Tháng 12-2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.
Chính sách chưa đủ mạnh?
Tại Hội nghị này, Thủ tướng cho rằng: năng lực sản xuất ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của Việt Nam đã hình thành và nhiều nơi đã dần hoàn thiện. Các doanh nghiệp CNHT không chỉ phát triển về lượng mà còn phát triển về chất như da giày, lắp ráp ô tô, xe máy....
Nhưng đó mới chỉ là một vế. Bởi chính Thủ tướng cũng chỉ ra rằng: CNHT chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn đóng vai trò dẫn dắt. Nhiều ngành công nghiệp ưu tiên phát triển không đạt mục tiêu đề ra nên CNHT kém phát triển, tỷ lệ nội địa hóa các ngành công nghiệp còn ở mức thấp.
Nguyên nhân được xác định là thiếu chính sách đủ mạnh để tăng cường năng lực doanh nghiệp công nghiệp tư nhân, chưa tạo lập được môi trường kinh doanh thực sự thuận lợi, minh bạch, ổn định, cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng.
Có thể thấy, những gì Thủ tướng nhận định là những tồn tại không chỉ có riêng đối với ngành CNHT, mặc dù công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã trở thành một chiến lược từ mấy thập kỷ qua. Văn kiện Đại hội XII của Đảng cho rằng: So với hệ tiêu chí của nước công nghiệp theo hướng hiện đại, những kết quả mà quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước ta đạt được còn tương đối thấp và chưa đạt chuẩn.
Nguyên nhân đã được chỉ ra một cách khá công bằng và toàn diện. Việc thực hiện chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa vẫn rất chậm chạp, chưa gắn với phát triển kinh tế tri thức. Việc quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp nền tảng và công nghiệp hỗ trợ chưa có định hướng chiến lược rõ ràng, hiệu quả thấp. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế, yếu kém, lạc hậu và thiếu tính kết nối. Phát triển đô thị thiếu đồng bộ, chất lượng thấp.
Ngoài thể chế thì còn cần gì?
Tại Hội nghị nói trên, Thủ tướng giao cho hầu hết các bộ, ngành liên quan những nhiệm vụ thiết thực, sát sườn. Những nhiệm vụ ấy không có gì khác hơn là việc phải xây dựng được một thể chế đủ mạnh nhằm thúc đẩy CNHT phát triển, với nền tảng là một nền công nghiệp mạnh.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khi nói về CNHT cũng cho rằng: Rất cần những khung khổ chính sách và cơ chế cụ thể của Chính phủ để hỗ trợ cho DN, tiếp cận được với thị trường của CNHT.
Các khung khổ chính sách đã có như Nghị định 111 về phát triển CNHT hay Luật DN vừa và nhỏ cần phải được tổ chức thực hiện tốt hơn, thống nhất hơn để đảm bảo CNHT phát triển bền vững.
Dĩ nhiên, không chỉ có những định hướng chung ấy, ông Trần Tuấn Anh còn nói sẽ có những ngành được xác định phải phát triển mạnh. Ví dụ, ngành công nghiệp điện tử, công nghiệp ô tô, công nghiệp dệt may, da giày, ngành năng lượng... những ngành Việt Nam có tiềm năng, lợi thế và có những dung lượng thị trường.
Bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội CNHT Việt Nam dẫn ra những câu chuyện về DN Việt tham gia vào chuỗi sản xuất với Samsung hay các Tập đoàn lớn của nước ngoài để minh họa cho mong muốn thúc đẩy CNHT. Chẳng hạn với trường hợp Samsung, bà Bình cho rằng: hiện đã có một số nhà cung cấp cho Samsung nhưng tập đoàn này vẫn đang tìm kiếm thêm các nhà cung cấp mới.
“Khi Samsung đầu tư thì chỉ có một vài DN dám chấp nhận rủi ro đầu tư. Đây không phải là phẩm chất mà bất kể DN nào cũng có”, bà Bình nói. Tuy thế, bà Bình cũng cho hay: Các DN Việt trong lĩnh vực CNHT cũng đã thay đổi nhiều về độ “máu me” đầu tư. Mặt khác, các DN trong lĩnh vực CNHT cũng đã dần chấp nhận không thể làm những thứ to tát ngay từ đầu, mà chấp nhận “làm tinh, làm tốt”.
“DN làm tốt thì không hết việc”, bà Bình khẳng định.
Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên Châu Bá Long cũng nhắc lại câu chuyện tham gia chuỗi sản xuất của Samsung. Ông Long cho rằng: Việc Samsung trước đây thất bại khi tìm kiếm nhà cung ứng linh kiện tại Việt Nam là một điều đáng để suy nghĩ.
“Các công ty Việt Nam trong ngành CHNT tại thời điểm đó không thể đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của Samsung và phải chấp nhận thất bại ngay trên sân nhà. Điều này trở thành nỗi trăn trở và bức xúc của ngành công nghiệp Việt Nam”, ông Long nói.
2020 có 1.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng Thủ tướng nhấn mạnh, đến năm 2020, Việt Nam có sản phẩm CNHT có khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp; có khoảng 1.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam. Đến năm 2030, sản phẩm CNHT đáp ứng được 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành công nghiệp; có khoảng 2.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam. |