Công nghiệp TP.HCM tăng trưởng thoát âm

(PLO)- Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công khởi sắc, công nghiệp tăng trưởng thoát âm, môi trường kinh doanh cải thiện...giúp kinh tế TP.HCM lấy lại đà tăng trưởng trong quý II-2023.

Thông tin được Phó Cục trưởng Cục thống kê TP.HCM Trần Phước Tường cho biết trong cuộc họp báo kinh tế - xã hội và công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP.HCM vào ngày 1-6.

Phó Cục trưởng Cục thống kê TP.HCM Trần Phước Tường thông tin về tình hình kinh tế TP.HCM trong quý II. Ảnh: NGUYỄN NHÂN

Ông Tường cho biết nếu như trong ba tháng của quý I, công nghiệp đều tăng trưởng âm thì sang tháng 4 đã có bước tăng trưởng khá.

Trong tháng 5, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tăng 1,51% so với tháng 4 và tăng 5,45% so với cùng kỳ. Lĩnh vực công nghiệp tăng trưởng thoát âm là một yếu tố cho thấy sự tăng trưởng phục hồi trở lại.

Cạnh đó, sức mua của thị trường trong nước được duy trì khi tổng mức bán lẻ hàng hóa 5 tháng đầu năm 2023 tăng 9,4% so cùng kỳ.

Ông Tường nhìn nhận trong tình hình hoạt động xuất khẩu suy giảm, sức mua nội địa duy trì được xem là điểm sáng của nền kinh tế.

Cùng đó, môi trường kinh doanh trên địa bàn dần được cải thiện. Dự án FDI đăng ký cấp mới vào TP.HCM tăng đáng kể, 5 tháng đầu năm có 374 dự án FDI cấp mới, tăng 60,5% so với cùng kỳ.

Cũng trong 5 tháng qua, TP có hơn 25.000 doanh nghiệp tham gia vào thị trường, song cũng có 18.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường.

Cũng theo thống kê, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hoá của doanh nghiệp TP.HCM tại các cửa khẩu trên cả nước đạt 21,9 tỉ USD, giảm 22,7% so với cùng kỳ.

Lý giải vì sao hoạt động xuất, nhập khẩu còn nhiều khó khăn nhưng kinh tế tăng trưởng mạnh trong quý II, ông Tường cho hay dư địa thị trường nội địa vẫn còn lớn, trong khi xuất khẩu đa dạng, không chỉ phụ thuộc vào một số thị trường.

Một yếu tố quan trọng khác giúp nền kinh tế TP.HCM dần tăng trưởng trở lại là tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công đã khởi sắc trong quý II.

Ước tính, giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đầu năm 2023 đạt 12,9% theo kế hoạch vốn của Thủ tướng, cao hơn cùng kỳ của năm 2022 (đạt 9,4%), đạt 21,9% theo kế hoạch của TP giao, cao hơn cùng kỳ năm 2022 (đạt 14,5%).

Ông Tường cho rằng đây là sự nỗ lực rất lớn của chính quyền TP, tạo bước chuyển biến rất tích cực, làm động lực cho nền kinh tế.

Dù trong quý II, TP có mức tăng trưởng mạnh trở lại nhưng theo ông Tường, nếu so với cả nước, mức tăng của TP chỉ ở mức trung bình thấp, xếp thứ 35/63 tỉnh thành.

So với năm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì tăng trưởng của TP.HCM khá thấp. Trong đó, Hà Nội đang ở mức 5,98%, Hải Phòng là 10,45%. Với mức độ tăng trưởng này thì so với quý II- 2022, TP chỉ cao hơn 0,15%. Trong khi đó, thu ngân sách Nhà nước giảm so cùng kỳ. Tổng thu ngân sách 5 tháng đạt 43% dự toán và giảm 4,5% so với cùng kỳ.

Thời gian tới, TP cần tiếp tục các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn như: duy trì hoạt động thông qua các chương trình xúc tiến đầu tư nhằm tìm kiếm, thay thế, bổ sung thị trường xuất khẩu tiềm năng trong thời điểm thị trường truyền thống còn khó khăn; thúc đẩy các doanh nghiệp mới hoạt động bằng nhiều giải pháp về cải cách thủ tục...

Quan trọng nhất là TP cần tăng tốc trong giải ngân vốn đầu tư công, vì vốn đầu tư công đóng vai trò là “vốn mồi dẫn dắt đầu tư ngoài nhà nước” cho nền kinh tế, vừa kích thích tiêu dùng, vừa thu hút vốn tư nhân vào sản xuất góp phần vào tăng trưởng kinh tế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới