Mới đây, câu chuyện 5 công nhân tử vong do mắc bệnh nghề nghiệp (bệnh bụi phổi) ở tỉnh Nghệ An, được chủ doanh nghiệp (Công ty TNHH Châu Tiến, là một doanh nghiệp chuyên kinh doanh, sản xuất bột đá, có trụ sở tại địa chỉ tại Khu công nghiệp Nam Cấm, xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) bồi thường cho thân nhân gia đình nạn nhân vỏn vẹn 560 triệu đồng được dư luận hết sức quan tâm.
Chắc hẳn nhiều người còn nhớ, cách đây gần 1 năm trước vụ việc hàng chục công nhân lao động làm việc tại đơn vị này bị mắc các chứng bệnh nghề nghiệp mãn tính, nguy hiểm (bệnh bụi phổi) trong một thời gian dài và sau đó đã có 5 công nhân tử vong vì diễn tiến bệnh nghề nghiệp quá nặng, được báo chí đưa tin khiến dư luận vô cùng đau xót và hết sức bất bình.
Đau xót vì đa số hoàn cảnh của những công nhân tử vong do mắc bệnh nghề nghiệp, bệnh bụi phổi còn quá nghèo khó. Vì khó khăn mà họ bất chấp cả sức khỏe, tính mạng của mình để kiếm đồng lương ít ỏi trong một môi trường vô cùng độc hại, không đảm bảo an toàn vệ sinh lao động. Bất bình vì trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh bột đá, doanh nghiệp này đã có hàng loạt các vi phạm liên quan đến việc chấp pháp, là những quy định về an toàn vệ sinh lao động theo biên bản kết luận của cơ quan chức năng.
Hậu quả của những hành vi xem thường pháp luật, coi thường sức khỏe, tính mạng của người lao động là dẫn đến hàng loạt nạn nhân bị mắc bệnh bụi phổi và sau một thời gian dài điều trị, nhiều công nhân tử vong do mắc bệnh nghề nghiệp ngay sau đó.
Thế nhưng đằng sau câu chuyện đau lòng này không chỉ là lỗi vi phạm pháp luật nghiêm trọng của các đơn vị, doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh mà còn là trách nhiệm của chính quyền địa phương, đặc biệt là của các cơ quan quản lý lao động, cơ quan chuyên trách quản lý, giám sát về an toàn vệ sinh lao động tại địa phương.
Thực tế, dường như chúng ta đã có đầy đủ các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động đối với các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh. Cụ thể, Bộ luật Lao động năm 2019, Luật An toàn vệ sinh Lao động năm 2015 đều có hẳn một chương quy định riêng hoặc đều có những điều khoản quy định rất cụ thể về an toàn vệ sinh lao động đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có nhiều yếu tố, nguy cơ cao gây mất an toàn vệ sinh lao động.
Mặc dù luật pháp đã có đầy đủ các quy định thế nhưng hiện có không ít doanh nghiệp lơ là, thậm chí xem thường, không chấp hành và tuân thủ đầy đủ các quy định, trong đó có không ít những doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực có nhiều yếu tố, nguy cơ dẫn đến mất an toàn vệ sinh lao động, dễ xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Vấn đề đặt ra ở đây, nếu các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, thanh tra đột xuất tại các doanh nghiệp nhất là các doanh nghiệp có nhiều yếu tố độc hại, nguy hiểm... thì chắc chắc hậu quả sẽ không quá nghiêm trọng, vi phạm sẽ nhanh chóng được khắc phục và hạn chế đến mức thấp nhất những vi phạm liên tục và trong một thời gian dài của doanh nghiệp. Điều đó cũng đồng nghĩa là sức khỏe, tính mạng của công nhân, người lao động sẽ được bảo vệ nhiều hơn, hạn chế đến mức thấp nhất những cái chết thương tâm, đau xót do mắc các chứng bệnh nghề nghiệp, nguy hiểm.
Việc để các đơn vị, doanh nghiệp liên tục vi phạm những quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động trong một thời gian dài dẫn đến hậu quả đau lòng có một phần trách nhiệm của chính quyền địa phương, của cơ quan chức năng địa phương trong việc quản lý lao động, trong việc thực hiện thanh tra, kiểm tra an toàn vệ sinh lao động tại công trình, tại doanh nghiệp. Nếu không muốn nói trong những trường hợp này, cơ quan chức năng đã chưa thực sự làm tròn bổn phận, trách nhiệm trong việc quản lý lao động của địa phương, trong kiểm tra tính chấp pháp của các doanh nghiệp.
Ngoài ra cũng cần nói thêm rằng, hiện nay, theo quy định của pháp luật hiện hành khi doanh nghiệp có lỗi, vi phạm pháp luật về an toàn vệ sinh lao động, để xảy ra chết người do tai nạn lao động hay mắc bệnh nghề nghiệp thì chủ sử dụng lao động phải có trách nhiệm bồi thường cho công nhân, người lao động hoặc cho thân nhân người lao động bị tử vong ít nhất bằng 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật An toàn vệ sinh Lao động năm 2015 và theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH.
Có thể thấy mức bồi thường hiện nay đối với “nạn nhân” còn quá thấp nếu so với tính mạng của sức khỏe của người lao động. Do đó thiết nghĩ, cần phải nhanh chóng tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật An toàn vệ sinh lao động theo hướng tăng mức trợ cấp, bồi thường đối với người lao động bị tử vong, thân nhân người lao động, ít nhất là 60 tháng tiền lương nếu xuất phát từ lỗi của doanh nghiệp thực hiện không đúng và đầy đủ các quy định về an toàn vệ sinh lao động.
Việc tăng mức bồi thường cũng là chế tài gián tiếp để các doanh nghiệp cân nhắc, lưu ý, luôn chấp pháp, tuân thủ và chấp hành nghiêm pháp luật, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp do có tâm lý chủ quan, thậm chí là xem thường.