Có được 'giam lương' người lao động khi xử lý kỷ luật?

(PLO)- Khi người lao động vi phạm nội quy lao động, người sử dụng lao động được quyền xử lý kỷ luật nhưng không được quyền "giam lương" của họ dưới bất kỳ hình thức nào.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Quá trình làm việc, người lao động có hành vi vi phạm nội quy công ty, lúc này nhiều người sử dụng lao động xử lý kỷ luật và đồng thời không trả lương. Người sử dụng lao động cho rằng phải "giam lương" để xử lý hậu quả nếu có thiệt hại xảy ra.

Vậy pháp luật có cho phép "giam lương" người lao động khi xử lý kỷ luật hay không?

người-lao-động.jpg
Công nhân đang làm việc. Ảnh: NH

Luật sư Lê Doãn Tuấn (Đoàn Luật sư TP.HCM) phân tích: Khi người lao động vi phạm nội quy lao động thì người sử dụng lao động phải căn cứ vào nội quy lao động để xử lý; đồng thời phải tuân thủ nguyên tắc, trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật lao động theo quy định của BLLĐ 2019.

Trong đó, Điều 127 BLLĐ 2019 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm khi xử lý kỷ luật lao động gồm:

1. Xâm phạm sức khỏe, danh dự, tính mạng, uy tín, nhân phẩm của người lao động;

2. Phạt tiền, cắt lương thay việc xử lý kỷ luật lao động;

3. Xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động hoặc không thỏa thuận trong hợp đồng lao động đã giao kết hoặc pháp luật về lao động không có quy định.

Đồng thời, khi xử lý kỷ luật người lao động, người sử dụng lao động phải tuân theo trình tự xử lý kỷ luật lao động tại Điều 122 BLLĐ 2019. Trong đó, người sử dụng lao động phải chứng minh được lỗi của người lao động; việc xử lý kỷ luật lao động phải được ghi thành biên bản, phải có sự tham gia của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà người lao động đang bị xử lý kỷ luật là thành viên...

Như vậy, khi người lao động vi phạm nội quy lao động, người sử dụng lao động được quyền xử lý kỷ luật tùy vào mức độ vi phạm và phải tuân thủ quy trình, thủ tục xử lý kỷ luật nhưng người sử dụng lao động tuyệt đối không được quyền giam lương, giữ lương của người lao động dưới bất kỳ hình thức nào. Đây là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.

Trong trường hợp, người sử dụng lao động vi phạm thì sẽ bị phạt tiền theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị định số 12/2022 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội...

Đồng thời, biện pháp khắc phục hậu quả là người sử dụng lao động phải trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm