Công nhân hết hơi vì… tăng ca

Từ đầu năm nay, do không tuyển thêm được lao động mới nên Công ty TNHH Nam Yang (Thủ Đức) khuyến khích mỗi công nhân đăng ký làm hai ca liên tục để kịp các đơn hàng. Từ thông báo có tính nội bộ này, không ít nữ công nhân trẻ, khỏe đã hăng hái đăng ký nhằm tăng nguồn thu nhập. Hằng, công nhân ở công ty này, cho hay hàng chục bạn bè của cô cũng làm hai ca liên tiếp ròng rã hai tháng nay vì công ty thiếu người. Làm quần quật hai tháng cô cũng dư được gần 5 triệu đồng nhưng da dẻ thì xanh xao và thường xuyên ngáp vặt vì mất ngủ.

Công nhân kêu cứu

Anh Nguyễn Hữu Phúc, công nhân Công ty TNHH Kollan (KCX Linh Trung I), cũng liên tiếp đối mặt với áp lực tăng ca (4 tiếng/ngày) suốt cả tuần kể từ sau tết. Mệt mỏi nhưng anh vẫn phải ráng vì: “Lương tối thiểu của em khoảng 1,5 triệu đồng/tháng, nếu không tăng ca thì khó trang trải được tiền nhà, điện, nước và sinh hoạt hằng ngày”.

Tương tự, anh Nguyễn Hữu Đức, công nhân Công ty Fenix, cũng thường xuyên vắng nhà vì công ty anh cho tăng ca đến tận 9 giờ đêm. Tăng ca quá nhiều khiến vợ chồng anh ít có thời gian để tâm sự, gọi điện thoại thăm hỏi con ở quê, bữa ăn sau giờ làm cũng vội vàng để tranh thủ thời gian nghỉ ngơi, chuẩn bị cho một ngày làm việc kéo dài 12 tiếng.

Công nhân hết hơi vì… tăng ca ảnh 1

Nhiều công nhân bị áp lực tăng ca do doanh nghiệp thiếu lao động. Ảnh minh họa: HTD

Sức người có hạn, công nhân trẻ, khỏe đến mấy chỉ tăng ca liên tục một thời gian là đuối. Các công nhân có thâm niên làm việc từ ba năm trở lên nói rằng họ sẵn sàng tăng ca nhưng ở mức độ vừa phải (khoảng 2 tiếng/ngày) để còn có thời gian học hành, nghỉ ngơi tái tạo sức lao động và giao lưu với bạn bè. Những nữ công nhân có gia đình càng không hào hứng với thời gian tăng ca quá dày. Chị Nguyễn Thị Hoa, công nhân Công ty TNHH Freetrend, bộc bạch: “Trước đây, chưa có gia đình em cũng lăn xả tăng ca nhưng từ khi có gia đình thì tăng ca rất khổ vì không còn thời gian đón con, cơm nước”.

Trong buổi tiếp xúc với đại diện Ban Dân vận Thành ủy, các sở, ngành, một công nhân ở Công ty Kollan (KCX Linh Trung I) bức xúc: “Lâu nay, Công ty Kollan thường xuyên yêu cầu công nhân tăng ca từ đầu tuần đến cuối tuần, thế nhưng bữa ăn lại quá kém khiến công nhân không đủ sức để làm việc. Thời gian nghỉ giữa ca rất ít. Công nhân có kiến nghị không nên tăng ca giữa tuần (ngày thứ Tư) để có thời gian tái tạo sức lao động nhưng công ty chưa đồng ý”.

Phạt nhẹ, chưa ăn thua!

Ông Nguyễn Tấn Định, Phó Ban Quản lý KCX-KCN (Hepza), cho hay: “Qua khảo sát, chúng tôi đã nhận được một số đơn thư “kêu cứu” từ công nhân kêu ca thời gian tăng ca quá nhiều khiến công nhân không đảm bảo sức khỏe. Hepza đã có văn bản nhắc các doanh nghiệp không làm quá thời gian pháp luật quy định, đồng thời chấn chỉnh các doanh nghiệp đã cố tình vi phạm để đảm bảo sức khỏe cho công nhân” - ông Định nhấn mạnh. Hepza đã thiết lập kênh thông tin từ đoàn thanh niên, công đoàn tại các doanh nghiệp để nắm bắt thông tin từ công nhân. Thông qua nguồn tin này, lãnh đạo Hepza chủ động gặp gỡ công nhân, chủ doanh nghiệp trao đổi, tìm cách tháo gỡ để hạn chế tăng ca quá mức hoặc tranh chấp lao động tập thể vì áp lực tăng ca.

Ông Huỳnh Tấn Dũng, Chánh thanh tra Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, cũng bức xúc: “Thể trạng người có hạn, nếu bị ép làm việc quá sức sẽ ảnh hưởng về lâu dài. Nếu phát hiện doanh nghiệp nào tăng ca lố giờ quy định, cơ quan chức năng sẽ xử phạt để người lao động không bị thiệt thòi!”. Ông Lâm Văn Tiếp, Bí thư Đảng ủy, Phó thường trực Ban Quản lý các KCX-KCN (Hepza), cũng nhìn nhận: “Chúng tôi đã kiểm tra và phát hiện Công ty Kollan ép công nhân tăng ca quá mức nhưng mức xử phạt còn quá nhẹ, không đủ sức răn đe. Chúng tôi đang tìm cách để hạn chế tình trạng này để công nhân khỏi bị thiệt thòi”.

Theo Điều 69 của Bộ luật Lao động (sửa đổi) và Điều 5 Nghị định số 109/2002 sửa đổi, bổ sung về thời giờ làm việc, nghỉ ngơi thì người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận làm thêm giờ nhưng không quá bốn giờ/ngày, 200 giờ /năm, trừ một số trường hợp đặc biệt được làm thêm không quá 300 giờ/năm. Theo đó, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh có sản xuất hoặc gia công hàng xuất khẩu như dệt, may, da , giày, chế biến thủy sản nếu phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn do yêu cầu cấp thiết của sản xuất hoặc do tính chất thời vụ sản xuất… thì được làm thêm đến 300 giờ/năm nhưng phải tuân thủ các quy định như: phải thỏa thuận với người lao động; thời gian làm việc từ 10 tiếng trở lên phải bố trí cho người lao động nghỉ thêm ít nhất 30 phút tính vào giờ làm việc; trong bảy ngày liên tục người sử dụng lao động phải bố trí cho người lao động nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục…

PHONG ĐIỀN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm