“Bình bình thì làm sao vô địch?”. Nhận định này của Thủ tướng tại hội nghị về công nghiệp hỗ trợ ngày 19-12 thực sự đã “gãi đúng chỗ ngứa” trong nền tảng phát triển hiện nay.
Thủ tướng, như mọi người vẫn biết, đặc biệt quan tâm đến bóng đá. Sự hiện diện của Thủ tướng trong nhiều trận đấu của đội tuyển Việt Nam chắc không chỉ trong tâm thế của một “người hâm mộ đặc biệt”. Bởi cũng chính từ sự quan sát đội tuyển Việt Nam, Thủ tướng đã nói về tinh thần làm việc. “Tinh thần làm việc phải như HLV người Hàn Quốc Park Hang-seo đưa Việt Nam tới chức vô địch AFF Cup”.
Thật vậy, ai cũng thấy đội tuyển hay đội U-23 Việt Nam vẫn là những con người ấy, nhưng trước khi ông Park Hang-seo làm HLV trưởng, các đội tuyển đều thi đấu chệch choạc. Đỉnh điểm của sự chệch choạc ấy là thất bại tại SEA Game 29 năm 2017. Khi ấy, đội tuyển U-22 vẫn với những con người ấy nhưng HLV không phải là ông Park Hang-seo thậm chí còn không tiến được vào bán kết môn bóng đá nam.
HLV Park Hang-seo đã đến tiếp quản các đội tuyển của Việt Nam trong bối cảnh như vậy. Chắc ít ai có thể ngờ rằng vị HLV người Hàn Quốc lại có thể dẫn dắt các đội tuyển làm nên những thành công vượt bậc. Á quân VCK giải U-23 châu Á, vô địch AFF Suzuki Cup 2018 mới đây là những minh chứng rõ ràng nhất cho vai trò của HLV Park Hang-seo đối với bóng đá Việt Nam.
Thủ tướng khi đề cập đến thành công của đội tuyển Việt Nam tại AFF Suzuki Cup 2018 đã đề cập đến tầm nhìn, cách bố trí đội hình, chọn điểm rơi thể lực và nhất là tinh thần “tiến lên” không ngơi nghỉ. “Phải tinh thần như vậy mới thành công chứ cứ bình bình suốt thì khó thành công lắm!” - Thủ tướng nói như đúc kết về triết lý bóng đá. Thủ tướng cũng yêu cầu phải học hỏi tinh thần người Hàn Quốc, Nhật Bản và nhiều nước khác về ý chí phát triển đất nước.
Và hẳn nhiên, người đứng đầu kỳ vọng tinh thần làm việc của hệ thống hành chính mà ông đứng đầu không thể “bình bình”. Bởi hiện nay, ngay cả mục tiêu mà Chính phủ phấn đấu vẫn chỉ nhắm tới ASEAN4 chứ chưa phải là “đứng đầu ASEAN” như khi vô địch AFF Cup. Cũng bởi vì có vẻ hiện nay, hầu như khi đề cập đến các chỉ tiêu phát triển, nhiều bộ, ngành rất hay sử dụng cụm từ “đạt mức trung bình của ASEAN và thế giới”.
“Bình bình”, thậm chí nhỉnh hơn “bình bình” một chút đang có vẻ được coi là “thành tích cải cách” của nhiều bộ, ngành, đặc biệt là trong công tác xây dựng thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, cắt giảm điều kiện kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Chắc chắn là nếu tâm lý và tinh thần làm việc dừng lại ở mức “bình bình” thì sự bứt phá của kinh tế và quốc gia sẽ vẫn chỉ là mục tiêu phấn đấu.
Đấy là kỳ vọng của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Chắc chắn cũng vì ông hiểu rằng cứ “bình bình” thì không thể vô địch!