Công nhân tăng ca tối mặt vẫn chật vật

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Do đại dịch, hai năm qua lương tối thiểu vùng không tăng, trong khi vật giá sinh hoạt, tiêu dùng tăng không ngừng khiến người lao động (NLĐ) tối mặt tăng ca nhưng vẫn chật vật.

Lương tối thiểu đứng im hai năm nay khiến công nhân phải tăng ca nhiều hơn để cân bằng cuộc sống. Ảnh: PHONG ĐIỀN

Lương còi cọc

Anh Nguyễn Văn Định làm công nhân khuôn đế giày tại Công ty TNHH Công nghiệp Jye Shing (Khu chế xuất Linh Trung 1, TP Thủ Đức, TP.HCM) khoảng 10 năm nay. Vợ anh cũng làm công nhân giày da ở một công ty khác. Anh trần tình, tháng gần đây đơn hàng giảm nên vợ chồng anh chỉ làm giờ hành chính với tổng thu nhập khoảng 15 triệu đồng. “Ngần ấy thu nhập để duy trì cuộc sống và học tập tiện tặn của năm thành viên gia đình” - anh nói.

Anh cho biết thời gian qua nhiều lao động nghỉ việc nên công ty tuyển mới khá nhiều nhưng rất ít người nhận do công việc nặng nhọc, thiết bị cồng kềnh, nhiều người không mặn mà. Còn trước đó, không dễ để kiếm một vị trí ở công ty.

Anh than thở vật giá, chi phí sinh hoạt đều tăng chóng mặt, đến độ anh phải gửi một đứa út về cho bà ngoại chăm hồi năm ngoái, còn hai đứa lớn ở cùng vợ chồng anh để tiện học hành. “Em làm ở đây lâu năm nên cố gắng gắn bó chứ mức lương quá thấp mà công việc nặng nhọc khiến cuộc sống thêm bức bối” - anh tâm sự.

Chị Nguyễn Hồng Minh, công nhân giày da tại Khu chế xuất Linh Trung 1, cho biết đơn hàng của công ty chị khá ổn định nên nhiều năm nay vẫn duy trì làm giờ hành chính, khi có đơn hàng gấp mới tăng ca 1-2 tiếng. Tuy nhiên đa phần công nhân đều muốn tăng ca nhiều hơn để tăng thêm thu nhập do lương tối thiểu thấp so chi phí sinh hoạt tại TP.HCM đắt đỏ, cộng thêm tiền trọ, điện, nước đều ngắt từ lương. “Không tăng ca thiếu trước hụt sau nhưng tăng ca thì không có thời gian chăm con cái, tối về muộn mệt rã rời” - chị bộc bạch.

Cào bằng một mức tiền tăng ca

Nữ chủ tịch công đoàn của một công ty chuyên lĩnh vực điện tử có vốn đầu tư Nhật Bản nói thẳng thay vì chia ba ca, công ty chỉ bố trí hai ca, như vậy thực tế NLĐ làm việc 12 tiếng. Theo đó, tính trên lương thực nhận phần tiền tăng ca chiếm 60%, trong đó lương trên hợp đồng khoảng 5 triệu đồng/tháng.

nhìn nhận tăng ca là giải pháp để tăng thu nhập của đa số công nhân, tuy nhiên vị này cho rằng việc cào bằng một mức tiền tăng ca bằng 150% (ngày thường) và 200% (ngày nghỉ) từ nhiều năm nay là không hợp lý so với sức NLĐ bỏ ra. Từ đó, vị chủ tịch công đoàn đề xuất nên tính lũy tiến giờ đầu là 150%, giờ thứ hai là 200% mới hợp lý. Đồng thời, cần xem lại giờ làm đêm hiện nhân thêm 30% cũng chưa thể bù đắp công sức, tinh thần của NLĐ làm ca đêm.

Đây là giải pháp căn cơ nhất để doanh nghiệp (DN) cân đối nguồn lực lao động khi có đơn hàng nhiều và gấp, còn nếu tuyển mới DN phải bỏ thêm chi phí tuyển dụng, đào tạo, quản lý, đóng bảo hiểm, bữa ăn, chăm lo đời sống. Chưa kể, nếu áp dụng tăng ca triệt để sẽ giúp DN cắt giảm chi phí, đồng thời khi thiếu đơn hàng sẽ không xảy ra tình trạng dôi dư lao động. Tuy nhiên, phía DN luôn tính toán quá chi li thay vì chia sẻ với NLĐ để họ cải thiện cuộc sống, gắn bó lâu dài với DN. “Nhiều chị em nói với tôi, con cái than phiền mẹ cứ làm đêm hoài hay mẹ nghỉ một đêm ở nhà với con đi. Tôi nghe mà thắt lòng” - nữ chủ tịch công đoàn tâm sự.

Tuy nhiên, theo ghi nhận, một số DN có vốn đầu tư nước ngoài tại TP.HCM nhận thấy sự bất hợp lý này và đã điều chỉnh với mức lương khởi điểm 7 triệu đồng. Thế nhưng, số DN như thế này là cá biệt.

Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Các DN khu công nghiệp TP.HCM, cho biết: Thời gian qua, chỉ số tiêu dùng cả nước đều tăng trong khi lương tối thiểu hai năm qua chưa tăng. Theo đó, để đảm bảo đời sống và tái tạo sức lao động, cần điều chỉnh lương tối thiểu, đồng thời tính toán lương thực lãnh và lương tối thiểu tương ứng với mức tăng tiêu dùng. Cùng đó, cần thay đổi cách tính giờ làm thêm cao hơn mức hiện hành mới tạo sự đột phá, thay vì mức cứng như hiện nay.

Ngoài ra, ông Bé cũng cho rằng với những ngành sử dụng nhiều lao động cần tính toán thay đổi công nghệ để tăng năng suất lao động, giảm lao động cơ bắp, tăng giá trị sản phẩm. “Tăng ca, làm thêm ngày nghỉ là giải pháp trong giai đoạn ngắn để giải quyết đơn hàng gấp cho giai đoạn phục hồi hậu COVID-19, còn về lâu dài cần tính toán căn cơ trong đó bao gồm tiền lương, đơn giá giờ làm thêm để hài hòa quan hệ lao động” - ông Bé kiến nghị.•

Khảo sát tiền lương và đời sống công nhân tại sáu tỉnh

Để làm căn cứ điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2023, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang tiến hành khảo sát tiền lương và đời sống của công nhân lao động tại sáu tỉnh, thành gồm: Hà Nội, Bắc Giang, Hải Dương, Đà Nẵng, TP.HCM, Đồng Nai. Đối tượng tham gia khảo sát là công nhân, chủ sử dụng lao động, cán bộ công đoàn.

Dự kiến ngày 28-3, Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ họp phiên đầu tiên để bàn phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu năm 2023. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm