Công nhân nhập cư: Cố dè sẻn, nên không?

Đồng lương ít ỏi, sinh sống tại các đô thị có mặt bằng sinh hoạt cao, đời sống công nhân vì thế càng thêm khó khăn. Nhưng không ít người chịu đựng, quên mình, dành dụm giúp gia đình…

Chỉ ăn mì ký!

Dạo quanh các khu Linh Trung (TP.HCM), Bình Đường (Bình Dương) sau giờ tan tầm, hàng hóa bày la liệt chiếm hết cả lối đi, chủ yếu là rau củ và thức ăn rẻ tiền. Người mua chủ yếu là công nhân. Bữa ăn chính của họ là trong nhà máy nên mua thêm ít thực phẩm để ăn dằn bụng. Buổi sáng họ cũng chỉ cầm chừng qua loa ổ bánh mì, gói xôi.

Hai chị em Lê Thị Dung (quê Thanh Hóa) làm việc tại Công ty Kollan (KCX Linh Trung I ). Cuối năm, thời gian tăng ca nhiều hơn, tối nào cũng phải sau 20 giờ hai chị em mới về tới phòng trọ. Đói rát ruột rát gan, hai chị em chỉ dám đỡ lòng bằng mì gói, loại mì phế phẩm không có bao được gọi là mì ký. Để có chất tươi, ngày Chủ nhật hay khi giãn ca, họ đi chợ mua các loại rau dạt giá rẻ chỉ ba, bốn ngàn đồng một ký về lặt lại, ngâm nước kỹ rồi luộc hoặc xào. Mỹ phẩm bày bán đầy các tiệm đối với họ hoàn toàn xa lạ. Xà bông Safega, hay những loại dầu gội rẻ tiền họ cũng phải dùng hết sức dè sẻn. Mỗi năm, hai chị em chỉ sắm chung vài ba bộ áo quần để dành khi đi chơi. Ở nhà cứ cày cục mấy bộ quần áo bảo hộ lao động của công ty.

Công nhân nhập cư: Cố dè sẻn, nên không? ảnh 1

Bữa cơm công nhân rất đạm bạc để có thể tiết kiệm tiền gửi về quê.Ảnh: P.ĐIỀN

Dung tâm sự: “Bố em mất sớm, mẹ em bị bệnh tật từ nhiều năm nay, em dành dụm để giúp mẹ chữa bệnh”. Chị Hồng, hàng xóm của Dung, ái ngại: “Cả hai chị em rất chịu khó, chẳng mua sắm cho riêng mình”.

Dung tính toán: Lương tháng của hai chị em khoảng 2,5 triệu đồng, cộng thêm tiền chuyên cần, thi đua… cũng được trên 3 triệu đồng. Trừ tiền ăn, tiền trọ, đồ dùng sinh hoạt hằng ngày hết hơn 2 triệu đồng, số còn lại tém tủm gửi về cho mẹ hằng tháng. Vì tiết kiệm và dịp tết tàu xe trở ngại nên đã ba cái tết hai chị em chưa về quê dù nhớ mẹ đến tê lòng.

Tiết kiệm từng ngọn điện

Vợ chồng anh Minh, ngoài tiền phòng trọ, điện nước ra thì nỗi lo canh cánh là làm cách nào để có tiền gửi về quê hằng tháng cho con. Đứa con ra đời, anh chị bàn nhau gửi con về quê nhờ ông bà chăm. Hằng tháng anh chị gửi cho con 300.000 đồng, khi tăng ca đều thì 500.000 đồng. Anh Minh nhẩm tính: Thu nhập của hai vợ chồng hơn 4 triệu đồng/tháng, tiền phòng trọ và điện, nước, ga, gạo... đã ngốn hết hơn nửa thu nhập của hai người. Để tiết kiệm tối đa, vợ chồng anh chỉ thắp một bóng đèn compact nhỏ, các thiết bị điện như quạt, tivi cũng dùng loại nhỏ để tiết kiệm điện… Dù rất nhớ con nhưng hai vợ chồng sắp xếp hai, ba năm mới về quê thăm con và gia đình một lần. “Đồng lương ít ỏi nên cái gì cũng tiết kiệm từng tí thôi anh ạ!” - anh Minh bày tỏ.

Tiết kiệm không khéo sẽ bào mòn sức khỏe

Không thể tăng thu nhập bằng tăng năng suất, hiện nay công nhân dành dụm bằng cách tăng ca và sống tiết kiệm. Mua thức ăn rẻ tiền, thậm chí nhịn đói vào nhà máy. Khoảng 68% công nhân thu nhập bình quân hằng tháng chỉ ở  khoảng 1, 5 triệu đồng vẫn để dành 300.000-500.000 đồng/tháng. Thế nhưng cũng không ít trường hợp thương tâm là tiền tiết kiệm lại là tiền phải mua thuốc hay khám bệnh do bị suy nhược cơ thể. Công nhân cần có kỹ năng sử dụng đồng tiền một cách hợp lý để tránh tình trạng tiết kiệm tiền mua thức ăn để dành tiền mua thuốc.

Th.s Trần Minh Trọng

PHONG ĐIỀN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm