lại, tay trái cầm mép cửa khép lại, tay phải cài chốt rồi quay ra đi thẳng hướng cửa chính. Đến bảng điện ở sườn tường góc cửa sắt bên trái theo hướng Chấn ra, Chấn tắt hai công tắc nhà chị Hoan, điện tắt hết. Duy nhất Chấn khai chỉ còn nhìn thấy bóng đèn báo nồi cơm điện sáng màu vàng để trên bàn gỗ kê đối diện với giường chị Hoan. Tắt xong điện Chấn ra cửa gỗ ngoài cùng khép các cánh lại rồi đi sang giếng nhà anh Minh để lấy dép và xe đạp, Chấn đạp xe xuống giếng nhà chị Viển. Thấy chị Viển và anh Bảo có nhà, Chấn hỏi xin nước, xong thấy chân tay bị dính máu, Chấn múc nước rửa sách rồi mới múc nước vào hai thùng song đạp xe đem về quán cho vợ (tài liệu chứng minh lúc này là 19 giờ 30’). Chấn bảo vợ để Chấn về nhà ăn cơm tắm rửa trước xong ra trông hàng cho vợ về sau. Chấn đạp xe thẳng vào nhà trong làng tắm rửa và giặt quần áo, theo Chấn khai hôm đó, Chấn mặc quần soóc, áo phông cộc tay khi giết chị Hoan có bị dính một ít máu ở áo và quần, Chấn dùng xà phòng giặt sạch máu, còn chiếc chuôi dao Chấn dùng bàn chải và xà phòng rửa sạch máu sau đó đem giấu vào cốp tủ và chèn 03 quả sứ lên cho kín. Tắm rửa và giấu chuôi dao xong, Chấn ra ăn cơm, ăn xong tầm 21 giờ, Chấn ra trông hàng cho vợ về. Đến 22 giờ, Chấn nghe tiếng bà Hội kêu gào dân làng ra cứu chị Hoan, xung quanh mọi người ra rất đông, riêng bản thân Chấn không ra và đến tận ngày hôm sau mai táng chị Hoan xong, cũng không lúc nào Chấn đến nhà chị Hoan cả. Về con dao dùng để đâm chị Hoan, Chấn khai cách đó vài tháng vào buổi tối Chấn dọn dẹp quán phát hiện con dao bấm của ai rơi, Chấn đã nhặt và đút túi sử dụng công việc cá nhân. Theo Chấn thì chưa ai biết Chấn có con dao đó. Tại Cơ quan Cảnh sát Điều tra đã tổ chức cho Chấn nhận diện lưỡi dao thu giữ ở hiện trường, kết quả Chấn nhận chính xác đó là lưỡi dao Chấn dùng để đâm chị Hoan, đó là loại lưỡi dao bấm. Còn về chiếc chuôi dao, Chấn khai vào phiên chợ cầu treo Mỏ Thổ hôm đó là ngày 4 tháng 8 năm 2003 (âm lịch) tức ngày 31 tháng 8 năm 2003 (dương lịch), do hôm trước (30/8/2003) Chấn bị gọi đến làm việc với công an, tối về Chấn sợ phát hiện, đến sáng hôm sau Chấn đem chuôi dao lên nhà anh Thân Văn Phượng có vợ là Thúy, bạn học với Chấn, hiện đang làm nghề buôn bán sắt vụn ở cầu treo Mỏ Thổ, xã Minh Đức, huyện Việt Yên. Chấn vứt chiếc chuôi dao vào trong đống sắt vụn. Chấn khai vứt chuôi dao vào trong đống sắt vụn là thuận lợi nhất vì lo sợ vứt ở đâu rồi công an cũng sẽ tìm được. Cơ quan Cảnh sát Điều tra đã tổ chức truy tìm Phượng nhưng anh cho biết thời gian trong tháng 8 năm 2003 (âm lịch), anh Phượng đã bán 4 lần sắt vụn đi nơi khác nên không tìm được chiếc chuôi dao đó. Qua làm việc với gia đình anh Phượng thấy Chấn có đến chơi ở đống sắt vụn nên việc Chấn khai vứt chuôi dao ở đống sắt vụn nhà anh Phượng là có cơ sở. Ngày 30 tháng 10 năm 2003, Cơ quan Cảnh sát Điều tra đã cho Chấn thực nghiệm lại những động tác mà Chấn giết chị Hoan, kết quả Chấn thực hành thành thạo, chính xác và phù hợp với dấu vết để lại trên hiện trường và tử thi, phù hợp với lời khai nhận tội của Chấn”. Với kết luận điều tra như vậy, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Bắc Giang đã ra Cáo trạng số 51 ngày 10 tháng 2 năm 2004 quyết định truy tố bị can Nguyễn Thanh Chấn về tội giết người. Nội dung cáo trạng với nội dung kết luận điều tra cơ bản giống nhau. Ngày 26 tháng 3 năm 2004, Tòa án Nhân dân tỉnh Bắc Giang mở phiên tòa xét xử Nguyễn Thanh Chấn. Chủ tọa là Thẩm phán Nguyễn Minh Năng, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Bắc Giang là Đặng Thế Vinh. Tại phiên tòa này, ông Nguyễn Hữu Bún, chú ruột của chị Hoan, người được tham gia chứng kiến khám nghiệm tử thi yêu cầu phải làm rõ việc chị bị mất chiếc nhẫn và cả sợi dây chuyền… nhưng tại sao Cơ quan Điều tra không đưa vào biên bản khám nghiệm. Rồi mặc dù luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị cáo đã đưa ra những chứng cứ nhằm gỡ tội cho bị cáo như phân tích thời gian gây án, vết tay ở cánh cửa không được xem xét, việc thực nghiệm điều tra và nhận diện vật chứng không đủ sức thuyết phục nhưng Hội đồng Xét xử vẫn tuyên án Nguyễn Thanh Chấn tù chung thân.
Chắc chắn rằng, lịch sử ngành tư pháp Việt Nam trong thời kỳ cận đại sẽ phải đưa vụ án này vào biên niên sử, bởi đây là một vụ án oan, sai có lẽ người bị tù oan lâu nhất từ trước đến nay.
Hành trình hơn 10 năm kêu oan của người bị tù và những người thân cũng đáng đưa vào sử sách.
Báo điện tử PetroTimes sẽ tiếp tục cung cấp cho bạn đọc số phận oan khuất đến “kêu giời” của một con người phải chịu 3.686 ngày tù oan và hành trình đi kêu oan của người thân cũng như số phận của những con người trong gia đình nạn nhân.
Và bên cạnh đó là tinh thần trách nhiệm cao đối với sinh mệnh người dân của các cán bộ Viện Kiểm sát Tối cao mà trực tiếp là Cơ quan Điều tra cùng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về TTXH (C45); Công an Đắk Lắk, Gia Lai, Bắc Giang và Trại giam Vĩnh Quang (Bộ Công an).
|
Theo N.N.P (Petrotimes)
(Xem tiếp kỳ sau)