Trong thông báo đó có nêu lý do phải thanh lý hàng cây xà cừ, sơ đồ hiện trạng đường và dự kiến con đường sau khi chỉnh trang, phiếu lấy ý kiến người dân…
Đã có nhiều ý kiến người dân phản ứng gay gắt vì bao nhiêu ký ức của họ gắn liền với hàng cây rợp bóng mát nơi vùng đất “nắng cháy da người” này, ai mà không tiếc. Thế nhưng thời gian lấy ý kiến rộng rãi đã cho người dân cái nhìn toàn cảnh về việc nên hay không nên đốn hạ hàng cây.
Trước đó, ngay khi Hà Nội lên tiếng rằng việc chặt 6.700 cây xanh trên 190 tuyến phố không cần hỏi ý dân vì chính quyền còn nhiều việc khác phải làm đã nhận phản ứng rầm rộ từ phía người dân. Chính quyền Hà Nội sau đó đã phải ra lệnh ngừng chặt cây xanh, với những cây đã chặt rồi thì phải trồng mới thay thế, việc chặt cây về sau phải tiến hành hỏi ý kiến các nhà khoa học và nhân dân.
Không chỉ Hà Nội, nhiều địa phương khác cũng có tư duy theo kiểu trồng hay chặt cây gì là việc của chính quyền, không cần người dân cho ý kiến. Và tất nhiên, những ức chế trong dân được tích lũy từ những việc tưởng như nhỏ này.
Người dân là chủ thể, là đích đến cuối cùng quan trọng nhất nhưng lại vắng bóng trong việc hoạch định và đưa ra chính sách là điều không thể chấp nhận. Nếu không được tham gia vào quá trình hoạch định chính sách, tiếng nói của người dân dễ bị xem nhẹ và thường bị đặt phía sau các lợi ích khác.
Muốn tham gia, điều đầu tiên người dân cần là một chính quyền minh bạch thông tin để có cơ sở góp ý, phản biện.
Chưa biết kết quả số phận của hàng xà cừ ở Tây Ninh như thế nào nhưng ít ra chính quyền tỉnh này đã ghi điểm trong việc thể hiện sự minh bạch thông tin và lắng nghe dân.
Đã có nhiều cái gật đầu hài lòng từ phía người dân về cách hành xử ấy. Một tín hiệu vui trong những ngày cuối năm về bài học từ việc lắng nghe dân.