Theo dòng thời sự

Tăng lương tối thiểu vùng: Công nhân vững bụng, doanh nghiệp mới mạnh giàu

(PLO)-  Có thể khẳng định việc tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1-7-2022 theo đề xuất của Hội đồng tiền lương quốc gia là thực sự hợp lý và cần thiết.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

“Mức lương công nhân của tôi cộng thêm tiền tăng ca thành gần 6 triệu đồng/tháng. Với thâm niên làm việc, tôi nhận gần 9 triệu đồng/tháng. Vợ chồng tôi ở trọ, nuôi hai đứa con nên chi tiêu thiếu trước hụt sau”. Chia sẻ của một công nhân gửi tới Pháp Luật TP.HCM khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng.

Sau khi báo chí thông tin tám hiệp hội ngành hàng đề nghị lùi áp dụng tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1-7-2022 sang 1-1-2023, chúng tôi nhận được rất nhiều phản hồi. Đa phần bạn đọc kêu ca về mức thu nhập hiện tại cùng những khó khăn chồng chất mà công nhân phải chịu đựng, nhất là sau hai năm dịch COVID-19 hoành hành.

Trước đó, Hội đồng tiền lương quốc gia thống nhất đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng 6% từ ngày 1-7-2022 để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Phương án lùi thời hạn tăng lương tối thiểu vùng như trên nếu được chấp thuận sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống của người lao động, đặc biệt là công nhân. Cả nước có 10 triệu lao động chịu tác động của lương tối thiểu (chỉ tính trong doanh nghiệp (DN), chưa tính các khu vực khác).

Hãy thử tưởng tượng, với hàng triệu người lao động có thu nhập thấp đang từng ngày phải cân đối chi tiêu, việc có thêm từ vài trăm ngàn đến hàng triệu đồng mỗi tháng là quan trọng như thế nào. Trong khi đó, vật giá không ngừng tăng, lương tối thiểu vùng không được điều chỉnh suốt hai năm qua.

Theo quy định, số tiền DN phải đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn nghề nghiệp, bệnh nghề nghiệp, phí công đoàn tương ứng tiền lương cao hơn nhiều so với người lao động phải đóng. Đây là lý do khiến nhiều DN đã rất đắn đo khi kiến nghị chưa tăng lương tối thiểu vùng.

Tăng lương tối thiểu vùng đồng nghĩa tăng chi phí DN, từ đó tăng giá thành sản phẩm, dẫn đến giảm sức cạnh tranh. Trong bối cảnh các DN vừa gượng dậy sau đại dịch COVID-19, đang phải gồng mình hồi phục, đây là áp lực lớn. Nhìn từ hai phía, người lao động và DN đều có lý riêng.

Tuy nhiên, xét cho cùng, thật khó có chính sách nào làm hài lòng các bên ngay lập tức, luôn có bên nào đó chịu thiệt trước mắt để rồi cùng hưởng lợi ích lâu dài.

Với những tác động từ đại dịch, người lao động vốn thuộc thế yếu lại càng khó khăn hơn; chưa kể phía sau họ là gia đình nhỏ cùng những nhu cầu cấp thiết. Vì vậy, họ cần được ưu tiên. Đảm bảo đời sống của người lao động cũng là cách giữ họ gắn bó, đóng góp lâu dài, tạo ra giá trị bền vững cho DN.

Về phía DN, thay vì trì hoãn tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động, nên chăng tập trung tiết kiệm, cải tiến công nghệ, quy trình làm việc, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật để giảm chi phí.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần tiếp tục phát huy các biện pháp kích cầu nền kinh tế, tạo điều kiện cho vay và giảm lãi suất, thuế, hỗ trợ DN đẩy mạnh hoạt động, gia tăng lợi nhuận.

Với những cơ sở trên, có thể khẳng định việc tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1-7-2022 theo đề xuất của Hội đồng tiền lương quốc gia là thực sự hợp lý và cần thiết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm