Công nhân băn khoăn về rút BHXH 1 lần, mong có nhà lưu trú

(PLO)- Tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Củ Chi, TP.HCM, nhiều công nhân lao động băn khoăn về rút BHXH 1 lần và mong muốn có nhà lưu trú cho công nhân.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 5-5, Đoàn đại biểu Quốc hội – Liên đoàn Lao động TP.HCM đã có buổi tiếp xúc cử tri là công nhân lao động trên địa bàn huyện Củ Chi, TP.HCM về hai nội dung chính là góp ý cho dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi).

Mong mỏi được lưu trú ở KCN

Cử tri Võ Thị Trúc Mai (Công ty Quảng Việt) cho rằng các nội dung tại dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) chưa sát với thực tế. Cụ thể, tại mục “Phát triển nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp (bổ sung mới)” có quy định đối tượng thụ hưởng chính sách nhà lưu trú công nhân là người làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN-KCX)... Cử tri Mai nhấn mạnh không nên phân biệt giữa công nhân ở trong KCN-KCX với công nhân ở ngoài.

"Những người công nhân làm việc xa quê cuộc sống còn nhiều khó khăn nên phải thuê trọ. Họ có nhu cầu lớn với nhà lưu trú công nhân. Không những công nhân tại các KCN-KCX mà công nhân các doanh nghiệp bên ngoài cũng có nhu cầu này” – cử tri Mai phát biểu.

Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP.HCM phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri là công nhân lao động trên địa bàn huyện Củ Chi. Ảnh: NT

Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP.HCM phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri là công nhân lao động trên địa bàn huyện Củ Chi. Ảnh: NT

Bên cạnh đó, cử tri Mai cũng cho biết tại mục “Chính sách về nhà ở xã hội” về điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội (sửa đổi Điều 51) thì một trong các điều kiện là phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân…

“Như tôi là một công nhân đang phải đóng thuế thu nhập cá nhân nhưng tôi cũng khó khăn. Thu nhập trên 11 triệu đồng/tháng là phải đóng thuế rồi. Nhiều người cũng như tôi, mức sống với số tiền trên ở TP này không hề dư dả. Nếu quy định như trên thì chúng tôi không bao giờ có cơ hội được tiếp cận nhà ở xã hội” – cử tri Mai tiếp.

Cử tri nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc. Ảnh: NT

Cử tri nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc. Ảnh: NT

Một số công nhân cũng đồng quan điểm này tại dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi.

Ông Trần Văn Thành, chủ tịch công đoàn một công ty trên địa bàn huyện Củ Chi cũng nêu ý kiến về đối tượng nhà ở lưu trú là nên bỏ nhóm chuyên gia vì đây hầu hết là người thu nhập cao, không thực sự có nhu cầu về nhà ở.

Phải rút 1 lần do khó khăn thực sự

Về đề xuất mới trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) là cho người lao động rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, tối đa không quá 50%, nhiều cử tri là công nhân cho rằng nên được rút 100% như cũ. Cạnh đó, tuổi hưu mỗi năm mỗi tăng là chưa phù hợp với đối tượng công nhân, vì họ làm công việc nặng nhọc, độc hại, khó có thể theo nổi việc đến khi nghỉ hưu (60 tuổi với nữ và 62 tuổi với nam).

Cử tri nêu các vấn đề liên quan đến 2 dự thảo luật sửa đổi. Ảnh: NT

Cử tri nêu các vấn đề liên quan đến 2 dự thảo luật sửa đổi. Ảnh: NT

Cử tri Nguyễn Đắc Thời, cho biết hiện nay nhiều công nhân làm việc trong môi trường độc hại, nặng nhọc thì không thể nào làm đến tuổi nghỉ hưu. Bên cạnh đó, có trường hợp trên 45 tuổi thì mất việc, đi xin việc thì không có ai nhận vì lớn tuổi… Đây là lý do khiến họ muốn rút BHXH 1 lần vì gặp khó khăn thật sự.

“Tăng tuổi nghỉ hưu thì phải tạo việc làm cho người lao động khi họ mất việc, đồng thời phân biệt ngành nghề đặc thù để áp dụng tuổi hưu cho phù hợp. Không thể lấy điều kiện của người làm nhà nước áp dụng với người làm công nhân do tuổi nghề và tuổi hưu thực sự khác nhau" - cử tri Thời phân tích.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội giải thích một số vấn đề mà các cử tri quan tâm. Ảnh: NT

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội giải thích một số vấn đề mà các cử tri quan tâm. Ảnh: NT

Tiếp nhận các ý kiến của cử tri, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH), nhấn mạnh Sở luôn đồng hành với Liên đoàn Lao động để giám sát, kiến nghị… đảm bảo các quyền lợi chính đáng của người lao động.

Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP.HCM trao quà cho các công nhân trong buổi tiếp xúc. Ảnh: NT

Bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP.HCM trao quà cho các công nhân trong buổi tiếp xúc. Ảnh: NT

Theo Phó Giám đốc LĐ-TB&XH, việc rút BHXH 1 lần đã thông tin nhiều trên truyền thông. Việc rút 1 lần chỉ có lợi trước mắt, khi người lao động cần một khoản tiền giải quyết các khó khăn tức thời. Song về lâu dài, điều đó không có lợi.

“Sở cũng đề xuất làm sao có cơ chế hỗ trợ cho công nhân gặp trường hợp thắt ngặt về tài chính. Như ở TP.HCM là có các quỹ như quỹ CEP… khi người lao động cần thì cấp quản lý, công đoàn có biện pháp chứ không để họ rút BHXH 1 lần hoặc vay tín dụng đen” – ông Lâm nói, đồng thời nhấn mạnh việc không cho rút 1 lần quá 50% là để đảm bảo quyền lợi lâu dài cho người lao động.

Kết thúc buổi tiếp xúc, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP.HCM cảm ơn các ý kiến liên quan trực tiếp đến quyền lợi, suy nghĩ, tình cảm của người lao động. “Trong thời gian 1 tiếng qua có 9 cử tri với 14 ý kiến thì thấy rằng các đại biểu đã nghiên cứu sâu, kỹ, đóng góp cho dự thảo 2 luật cơ bản. Tôi tiếp thu, cam kết với anh em công nhân là có tổng hợp, báo cáo về Bộ LĐ-TB&XH để có ý kiến với Quốc hội” – bà Lệ nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm