Công trình cuối năm… tàn sát cây xanh!

TP.HCM vào cuối năm, khi các công trình chỉnh trang vỉa hè gấp rút thi công thì tình trạng cây xanh bị xâm hại trên đường phố cũng tăng lên. Tình trạng này không chỉ làm mất mảng xanh quý mà còn gây nguy hiểm cho người dân vì cây có thể bị ngã đổ thình lình.

Cây bị cắt tán hàng loạt

Trưa 24-12, người lưu thông qua đường Trần Nhân Tôn, đoạn qua phường 4, quận 5, TP.HCM không khỏi ngạc nhiên khi thấy nhiều cây phượng vỹ đang xanh tốt bất ngờ bị cắt tán. Một số người dân sống gần đó suy đoán có thể do sợ bão số 16 đổ bộ vào TP nên phải cắt tán cây, ngăn ngừa ngã đổ. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV Pháp Luật TP.HCM, hàng cây phượng bị cắt tán trên đường Trần Nhân Tôn lại xuất phát từ nguyên nhân khác.

Sự việc diễn biến như sau: Vào sáng 24-12, một đơn vị quản lý cây xanh thuộc Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh TP.HCM phát hiện đơn vị thi công công trình chỉnh trang vỉa hè trên đường Trần Nhân Tôn, đoạn từ đường Trần Phú đến Hùng Vương, cào hết đất làm nhiều gốc cây bị nổi rễ, đồng thời bộ rễ của nhiều cây xanh cũng bị đơn vị thi công làm đứt. Theo đó, đơn vị quản lý cây xanh phối hợp với chính quyền địa phương lập biên bản vụ việc để làm cơ sở xử lý. Trước tình trạng cây có nguy cơ bung gốc nên đơn vị phải cắt tán để tránh tình trạng cây ngã ra đường gây nguy hiểm.

Tương tự, vào cuối tháng 11-2017, nhiều cây sao đen trên đường Điện Biên Phủ, quận 3 cũng bị đơn vị thi công công trình chỉnh trang vỉa hè đào sát gốc, làm đứt rễ. “Những cây sao ở đường Điện Biên Phủ là cây loại 3, thân cây to hơn 50 cm nên khi rễ cây bị xâm hại có thể không bị ảnh hưởng ngay nhưng về lâu dài rất nguy hiểm vì khi bộ rễ suy yếu, cây có thể bị ngã đổ, gây tai nạn cho người đi đường” - một công nhân chăm sóc cây xanh ở khu vực này bày tỏ.

Hàng cây phượng trên đường Trần Nhân Tôn (quận 5) phải chặt tán để ngăn ngã đổ vì rễ cây bị công trình cải tạo vỉa hè xâm hại. Ảnh: KB

Trao đổi với chúng tôi, một kỹ sư của Công ty Công viên Cây xanh TP.HCM cho biết vào thời điểm cuối năm, khi các công trình chỉnh trang vỉa hè thi công gấp rút thì cây xanh bị xâm hại càng nhiều. Đặc biệt, ở các công trình thi công chỉnh trang vỉa hè, công trình lắp đặt thiết bị kỹ thuật ngầm…, các bộ rễ cây thường bị xâm hại nghiêm trọng khiến cây có nguy cơ ngã đổ hoặc yếu dần rồi chết.

Xử lý chưa nghiêm

Qua các vụ việc mà chúng tôi thu thập được, chỉ trong tháng 12-2017, số cây xanh trên địa bàn TP.HCM bị các công trình xâm hại xảy ra liên tục. Mới nhất, có một cây kèn hồng ở đường Bến Vân Đồn (gần chân Cầu Dừa) đang tươi tốt bỗng nhiên rụng lá, suy yếu dần và có nguy cơ chết khô. Vào ngày 25-12, nhân viên của Công ty Công viên Cây xanh TP xuống hiện trường kiểm tra, phát hiện rễ cây bị đơn vị thi công công trình ở khu vực này xâm hại. Cũng trên đường Bến Vân Đồn, vào ngày 22-12 có một cây me tây cao lớn bị đơn vị thi công tuyến cáp ngầm đào sát gốc cây, gây ảnh hưởng đến bộ rễ.

Tình trạng cây xanh bị xâm hại do các công trình thi công cấp tập cuối năm tái diễn nhiều nhưng xử lý chưa quyết liệt. Theo tôi, đơn vị quản lý cây xanh phải tham gia giám sát từ đầu đối với các công trình thi công trong phạm vi có cây xanh. Khi phát hiện đơn vị thi công làm ảnh hưởng đến cây thì kết hợp với các đơn vị chức năng liên quan xử lý nghiêm. Đơn cử, nếu xác định cây bị xâm hại nghiêm trọng có nguy cơ ngã đổ thì hoàn toàn có thể đình chỉ thi công, yêu cầu bồi thường thiệt hại…

Ông TRỊNH KIỂMChánh Văn phòng Hiệp hội 
Công viên cây xanh Việt Nam
 

Trước đó không lâu, tại đường Trương Định đoạn qua phường 7, quận 3 có một cây lim sét đang xanh tươi cũng bất ngờ có dấu hiệu héo lá. Theo xác định của Công ty Công viên Cây xanh và đại diện UBND phường 7, cây lim sét nói trên bị công trình thi công ngầm hóa cáp điện chặt đứt bộ rễ. Do đó, hai đơn vị này lập biên bản ghi nhận lại vụ việc và yêu cầu đơn vị xâm hại cây xanh phải hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu cây bị chết hoặc ngã đổ gây tai nạn…

Trong các vụ cây xanh bị xâm hại, dù đơn vị quản lý cây xanh và chính quyền địa phương (nơi cây bị xâm hại) xác định được đơn vị thi công tác động đến cây nhưng có nhiều trường hợp, đơn vị vi phạm không chịu ký vào biên bản. Mặt khác, biên bản cũng chỉ ghi nhận vụ việc, kèm lời khuyến cáo “nếu xảy ra thiệt hại đơn vị… phải hoàn toàn chịu trách nhiệm”, chưa ghi rõ hình thức xử lý tiếp theo.

Xâm hại cây xanh bị phạt đến 30 triệu đồng

Lãnh đạo một đơn vị thuộc Sở GTVT TP.HCM cho biết tại Điều 53 Nghị định 139/2017 do Chính phủ vừa ban hành (có hiệu lực từ ngày 15-1-2018) quy định rất cụ thể các hành vi vi phạm về lĩnh vực bảo vệ cây xanh. Theo đó, hành vi đục khoét, đóng đinh vào cây xanh, tự ý ngắt hoa, cắt cành cây, lột vỏ thân cây, phóng uế hoặc có hành vi khác làm hư hỏng cây xanh, vườn hoa, thảm cỏ sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu đồng… Hành vi tự ý chặt hạ, di dời, đốt gốc, đào gốc cây xanh đô thị hoặc chặt rễ cây xanh không đúng quy định bị phạt tiền 20-30 triệu đồng. Theo đó, với quy định mới, việc xử lý các vi phạm xâm hại cây xanh sẽ được xử lý nghiêm hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới